Giáo dục mầm non
   Dạy trước chương trình lớp 1: Phụ huynh tăng tốc, trẻ mệt nhoài
 

Nhằm chấm dứt tình trạng dạy trước chương trình lớp 1, trong hướng dẫn tổ chức sinh hoạt động hè năm 2014, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các cấp học mầm non, tiểu học khi tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ trong dịp hè tuyệt đối không dạy trước chương trình ở các độ tuổi.


Đặc biệt, đối với trẻ 5 tuổi, không được dạy trước chương trình lớp 1 dưới bất kì hình thức nào. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường vẫn "tạo điều kiện" cho giáo viên tổ chức dạy trước chương trình lớp 1...


Tất bật chạy đua
Câu chuyện học trước chương trình lớp 1 lâu này đang trở thành một đề tài "đáng báo động". Vì phần lớn các bậc phụ huynh ở đô thị quan niệm, trẻ trước khi vào lớp 1 phải đọc thông viết thạo, bảng chữ cái phải thuộc như cháo chảy và phải biết làm toán nhanh nhoay nhoáy, nếu không sẽ không theo kịp chương trình mới... Xuất phát từ quan niệm đó mà nhiều đứa trẻ mới lên 4 - 5 tuổi đã bị các ông bố bà mẹ đưa đi "đào tạo" sớm.


Tại một lớp luyện chữ trên phố Trúc Khê (Hà Nội), 20h vẫn sáng đèn, 3 cô giáo tất bật cầm tay hướng dẫn các bé đánh vần, viết chữ. Bên ngoài, các phụ huynh xếp hàng chờ đợi, rôm rả trao đổi kinh nghiệm luyện chữ.Trong ánh sáng của 6 bóng đèn tuýp, các bé 5 tuổi trong trang phục ở nhà, gương mặt vẫn còn ngơ ngác.Có bé còn tranh thủ uống sữa vì chưa kịp ăn tối. 3 cô giáo đi đi lại lại, chốc chốc lại nhắc bạn này cách cầm bút, bạn kia ngẩng đầu. Phía dưới, các cô cậu học trò lúc quay sang bạn này, lúc quay sang bạn kia nghiêng ngó, rồi lại lúi húi với quyển vở để tô cho tròn chữ. Các cô giáo vừa hướng dẫn viết vừa "nịnh" học trò. Có bé chưa quen, mẹ phải đứng bên ngoài trông chừng vì sợ con khóc. Phía bên ngoài, các phụ huynh chờ con đang chia sẻ với nhau về phương pháp dạy.


Dạy học cho các cháu mẫu giáo (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: Minh Việt.


"Chẳng biết sau này cháu có thành tài không nhưng trước mắt mình vất vả quá! Đi làm về không kịp cơm nước phải đưa con đi học chữ. Sau giờ học, tối nào hai mẹ con cũng đánh vật với nhau để làm bài ở nhà. Bây giờ phụ huynh nào cũng cho con đi học, nếu không cho cháu đi thì sợ thua kém các bạn khi vào lớp 1", chị Ngọc Linh (nhà ở Nam Đồng) chia sẻ.


Một phụ huynh khác ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) lại phàn nàn: "Chủ quan, nghe lời các chuyên gia, các nhà tâm lí nên cô con gái đầu tôi không cho con học trước chương trình. Khi hết học kì I, con nằm trong tốp 6 bạn viết xấu và tiếp thu chậm nhất lớp.


Tôi tìm hiểu thì mới hay, trong 6 bạn "nhất lớp" ấy thì có 2 bạn không học trước chương trình lớp 1, còn 4 bạn thì có học trước nhưng học... ở đâu đó. Rút kinh nghiệm, đứa thứ hai, ăn xong Tết Nguyên đán 2014, vợ chồng tôi "gửi" luôn cho cô giáo chủ nhiệm tương lai".


Xuất phát từ suy nghĩ không để con mình "thua bạn kém bè", nhiều ông bố, bà mẹ "cẩn thận" cho con học trước chương trình lớp 1 từ sau khi kết thúc năm học. Riêng với những trường "điểm" phụ huynh phải cho con học trước 1 năm ở những lò luyện "nổi tiếng", như các sĩ tử đi ôn thi đại học. Nhiều phụ huynh bỏ qua cả khoảng cách địa lí, hay sĩ số của một lớp học, mặc cho con tan lớp với những khuôn mặt ngơ ngác nhễ nhại mồ hôi, có cháu còn nhìn thấy bố mẹ là khóc òa lên như bị ai đánh.


Không thể đổi lỗi cho phụ huynh

Nhận định về việc dạy học trước chương trình lớp 1, các nhà sư phạm cho rằng, lỗi là do phụ huynh. Nhưng thực tế ngược lại, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội nhiều trường mầm non, tiểu học Ban giám hiệu "bật đèn xanh" cho các cô giáo tổ chức dạy chữ trước khi vào lớp 1.


Thường những lớp học thêm này được tổ chức tại nhà cô hoặc thuê nhà người dân gần trường học. Không gian thì chật chội, thiếu tiện nghi, chỗ ngồi san sát, viết bài đụng tay nhau là chuyện thường. Có lớp, phòng học được tận dụng là gác lửng, cầu thang chỉ dành cho 1 người đi, còn bàn học là những tấm ván kê dài ra, và ghế là... nền nhà.


Điều lạ là có những lớp học hoạt động từ nhiều năm nay nhưng vẫn không bị xử phạt. Nhiều lớp được tổ chức dưới nhiều hình thức khó kiểm soát như không dạy thêm tại trường, mở lớp... luyện chữ chứ không phải học thêm.


