Tỉ lệ trẻ tự kỷ gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Phát hiện sớm và can thiệp sớm trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ tự kỷ.
Những con số chóng mặt
Bà Nguyễn Thị Nha Trang, ThS. về giáo dục đặc biệt, chủ nhiệm dự án Phát hiện sớm trẻ tự kỷ và các nguồn hỗ trợ trong cộng đồng đưa ra thống kê về những con số "ám ảnh" liên quan tới tự kỷ: Trung tâm phòng và kiểm dịch Hoa Kỳ (CDC) ước tính tỉ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ là 1 trong 68. Những nghiên cứu ở Châu Á, Châu Âu, và Bắc Mỹ chỉ ra tỉ lệ người mắc rối loạn phổ tự kỷ có tỉ lệ trung bình là 1% dân số. Nghiên cứu ở Hàn Quốc báo cáo tỉ lệ này lên tới 2.6% dân số. Tự kỷ ở trẻ nam (1 trong 42) cao gấp 5 lần trẻ nữ (1 trong 189).
Bà Trang cho biết, ở Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu nào về tỉ lệ tự kỷ trong toàn quốc. Tuy nhiên, một số nghiên cứu ở các bênh viện nhi trung ương và bệnh viện nhi đồng 1 chỉ ra tỉ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ đang tăng nhanh. Cụ thể, nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007 cho thấy số trẻ tự kỷ đến điều trị năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000 và xu thế mắc tự kỷ tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004 đến 2007 so với năm 2000.
Theo dự án chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật của tổ chức NGO Plan: Tại một huyện của Hà Nội trong tổng số 733 trẻ khuyết tật được phát hiện thì có tới 512 trẻ khuyết tật phát triển, trẻ tự kỷ chiếm 10%.
Tỉ lệ trẻ tự kỷ gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Lý giải điều này, bà Trang đưa ra các nguyên nhân: Do nhận thức của cộng đồng tăng; Thay đổi về các tiêu chí chẩn đoán; Và yếu tố môi trường cũng là một trong những nguyên nhân gây tự kỷ.
Ảnh minh họa.
Bảo học sinh tự kỷ, giáo viên... ăn tát
Chia sẻ những kinh nghiệm về vấn đề phát hiện sớm trẻ tự kỷ, bà Trang cho biết, những triệu chứng xuất hiện trước 3 tuổi và thông thường duy trì trong suốt cuộc đời. Cụ thể, có hai dấu hiệu sớm về phát triển: Từ nhỏ có sự phát triển bất thường hoặc chậm; Hoặc trẻ có sự phát triển tưởng chừng như bình thường khi còn nhỏ, nhưng sau đó kỹ năng bị mất đi hoặc không tiến triển.
"Việc chẩn đoán có thể thực hiện ở bất cứ độ tuổi nào. Những nghiên cứu chỉ ra rằng dấu hiệu sớm của tự kỷ có thể nhìn thấy khi trẻ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhiều trẻ tự kỷ không được phát hiện cho tới khi 3 tuổi, hoặc tới khi 5 tuổi".
Ở Việt Nam, tự kỷ chưa được coi là một khuyết tật ở Việt Nam và các nguồn hỗ trợ trong cộng đồng không nhiều. Trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn về hầu hết các mặt phát triển. Thậm chí, việc chẩn đoán bệnh vẫn còn là một vấn đề khó khăn về mặt... tâm lý đối với phụ huynh. TS Nguyễn Thị Thanh, trường CĐ Sư phạm TƯ, chia sẻ câu chuyện về việc phát hiện muộn dấu hiệu tự kỷ ở trẻ: "Có bé năm 3 tuổi còn đi thi bé khỏe bé đẹp, nhưng tới năm 5 tuổi, rồi 7 tuổi bé mất hết những gì đã có. Người trông sơ sẩy là bé gặm tường vôi".
"Trẻ bị ở mức độ nặng, giáo viên chỉ cho phụ huynh công nhận. Thế nhưng, với những trẻ chỉ có đôi chút dấu hiệu nguy cơ tự kỷ, thường phụ huynh sẽ ít chấp nhận, gạt đi ngay. Thậm chí, có trường hợp cô giáo trao đổi với phụ huynh rằng trẻ có dấu hiệu tự kỷ, bất chấp đó đang là giờ đón trẻ, trước rất đông người, bà của bé đã thẳng tay tát cô giáo đó".
