Những khu đô thị mới (KĐTM) đã hoạt động ổn định (trên 5 năm), có hàng nghìn hộ dân như Trung Hòa - Nhân Chính đầy đủ điện - đường - trường - trạm thực sự hiếm ở Thủ đô. Nhu cầu gửi trẻ nhỏ (trước khi vào cấp I) tại các khu chung cư cao tầng, khu dân cư tập trung đang gia tăng theo cấp số nhân.
Nhu cầu gửi trẻ nhỏ gia tăng theo cấp số nhân. Nguồn: internet
Sự khuyết thiếu hạ tầng xã hội trong các KĐTM ngày một trở nên rõ rệt trong bối cảnh nhiều dự án nhà ở thương mại cấp tập triển khai với đích đến là cuối năm nay, hoặc quý II/2015. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố hiện có 373 dự án xây dựng nhà ở, trong đó 155 dự án KĐTM, 218 dự án phát triển nhà ở. Tuy nhiên, hiếm có KĐT nào hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật tới hạ tầng xã hội.
Gian nan từ... mẫu giáo
Lượng người đổ về Hà Nội để học tập, làm việc cũng như bám trụ sinh nhai lâu dài chưa bao giờ sụt giảm. Đương nhiên, kèm theo đó là nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, giải trí, đào tạo liên tục gây sức ép với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại Thủ đô.
2 - 3 năm qua, báo chí liên tục phản ánh, giới chuyên môn khuyến nghị, đề xuất các giải pháp dung hòa trách nhiệm - lợi ích giữa cơ quan quản lý với các đơn vị tạo lập nhà ở nhưng thực tế vẫn đáng buồn.
Chỉ riêng chuyện chủ đầu tư mỗi KĐT đông dân, hay đơn cử là một quần thể chung cư gồm 2 - 3 block nhà làm "tròn vai" trong việc khớp nối hạ tầng xã hội cơ bản (sân chơi, nhà trẻ, đường nội khu, nước sạch) đã trở nên "xưa nay hiếm" ở Hà thành. Đối với những cư dân vốn quen thuộc nhiều năm nay với nếp sống cộng đồng tại hàng loạt chung cư cao tầng, họ thường phải "vượt khó" trong chuyện gửi con tới nhà trẻ.
Những chủ hộ cao cấp ở Ciputra, Mandarin Garden, Ecopark, khu biệt thự bán đảo Linh Đàm, KeangNam, Golden Westlake... đồng thời, sở hữu căn hộ cao cấp giá trị vài tỷ đồng, việc gửi con trẻ tới các trường mầm non tư thục, đẳng cấp quốc tế (như Kindergarten, KoolKid, BVIS, IMSK...) được bố mẹ coi như "chuyện nhỏ", dù giá thành có lúc lên tới 43 triệu đồng/khóa (trường BVIS tại 72A Nguyễn Trãi).
Còn với những gia đình có mức thu nhập trung bình tới khá, đặc biệt cặp vợ chồng trẻ chưa có tích lũy tài chính bền vững, việc gửi gắm con nhỏ tới những ngôi trường "thương hiệu quốc tế" hoàn toàn không khả thi. Tổng thu nhập 13 - 18 triệu đồng/ tháng, các cặp vợ chồng trẻ buộc lòng phải săn tìm nhà trẻ tư thục bình dân với giá vài triệu đồng/ tháng để gửi con mẫu giáo.
Nhưng điều này rất khó ở khu vực các quận trung tâm như Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân. Tại Trung Hòa - Nhân Chính, có một số lựa chọn như: Trường Mầm non dân lập Lý Thái Tổ (của Vinaconex), Mầm non Hoa Trà My, Justkids (sau tòa 17 T1), Dream House, Mẫu giáo dân lập Liễu Giai ở Trung Kính... đều thường xuyên "kín chỗ". Ở khu Thành Công, trẻ nhỏ được phục vụ bởi 3 trường mầm non (Tuổi Hoa, Chim Non, Viet Kids) với chi phí chưa tới 2 triệu đồng/ tháng. Đây là 2 khu sinh sống mà rất nhiều gia đình trẻ trong nội đô đều ghen tỵ về cơ sở trông giữ trẻ đạt yêu cầu rẻ - tốt so với những nhà trẻ mọc lên kiểu... có cầu ắt có cung.
Xác suất rủi ro bằng 0
Trào lưu đầu tư kinh doanh trường mầm non đã manh nha 1 - 2 năm qua, nhưng mới chỉ ở dạng sơ khởi cả về chất lẫn lượng. Phạm vi địa bàn chủ yếu tập trung ở các vùng vành đai 2,5 đổ ra, cách thức đầu tư là thuê nhà thổ cư mặt sàn tối thiểu 100m2 (không kể khu phụ) trong thời gian 3 - 5 năm, xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, xin giấy phép và tuyển giáo viên mầm non.
Hiện có những khu vực tập trung nhiều cơ sở/nhà trẻ tư thục đang hoạt động ổn định, như Trung Văn, Khương Đình - Kim Giang - Hoàng Đạo Thành, Pháo Đài Láng, Minh Khai - Trương Định - Bạch Mai, Phương Mai - Lương Định Của - Trung Tự...
Chất lượng, chi phí (trông giữ trẻ) của các cơ sở mẫu giáo tư thục không đồng đều. Điểm chung, nơi nào giá cao (trên 2 triệu đồng/tháng) thì mật độ học sinh thấp (được chăm sóc tốt hơn - bố mẹ yên tâm). Ngược lại, cơ sở giá thành thấp (1 - 2 triệu đồng/tháng) thì phần lớn "trường" chỉ là ngôi nhà 2 - 3 tầng, thiếu không gian, ánh sáng cho trẻ mầm non, cộng thêm mật độ đông nên phụ huynh chỉ biết "bấm bụng" gửi con, vì điều kiện tài chính không cho phép.
Đầu tư vào nhà trẻ tư thục, hoặc cơ sở trông giữ trẻ nhỏ đều đòi hỏi kế hoạch cụ thể về vốn, địa điểm, nhân lực và pháp lý. Tối thiểu 500 triệu, trên 100m2 sàn, gần (hoặc lọt thỏm) khu đông dân cư, giáo viên mầm non (hoặc có bằng sư phạm và chứng chỉ mầm non), thực hiện thủ tục đăng ký theo QĐ số 41/2008/ QĐ/BGD - ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với trung bình công suất 20 cháu/lớp, học phí 1,5 triệu đồng/ tháng, trừ đi phần chi phí trả lương giáo viên (3 - 5 triệu đồng/ tháng). Tính sơ sơ sau 2 năm, chủ cơ sở đã có lãi.
Những khu vực đang và sắp đi vào hoạt động như Văn Phú, Xa La, Văn Khê, Dương Nội - Lê Văn Lương... chính là mỏ vàng lộ thiên chờ khai thác.
Theo Tài chính