Nữ nhà văn cho biết, văn hóa, môi trường, điều kiện chăm sóc cho đến những quan niệm về cách nuôi dạy trẻ của người Mỹ và người Việt rất khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều điểm gần gũi, điển hình nhất là tất cả các bậc phụ huynh đều hết sức yêu thương và mong muốn điều tốt nhất cho con cái.
Người Mỹ thường để con tự làm những việc nhỏ nhất ngay từ nhỏ
"Con là khách quý"
Nhà văn Kẩm Nhung cho biết: "'Con là khách quý' bắt nguồn từ câu chuyện tôi từng chứng kiến về một đôi vợ chồng người Mỹ cứ hàng tháng lại lần lượt mời một trong những đứa con của mình đi ăn nhà hàng, để trò chuyện và hiểu con hơn. Câu chuyện này giúp tôi thay đổi cách nhìn về những đứa trẻ và nhận ra mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt, có tính cách và suy nghĩ riêng, đòi hỏi bố mẹ phải lắng nghe và trò chuyện nhiều với chúng thì mới hiểu được những gì chúng mong muốn. Ở đây còn có một sự nhấn mạnh về vị thế. Con không còn là "nghiễm nhiên", là "phận dưới", mà đến đàng hoàng, được chào đón như một người "khách quý", mong chờ được tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ với bố mẹ".
Nữ nhà văn cho biết, văn hóa, môi trường, điều kiện chăm sóc cho đến những quan niệm về cách nuôi dạy trẻ của người Mỹ và người Việt rất khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều điểm gần gũi, điển hình nhất là tất cả các bậc phụ huynh đều hết sức yêu thương và mong muốn điều tốt nhất cho con cái. Những ông bố, bà mẹ Việt ngày nay cũng có xu hướng như người Mỹ là mong muốn nuôi nuôi dạy con thành những đứa trẻ khỏe mạnh, tự lập, biết yêu thương và cảm thông với người khác. Chính vì vậy, tuy cả gia đình đều xuất thân từ Việt Nam nhưng Kẩm Nhung đã mạnh dạn áp dụng phương pháp của người Mỹ vào việc chăm con.
Chị chia sẻ: "Tôi học tập được từ người Mỹ việc chuẩn bị một tâm lý vững khi nuôi con. Đó là học hỏi, chuẩn bị đầy đủ về quá trình nuôi dạy con, và một sự thoải mái, tự tin, giúp cho mình vui vẻ tận hưởng thời gian làm mẹ. Sau khi sinh bé Xoài (con gái Kẩm Nhung), việc chăm sóc bé chỉ có hai vợ chồng tôi, vợ đi làm, chồng đang hoàn thành nốt chương trình học. Những tuần đầu, chồng đảm nhận việc tắm cho con, cho đến khi tôi hồi phục sức khỏe. Khi bé Xoài được hai tháng rưỡi thì tôi cho con tập ngủ riêng trong cũi (sleep training). Điều đó khiến bé ngủ qua đêm (ngủ thẳng 5 tiếng đồng hồ) mới dậy đòi uống sữa. Từ tháng thứ sáu, bé ngủ thẳng 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày, ví dụ ngủ từ 8 giờ tối hôm trước thì 8h sáng hôm sau mới dậy. Và khi tỉnh dậy, bé không khóc mà chỉ nằm chơi trong cũi đợi bố mẹ vào.
Tôi còn tạo điều kiện để bé có thời gian tự chơi. Tôi mua một chiếc baby bouncer (ghế rung cho trẻ em), sau khi bé uống sữa thì đặt bé vào đó, để bé tự chơi. Hoặc cho bé chơi trên tấm trải trên nền nhà với đồ chơi. Khi bé 6 tháng tuổi, tôi cho bé ăn dặm, bắt đầu từ ăn loãng, nhuyễn, đến khi bé 8 tháng tuổi thì bé tự bốc thức ăn, từ thức ăn chuẩn bị riêng cho bé, đến khi qua 1 tuổi thì bé ăn thêm thức ăn của người lớn. Nhờ vậy, bé có thói quen ăn rất tốt. Mỗi giờ ăn đều ngồi ăn cùng bố mẹ, bé ngồi riêng trên ghế và tự bốc, xúc thức ăn trong bát của mình. Tôi cũng hay đưa bé ra ngoài để trải nghiệm, đi công viên, bảo tàng, các khu vui chơi... để bé cảm nhận về những gì diễn ra bên ngoài.
Đặc biệt, các bảo tàng dành riêng cho trẻ em (Children's museum) là nơi tôi và Xoài hay lui tới vì có rất nhiều hoạt động dành riêng cho trẻ em vui chơi và luyện kĩ năng. Tôi cũng hay đưa bé đi thư viện để mượn sách. Trung bình ở nhà lúc nào cũng có khoảng ba chục cuốn sách truyện của Xoài, bé rất ham đọc nên con số đó không phải là nhiều so với mức độ "ngốn" của bé. Ở nhà, tôi tạo cho Xoài một không gian an toàn để không phải luôn nhắc nhở hay mắng mỏ con. Xoài được tự do vận động, vui chơi trong nhà, và con có thể tự làm nhiều việc cho bản thân. Xoài cũng giúp mẹ chuyện bếp núc nữa. Những việc bé có thể giúp làm tôi đều để con làm: Đập trứng, rửa rau, rắc gia vị, đổ dầu ăn, xúc gạo nấu cơm....".
