Những lời mách nước của mẹ Jessica đến từ Mỹ sẽ giúp cha mẹ có phương án thích hợp để "đối phó" với những hành vi bướng bỉnh của con trẻ
Cuộc chiến giữa hai bé gái của tôi bắt đầu khi gái nhỏ vừa chập chững biết đi. Tôi còn giữ một tấm ảnh của gái nhỏ khi bé đang đứng giữ một bãi chiến trường ngổn ngang đồ chơi, tay giữ chắt tập tài liệu của tôi và cặp mặt mở to nhìn thẳng vào ống kính như thể muốn nói: "Còn lâu con mới đưa cái này cho mẹ đâu!". Thậm chí tôi cũng có một đoạn clip ngắn quay cái lần gái nhỏ nói rành mạch pha chút bực tức với tôi rằng: "Con cũng là mẹ - mẹ của những con búp bê của con. Vì thế con cũng có quyền!".
Thực tế, một số trẻ sinh ra đã có xu hướng muốn đối đầu với bố mẹ. Chúng thường cương quyết với việc mình làm, và cương quyết đến mức ngang ngược, khó bảo. Nếu bé nhà bạn như vậy, bạn hiểu hơn ai hết rằng những phương pháp manh tính dễ hiểu, dễ làm nhằm giúp con nghe lời mình thường không bao giờ hiệu quả. Những đứa trẻ bướng bỉnh luôn muốn được "cầm quyền", và đương nhiên, bạn cũng vậy!
Thay vì dùng đến những những lời quát mắng dọa nạt, các mẹ có thể thử những "chiến lược đối phó âm thầm" đối với các bé, được đúc kết từ kinh nghiệm bản thân tôi mà tôi sẽ chia sẻ sau đây. Âm thầm ở đây không có nghĩa là lén lút một cách dối trá với các con. Âm thầm là tính chất hành động của những "phụ huynh thông minh", nó chỉ ra cách tiếp cận con trẻ từ nhiều phía chứ không trực diện, đồng thời sử dụng sự bình tĩnh, tôn trọng và tính sáng tạo để đạt được điều cha mẹ mong muốn.
CUỘC CHIẾN VỚI VIỆC DỌN DẸP
Đứa bé mới biết đi nhà bạn rất hứng thú với việc vứt tung đống đồ chơi ra khỏi kệ, giá hay hộp đựng, rồi đến khi bạn bảo bé dọn dẹp, bé lại chơi những trò khác, để lại nguyên bãi chiến trường ngổn ngang mà bạn luôn phải dọn dẹp ngày qua ngày.
Chiến lược đối phó âm thầm
1. Đặt thời gian
Những đứa trẻ ngang bướng luôn bị kích thích bởi trò chơi hay thử thách, vì vậy nói với bé hành động như một trò chơi và xem bé nhà bạn đặt được bao nhiêu đồ chơi trở lại hộp trong năm phút chẳng hạn. Bạn cũng có thể phát triển ý tưởng này hơn nữa bằng cách vẽ một biểu đồ (một cách dễ hình dung nhất) về số lượng đồ chơi bé đặt lại vào giỏ trong những lần khác nhau, và khuyến khích bé phá vỡ kỷ lục của chính mình. Để ghi nhận nỗ lực đó, mẹ có thể thưởng cho bé bằng việc chiều lòng ý thích của bé ngay lúc đó.
2. Chơi trò "Người trợ giúp"
Mẹ hãy nhẹ nhàng nói với bé rằng: "Con có muốn làm người trợ giúp đặc biệt của mẹ hôm nay không? Mẹ thấy không ai dọn mâm cơm, thu quần áo, lau gương kính,... giỏi như con của mẹ cả". Với cách nói đó, bé sẽ cảm thấy tự hào và đôi chút trách nhiệm, kích thích bé hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
3. Suy nghĩ tích cực
Sẽ là khôn ngoan khi mẹ sử dụng những từ ngữ có tính động viên, khuyến khích, thay cho những lời đe nạt, mắng nhiếc. Chẳng hạn, thay vì nói rằng "Mẹ sẽ không đưa con đến công viên nếu như con để đồ chơi lung tung như thế này!", mẽ hãy thử "Ngay khi con cất hết đồ chơi vào tủ, mẹ sẽ đưa con đến công viên chơi với các bạn". Nếu bé nhà bạn ngang ngược nói rằng: "Nhưng con muốn ra ngoài chơi với bạn Huy", thì thay vì rầy la con về việc con phải làm gì để được nhận những đặc ân đó, mẹ có thể nhẹ nhàng cười với con và nói: "Đúng rồi, mẹ nhất định đưa con ra chơi với bạn Huy... ngay sau khi con cất hết chỗ đồ chơi đó."
CUỘC CHIẾN KHI TẮM VÀ KHI ĐI NGỦ
Không một đứa trẻ nào thích đi ngủ sớm, và những đứa trẻ bướng bỉnh thì càng không! Bé sẽ tìm mọi cách, từ chạy quanh nhà khiến bố mẹ không thể bắt kịp, đến phụng phịu quẫy đạp trên giường. Đó sẽ thực sự là khoảng thời gian đầy áp lực với mẹ nếu không có những cách xử lý kịp thời.
