Mặc dù chủ trương của ngành giáo dục TPHCM năm học 2014-2015 là trẻ ở độ tuổi từ mẫu giáo sẽ học ở trường mầm non tại phường, xã của mình. Tuy nhiên, không phải phường, xã nào cũng có trường mầm non, khiến các bậc phụ huynh đang phải toát mồ hôi, chạy đôn chạy đáo lo trường cho con.
Vẫn còn khó khăn để trẻ mầm non hưởng sự chăm lo tốt nhất từ nhà trường (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Tuấn Vương
Vẫn phải xếp hàng từ 2h sáng để mua hồ sơ
Theo thông báo của Trường mầm non Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), trường sẽ bắt đầu bán hồ sơ từ 7h30 ngày 11/7 với chỉ tiêu tuyển sinh ban đầu là 2 lớp lá (70 trẻ), 2 lớp mầm (70 trẻ), 2 lớp chồi (70 trẻ), một nhóm lớp 25-36 tháng tuổi (30 trẻ), một nhóm lớp 19-24 tháng tuổi (20 trẻ) và một nhóm lớp 6-12 tháng tuổi (16 trẻ). Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã phải đến trường từ 2h sáng để chen lấn mua hồ sơ ghi danh cho con.
Một phụ huynh cho biết, dù đến trường từ lúc 5h sáng 11/7 nhưng lớp mầm đã có tới 90 trẻ ghi danh, vượt so với chỉ tiêu. Việc ghi danh từ lúc trời vẫn còn nhá nhem tối đã vấp phải sự phản đối từ phía phụ huynh khi cho rằng nhà trường không công bằng và có "mờ ám" vì thông báo một đằng làm một nẻo. Đến 10h30 cùng ngày, bà Bùi Thị Kim Anh - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn đã phải đứng ra thông báo sẽ giải quyết bán hồ sơ cho tất cả phụ huynh hiện có mặt tại trường.
Mặc dù TPHCM cũng đã quán triệt, hạn chế trẻ mầm non học ở những cơ sở ngoài công lập, nhưng hệ thống trường công lập thì không phải phường, xã nào cũng có. Chị Ngô Thị Ngọc Nga, ngụ ở phường Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú, có con trong độ tuổi mầm non cho biết, do Tân Phú là quận ven đô nên cả 2-3 phường mới có một trường mầm non, vì thế chị phải chạy đôn chạy đáo hết các phường xung quanh để tìm trường cho con.
Hiện TPHCM có đến 43.000 trẻ từ 6 -12 tháng tuổi, nhưng chỉ có 0,66% số trẻ này được đến trường. Trong số gần 56.500 trẻ từ 13-18 tháng tuổi, cũng chỉ có 4% đến trường. Từ thực tế này, Sở GD&ĐT TPHCM đã thực hiện đề án "Chăm sóc giáo dục trẻ mầm non từ 6-18 tháng tuổi". Theo đó, từ năm học 2014-2015 sẽ triển khai thí điểm đề án ở 8 quận, huyện là Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức, quận 7, 12. Mỗi quận, huyện này thí điểm tại 1-2 trường mầm non công lập. Đến năm học 2015-2016 sẽ mở rộng tại 12 quận, huyện và năm học 2016-2017 sẽ thực hiện đại trà đề án trên tại 24 quận huyện.
Thiếu giáo viên mầm non trầm trọng
Tuy nhiên, khó khăn khi thực hiện đề án là thiếu đội ngũ chăm sóc trẻ độ tuổi này do đào tạo ở các trường sư phạm chưa chú trọng giảng dạy chương trình chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng tuổi, các trường mầm non công lập cũng hạn chế nhận trẻ ở độ tuổi này nên các giáo sinh thiếu điều kiện thực tập. Ngoài ra, mỗi năm TPHCM thiếu hơn 1.000 giáo viên mầm non, phải sử dụng lực lượng bảo mẫu thay cho giáo viên, Sở GD&ĐT thành phố đã có kiến nghị bổ sung chức danh nhân viên nuôi dưỡng (bảo mẫu) với định biên 1 nhân viên/30 trẻ, được hưởng lương và các khoản theo lương, các chế độ chính sách theo quy định hiện hành.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, mặc dù vừa mới tuyển hơn 1.000 giáo viên mầm non cho năm học mới ở cả hai hệ thống trường công lập và ngoài công lập nhưng vẫn thiếu giáo viên trầm trọng. Riêng đối với 520 nhóm trẻ không phép đang hoạt động, có 51 nhóm đang hoàn chỉnh hồ sơ chờ được cấp phép, 177 nhóm đang trong thời gian điều chỉnh, bổ sung điều kiện để xem xét cấp phép và 292 nhóm trẻ không phép, nuôi giữ tổng cộng 1.466 em.
Ông Lâm Trung Nhân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, năm học 2013-2014, thành phố giao chỉ tiêu tuyển thêm 16.684 giáo viên mầm non. Nhưng đến nay, thống kê từ các quận, huyện cho thấy mới tuyển được 14.478 giáo viên, còn thiếu đến 2.206 người. Nhiều trường, nhóm lớp ngoài công lập phải hợp đồng thêm với người lao động đã về hưu, người làm trong một số ngành nghề, lĩnh vực khác để tăng cường đội ngũ, đảm bảo chất lượng chăm sóc và đào tạo.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Bùi Ngọc Âu, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở GD&ĐT TPHCM là do tâm lý người lao động không muốn học ngành Sư phạm mầm non bởi môi trường làm việc vất vả, thu nhập thấp, không được cấp bằng đại học chính quy như các ngành khác. Trong khi đó, tỷ lệ dân số cơ học mỗi năm không ngừng gia tăng, nhưng trung bình mỗi năm thành phố lại có khoảng 2.000 giáo viên mầm non nghỉ việc hoặc thuyên chuyển công tác. Do đó, mặc dù đã báo động tình trạng thiếu hụt giáo viên từ năm 2009 nhưng đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện nhiều cải cách, kiến nghị, tình trạng trên tại TPHCM vẫn chưa cải thiện.
Năm học 2013-2014, TP Hà Nội cũng dự kiến sẽ tuyển 98.150 trẻ vào nhà trẻ, 350.500 trẻ vào mẫu giáo. Sở GD&ĐT cũng đã thông báo công khai chỉ tiêu, phân tuyến tuyển sinh đối với từng trường thuộc các quận, huyện của Hà Nội. Để tránh tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua hồ sơ cho con đi học mầm non, nhiều năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép các trường mầm non áp dụng phương án bốc thăm.Theo đó, phụ huynh có hộ khẩu đúng tuyến đến trường để đăng ký tuyển sinh. Sau khi đăng ký, nhận giấy hẹn cụ thể về ngày phát hành đơn xin học, trường hợp đăng ký vượt quá chỉ tiêu mà trường có thể nhận thì sẽ tiến hành bốc thăm. Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác tuyển sinh của các nhà trường trong thời gian từ nay đến hết tháng 7. T.Hằng
Theo GiadinhNet