Dạy con biết "đòi hỏi"
Các ông bố, bà mẹ Việt thường cố gắng giáo dục con biết nghe lời, không đòi hỏi nhưng Kẩm Nhung cho biết người Mỹ lại nghĩ ngược lại. Họ cho rằng đòi hỏi thực ra có một ý nghĩa hết sức tốt đẹp, đó là đòi hỏi cái mà chúng ta muốn, cái chúng ta xứng đáng được hưởng. Hay dùng một từ khác, đòi hỏi chính là thương lượng, là đạt được cái ta muốn thông qua trao đổi, thương lượng.
"Trước hết, hãy nhìn lại chính người lớn chúng ta. Kĩ năng thương lượng chính là một kĩ năng cần thiết nhất trong cuộc sống. Với tư cách một cá nhân, từ việc đi mua nhà, mua ô tô, đến đàm phán lương, đều cần kĩ năng sống còn này. Với tư cách doanh nghiệp, việc đàm phán mua hàng, bán hàng... đều cần khả năng thương lượng để đạt được lợi ích mong muốn. Nhưng người lớn chúng ta được bao nhiêu người có thể tự tin nói rằng mình giỏi kĩ năng này? Chúng ta thường tranh đấu rất nhiều trước khi mở miệng ra "đàm phán", và nếu có bị từ chối thì chúng ta nhanh chóng chấp nhận lời từ chối đó. Chính vì vậy, thay vì dạy con biết "ngoan", không "đòi hỏi" khi con còn nhỏ, chúng ta nên tạo môi trường để trẻ trau dồi kĩ năng sống còn này ngay từ nhỏ, đặc biệt các bé gái càng cần được tạo điều kiện hơn nữa. Tất nhiên, mọi việc đều có giới hạn rất mong manh của nó. Cha mẹ cũng cần biết cách phân biệt giữa "một đứa trẻ mè nheo đòi hỏi" và "một đứa trẻ có khả năng thương lượng tuyệt vời"", nhà văn Kẩm Nhung đồng tình với quan điểm này của người Mỹ.
Theo nhà văn Kẩm Nhung, bố mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Để con biết chia sẻ, biết lắng nghe, bình tĩnh, biết yêu thương người khác... thì cách bố mẹ phản ứng trong các tình huống rất quan trọng. Đứa trẻ sẽ nhìn vào đó để học tập và thay đổi. Chính vì vậy, bố mẹ phải dạy con thông qua cách ứng xử của chính bản thân chứ không phải chỉ là những lời nói suông.
"Trước khi có con và cả khi có con rồi, tôi vẫn nghe mọi người nói đại ý là "khi trẻ hư thì phải phạt trẻ thì trẻ mới ngoan được". Phạt ở đây có thể là vài cái tét mông, bị đứng góc tường, hay phạt không cho đi chơi, không cho mua đồ chơi... Một cách mơ hồ, tôi vẫn nghi ngờ về phương pháp đó. Đến khi sang Mỹ và nhìn cách người Mỹ xử trí khi con "hư" tôi mới thực sự thở phào vì chẳng phải phạt thì trẻ vẫn ngoan được. Tất cả bắt nguồn từ việc thực sự hiểu hết hậu quả của việc phạt trẻ. Ai cũng biết hậu quả của việc đánh trẻ. Thực tế những phương pháp trên đều khiến trẻ chỉ lo vâng lời để tránh bị phạt chứ không phải vì trẻ đã hiểu mình sai ở đâu, mình thực sự muốn ngoan.
Hình ảnh của bố mẹ chỉ xuất hiện khi phạt trẻ, còn cả quãng đường "trải nghiệm" sau đó, trẻ thực ra rất cô đơn vì nó đã bị bỏ mặc tự xoay sở những vấn đề mà nó không tự giải quyết được. Từ những sự việc nhỏ bé này, trẻ mất dần trách nhiệm hành xử tốt trong những sự việc lớn hơn vì trẻ đã quen phải giấu giếm, phải nói dối... Khi lớn lên, trẻ không thích bị bố mẹ can thiệp nữa vì trong tâm trí trẻ, bố mẹ thường áp đặt và đã không thực sự giúp đỡ trẻ. Từ khi học được điều này, tôi thấy không có tình huống nào mà không thể giải quyết và không hề cần trách mắng hay phạt con", nữ nhà văn chia sẻ.
"Cách người Mỹ dạy con không chỉ nằm ở chuyện luyện con ngủ ngoan hay dạy con biết yêu thích việc ăn uống. Mà như một thứ hương hoa phảng phất trong không khí, nó tạo nên một bầu không khí, một môi trường nuôi trẻ mà trong đó, dường như mỗi ông bố bà mẹ tôi gặp lại là một pháp sư, đang đối đãi với đứa trẻ theo một cách "tu luyện" đứa trẻ thành một cá thể lớn lên tự tin, tự lập, đầy cảm thông, có đủ công cụ để hòa nhập với cuộc sống. Và không chỉ đứa trẻ, những ông bố bà mẹ đó cũng có thời gian để tận hưởng cuộc sống của chính mình", nhà văn Kẩm Nhung cho biết.
Theo Afamily