Chiến lược đối phó âm thầm
1. Nổi nhạc lên
Đây là một phương pháp đã được dùng từ thế kỷ này qua thế kỷ khác của những người làm chủ - dùng âm nhạc để điều khiển tình cảm tinh thần của nhân viên. Những bản nhạc nhẹ nhàng du dương đã đưa hai bé gái của tôi chìm vào giấc ngủ mà tôi không cần nửa lời nhắc nhở. Tùy vào sở thích của các bé, mẹ chọn ra những bài hát, bản nhạc thích hợp. Mẹ hãy bật ngay lúc mẹ đang tắm cho bé, kết hợp kể những câu chuyện cổ tích để giúp bé giãn mọi hoạt động cơ thể cũng như tinh thần. Với một tâm trạng thư giãn, chắc chắn bé sẽ dễ chìm vào giấc ngủ.
2. Giúp bé trả lời "Có" thật nhiều
Trong lúc tắm cho bé, mẹ hãy nhẹ nhàng hỏi bé những câu hỏi có ý khuyến khích bé trả lời có. Chẳng hạn như: "Con có thích chơi với những quả bóng nổi trên nước này không?" (Có ạ!); "Mai khi tắm, mẹ con mình hãy mang cả phao bơi vào nữa nhé. Con thích không?" (Có ạ, mẹ nhớ mang nhé. Chắc sẽ vui lắm!); "Thế con khủng long kia của con có nổi được không?" (Có chứ ạ, đây mẹ xem nhé!). Ba lần "có" giúp bé bớt kháng cự với mẹ, đồng thời khiến bé cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu.
3. Đưa ra đề nghị
Sau khi tắm xong, mẹ có thể nhẹ nhàng đưa ra một vài đề nghị cho bé, chẳng hạn như: "Hôm nay mẹ con mình sẽ đọc cuốn truyện nào nhỉ, X hay Y?" Nếu đứa trẻ bướng bỉnh của bạn nói lại ngay như: "Con không thích quyển nào hết! Con không muốn đi ngủ!", hãy nhẹ nhàng bảo lại với con rằng: "Đó không phải một trong hai lựa chọn của con. Nào, con thích mẹ đọc quyển này, hay quyển kia?".
Trong trường hợp bé ngang bướng phản đối mẹ nhiều lần, mẹ hãy lặp đi lặp lại các lựa chọn một cách bình tĩnh. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ bướng bỉnh rất ghét việc bố mẹ cứ nói đi nói lại như một cuốn băng hỏng, và chúng thường "đầu hàng" trước sự kiên định đó. Còn nếu bé nhà bạn vẫn không chịu "khuất phục", đơn giản mẹ hãy nói với con rằng: "Được rồi, vậy là con đã không chọn một quyển sách nào để đọc cả đúng không? Thế thì mẹ con mình sẽ không đọc truyện nữa mà đi ngủ luôn. Ngủ ngon nhé con yêu. Có thể mẹ con mình sẽ thử lại việc chọn sách ngày mai nhé", rồi tắt đèn. Nhớ rằng, đừng bỏ cuộc, kể cả khi đứa bé đó đang làm om sòm hoặc phá phách lung tung trong phòng ngủ nhà bạn. Nếu bạn cương quyết, tôi chắc chắn rằng bạn sẽ không phải lặp lại công việc này ngày mai đâu.
4. Tạo sự kết nối gần gũi
Hãy ngồi xuống bên cạnh bé trai kháu khỉnh nhà bạn và thể hiện sự thích thú đối với trò chơi bé đang chơi, hay chương trình TV bé đang xem. Thỉnh thoảng, bạn hãy đặt một vài câu hỏi liên quan đến chương trình cho bé, hoặc nói những câu tích cực như: "Chương trình này buồn cười quá! Giờ thì mẹ hiểu tại sao con lại thích xem rồi". Khi con trẻ cảm thấy chúng và bạn có sự kết nối, gần gũi chúng sẽ có xu hướng làm những việc bạn mong muốn sau này.
5. Đám phán giờ ngủ
Mẹ muốn bé đi ngủ lúc 9:00, nhưng bé cứ khăng khăng rằng bé bé chưa mệt, bé không thể ngủ cho đến 9:30. Trong trường hợp này, mẹ hãy có một cuộc đám phán nhỏ với bé, rằng bé phải ở trong phòng mình một cách yên tĩnh, không đi ra khỏi phòng làm phiền mẹ lúc 9:00. Nếu bé làm được vậy, bé có thể đọc sách, chơi đồ chơi hay bất kỳ điều gì bé thích trong phòng miễn là nhỏ tiếng. Đồng thời, mẹ nên nhẹ nhàng thì thầm với bé: "Mẹ tin là con sẽ đi ngủ lúc 9:30. Đúng không bé yêu?".
Những đứa trẻ bướng bỉnh sẽ coi kết quả của cuộc đàm phán này là một thắng lợi của mình vì nó giúp các bé có thêm một khoảng thoài gian để vô tư chơi đùa. Mẹ cũng nên nhớ rằng, nếu bé "vi phạm hợp đồng" - chơi đùa ồn ào trong phòng, hay không ở yên trong phòng mà chạy lung tung khắp nhà - bé sẽ phải đi ngủ đúng 9:00 như quy định, không du di gì nữa!
Theo Afamily