Sau một tháng thực hiện các giải pháp để bình ổn giá sữa, nhiều báo cáo khả quan về giá bán của mặt hàng này tại các tỉnh, thành phố đã được gửi về Bộ Tài chính. Giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhìn chung đã ổn định và giảm từ 1-26% so với trước thời điểm áp dụng các giải pháp này.
Giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhìn chung đã ổn định và giảm từ 1-26% so với trước thời điểm áp dụng các giải pháp này. Nguồn: internet
Để triển khai Nghị quyết số 29/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ này. Bộ Tài chính cũng chủ trì hội nghị phổ biến, hướng dẫn Sở Tài chính về thực hiện, triển khai công tác bình ổn giá tại địa phương; có văn bản trả lời, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc của địa phương. Tổ chức các đoàn kiểm tra đến các địa phương để nắm bắt vướng mắc kịp thời hướng dẫn, giải đáp.
Sau khi tổng hợp thông tin, Bộ Tài chính cũng ban hành Công văn số 156 cung cấp giá bán buôn tối đa, đăng ký giá và giá bán lẻ khuyến nghị của 182 mặt hàng sữa của các doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá tại Bộ Tài chính, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh - là địa phương có nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối chính của các sản phẩm sữa. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 6544 về việc hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai áp dụng mức giá bán buôn, bán lẻ tối đa đối với 25 sản phẩm sữa từ ngày 21/6/2014.
Trên cơ sở này, Sở Tài chính các địa phương đã kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp bình ổn giá trên địa bàn. Nhiều địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý giá; kiểm soát chi phí, cơ cấu hình thành giá; về việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của Luật Giá, không để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lợi dụng tăng giá sữa tùy tiện làm thiệt hại đến người tiêu dùng. Trong đó, tỉnh Trà Vinh, Hải Dương, Quảng Ninh... đã nhanh chóng triển khai kiểm tra ngay sau thời điểm công bố áp trần giá sữa. Các đoàn kiểm tra cũng kết hợp với cơ quan báo chí để giới thiệu công khai kết quả kiểm tra, cũng như tuyên truyền chính sách bình ổn giá sữa để huy động người dân cùng tham gia giám sát.
Nhờ những nỗ lực này, sau 1 tháng thực hiện các giải pháp bình ổn giá sữa theo Công văn số 6544, mức giá bán buôn đối với những sản phẩm của 5 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn (khoảng 90%) đã giảm từ 1 -2 6% so với thời điểm trước khi Nhà nước công bố biện pháp bình ổn giá. Mức giá bán buôn tối đa của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đăng ký giá tại Sở Tài chính TP. Hà Nội giảm so với giá bán buôn hiện hành từ 14 - 18%. Giá bán lẻ tại thị trường cơ bản đã thực hiện giảm giá, mức giảm giá khoảng từ 0,3 - 26,37%. Đại diện Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long cho biết, việc áp giá bán trần với 25 sản phẩm sữa bước đầu mang lại những tác động đáng kể như nhiều mặt hàng sữa đã giảm giá bán, ngăn chặn tình trạng tăng giá tùy tiện, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ rõ, nhiều địa phương còn chậm nộp báo cáo định kỳ vào ngày 15 và 30 hàng tháng trong 3 tháng đầu theo quy định. Nguyên nhân do đây là lần đầu tiên thực hiện áp dụng biện pháp xác định giá tối đa đối với mặt hàng có nhiều chủng loại khác nhau, nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối. Khâu phân phối bán lẻ cũng rất đa dạng, cách thức phân phối của mỗi doanh nghiệp khác nhau dưới nhiều hình thức. Tại một số tỉnh có tình trạng các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh chưa thực hiện kiểm tra, tổng hợp thông tin về doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi để báo cáo về Sở Tài chính.
Do đó, Bộ Tài chính xác định, trong thời gian tới, sẽ phối hợp với Bộ Y tế rà soát, bổ sung danh mục sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ có Công văn đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiến hành công bố bổ sung sản phẩm sữa thuộc diện bình ổn giá và rà soát, kiểm tra giá tối đa và giá đăng ký đối với các sản phẩm đó của các doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký giá tại địa bàn. Bộ Tài chính cũng đôn đốc các địa phương gửi báo cáo về bộ; phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, thành phố kiểm tra, kiểm soát giá bán tại địa phương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo daibieunhandan.vn