"Trọng trách" của giáo viên mầm non
Theo tính toán của các chuyên gia, việc can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ sẽ tiết kiệm chi phí cho xã hội: Nếu 100 trẻ được can thiệp sớm và 40 trong số đó chỉ có một phần tiến bộ, cộng đồng có thể tiết kiệm tới 9,5 triệu đô la trong suốt quá trình những đứa trẻ này đi học (từ 3 - 22 tuổi). Và quan trọng hơn là phần lớn trẻ tự kỷ thể hiện sự tiến bộ nhờ vào can thiệp sớm. "Nghiên cứu chỉ ra rằng can thiệp sớm hiệu quả có tác dụng cải thiện chức năng của não. Phát hiện sớm và can thiệp sớm trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ" - bà Trang cho biết.
M-CHAT - bảng đánh giá nguy cơ tự kỷ ở trẻ nhỏ.
Vì vậy, vai trò của phát hiện sớm là rất quan trọng. "Nếu như đến khoảng 6 tuổi mới phát hiện để can thiệp thì sẽ không thể giúp trẻ hòa nhập với người bình thường" - Bà Thanh nhấn mạnh. Với trẻ em từ 0 đến 6 tuổi, giáo viên và phụ huynh là hai nhóm người chăm sóc trẻ chính. "Phụ huynh có thể do hoàn cảnh mà "mù" kiến thức, nhưng cô giáo biết mà không nói sẽ mắc tội với đứa trẻ".
Việc cần làm đối với mỗi giáo viên mầm non, theo bà Thanh, là tìm hiểu những thông tin về phát hiện sớm, đối chiếu những thông tin đó với sự phát triển hiện tại của trẻ. Khi thấy học sinh có dấu hiệu tự kỷ, giáo viên sử dụng những kiến thức về dấu hiệu sớm để kiểm tra, sử dụng bảng kiểm Mchat, trao đổi với nhà chuyên môn.
Bà Trang khuyến nghị: "Giáo viên cần đưa ra lời khuyên ở thời điểm sớm nhất khi có thể, nhưng không gán nhãn, chụp mũ, mà nhấn mạnh đây mới chỉ là điều bạn "lo ngại" và chỉ có nhà chuyên môn mới làm được chẩn đoán chính xác cho trẻ. Nếu có thể, giáo viên cùng phụ huynh thực hiện bảng kiểm Mchat, và cung cấp thông tin về các cơ sở chẩn đoán cho phụ huynh".
"Bản thân mỗi giáo viên không được đào tạo sâu về giáo dục chuyên biệt. Tuy nhiên, nếu các cô có nhiệt huyết sẽ đem đến niềm vui, ánh sáng cho trẻ tự kỷ" - bà Thanh khẳng định.
Dấu hiệu sớm của tự kỷ
6 tháng tuổi: Không cười lớn hoặc có biểu hiện vui vẻ hay yêu thương.
9 tháng tuổi: Không phát ra các âm thanh chia sẻ qua lại, cười hoặc những biểu hiện cảm xúc qua nét mặt.
12 tháng tuổi: Không nói bập bẹ; Không có những cử chỉ giao tiếp qua lại như: chỉ, khoe, với, và vẫy; Không phản ứng với tên của mình.
14 tháng tuổi: Không chỉ vào những đồ vật để chia sẻ hứng thú (chỉ vào một chiếc máy bay bay ngang qua bầu trời).
16 tháng tuổi: Không nói được từ nào.
18 tháng tuổi: Không chơi trò chơi "giả vờ" (giả vờ cho búp bê "ăn").
24 tháng tuổi: Không có những cụm 2 từ có nghĩa (bao gồm cả bắt chước hoặc nhắc lại); Tránh giao tiếp mắt và muốn ở một mình; Gặp vấn đề hiểu cảm xúc của người khác hoặc nói về cảm xúc của chính mình.
Có những chậm trễ về những kỹ năng ngôn ngữ và lời nói; Lặp đi lặp lại từ hoặc cụm từ (nhại lời); Đưa ra những câu trả lời không phù hợp; Dễ buồn hay tức giận với những thay đổi nhỏ. Có những hứng thú mang tính chất ám ảnh. Thích mãi một thứ và bị hút vào đó không tách ra được; Vẫy tay, rung người, hoặc quay vòng tròn; Có những phản ứng bất thường với âm thanh, mùi vị, cảm nhận, hoặc hình ảnh của đồ vật.
Mất đi kỹ năng đã có (lời nói, kỹ năng xã hội) ở bất cứ độ tuổi nào.
Theo Afamily