Có trường cô giáo lấy lí do bồi dưỡng kiến thức để tổ chức lớp học hoặc dưới dạng câu lạc bộ. Có trường, học sinh đến đăng kí tuyển sinh được phát tờ đăng kí tham gia câu lạc bộ chứ không phải lớp học thêm, mang về cho bố mẹ kí đồng ý rồi nộp lại cho cô giáo, cô lấy đó làm "giấy chứng nhận" dạy thêm.


Một giáo viên tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân Hà Nội, tâm sự: "Sở GD-ĐT cấm, Bộ GD-ĐT cấm nhưng nhà trường kiểm tra. Vậy nên, nhà trường "lờ" để các cô dậy. Các cô có kiếm được một chút, thì ban giám hiệu mới có "mồi"! Tháng 6, tháng 7 là hai tháng "củ mật" của giáo viên tiểu học".


Đứng chờ con tại nhà một giáo viên tiểu học trường tiểu học Đ.T.C (Thanh Xuân - Hà Nội), chị Đặng Thanh Tâm, chia sẻ: "Câu chuyện dạy trước chương trình lớp 1 giống như khi đi giao thông ấy. Tôi không len lên, vượt lên sao được khi có nhiều người cố tình vượt đèn, cố tình len lên khi tắc đường... hay đi xếp hàng chen lấn, xô đẩy.


Thế mới có chuyện cấm mà các cô vẫn cứ cố dậy, đơn giản phụ huynh ào ào đến nài nỉ, cậy cục, rồi không sợ tốn kém... Cô nào dám từ chối? Không hẳn là tâm lí của phụ huynh, vì thực chất vấn đề là nếu các con không học trước, đặc biệt là viết chữ thì các con sẽ không bao giờ theo kịp bạn bè và cách dạy của cô trên lớp, cô mặc nhiên các con đã biết viết, biết rõ các số từ 1 đến 100 nên dạy theo kiểu hướng dẫn là chính.


Từ đó những trẻ chưa được học trước sẽ không theo kịp và học đuối hơn làm cho các con tự ti khi luôn bị chê và bị điểm kém, gây là tình trạng nản và chán học. Chưa kể, nhiều trường tiểu học còn tuyển học sinh vào lớp 1 mà cho thi "đánh vần, làm toán". Vậy thì làm sao mà cấm được".


Từ những phân tích trên, nhiều người cho rằng, không thể đổi lỗi cho phụ huynh, mà có chăng là do ngành giáo dục Việt Nam vẫn coi trọng hình thức hơn là chất lượng. "Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT ra văn bản cấm, nhưng không đưa ra chế tài xử lí, phó mặc công tác kiểm tra giám sát cho các trường.


Các trường vẫn để cho các cô giáo tổ chức dạy chữ trước khi vào lớp 1, thậm chí là "bật đèn xanh", tạo ra tâm lí chung cho phụ huynh là sợ không cho con đi học sẽ đuối hơn các bạn, sẽ tạo áp lực cho các bé phải bám đuổi theo... rồi có thể sinh ra chán học.


Tuổi nhỏ cần dạy các cháu kĩ năng nhiều hơn là bắt học nhiều, vì học nhiều mà không có tính thực tế thì chỉ đào tạo ra 1 loạt thế hệ kiểu... gà công nghiệp, mọt sách. Thế hệ tương lai mà toàn "chân không chạm đất, đầu không chạm trời" thì thật là đáng ngại", bác Hà Văn Khanh nói.


Hà Nội cấm dạy trước chương trình lớp 1
Theo hướng dẫn tổ chức hoạt động hè năm 2014 cấp học mầm non của Sở GD-ĐT Hà Nội, các nhà trường khi tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ trong dịp hè tuyệt đối không dạy trước chương trình ở các độ tuổi. Đối với trẻ 5 tuổi, không được dạy trước chương trình lớp 1 dưới bất kì hình thức nào.


Cũng theo hướng dẫn này, các trường tùy theo điều kiện cụ thể (về cơ sở vật chất, giáo viên, nhân viên...) để xem xét tổ chức hoạt động hè theo nhu cầu của phụ huynh và chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của phòng GD-ĐT.


Ngoài ra, các trường phải sắp xếp để giảm bớt số trẻ/lớp, quan tâm đến chế độ đãi ngộ đối với giáo viên đi làm hè và bố trí cho giáo viên được nghỉ hè.


Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Hãy xem lại nguyên nhân bắt nguồn vì đâu ra sự việc như thế
Ngày gửi: 9/8/2014 1:13:44 AM

Vấn đề này thì không thể đổ lỗi cho phụ huynh hoặc những cô giáo dạy chữ cho trẻ được. Hãy nhìn thực tế nền giáo dục hiện nay của ta thì sẽ thấy có nhiều bất cập vô lý. Tại sao, tôi nói như thế. Vì tôi có đứa cháu năm nay đã lên lớp 2 rồi cho nên mới hiểu được tại sao có những phụ huynh phải cho trẻ học chữ trước như thế, nếu không học thì khi trẻ vào lớp 1 trẻ sẽ học không theo kịp bạn và từ đó dần dần sẽ dân đến việc trẻ cảm thấy chán nản trong việc học. Ngày xưa thời chúng ta bắt đầu bước vào lớp 1 thì chúng ta mới bắt đầu học bảng chữ cái, ghép vần rồi tập viết các con chữ đó... Còn ngày nay thì sao, mới giữa tháng 11 của lớp 1 thôi mà đã thi viết chính tả. Nhiều khi cầm quyển sách của lớp 1 đang học mà tưởng như là trẻ đang học đại học thì có. Ngày xưa, chúng ta học lớp 1 rất là nhẹ nhàng nhất là sách tiếng việt xuất bản 1989 thì chỉ có phần vần thôi. Còn ngày nay thì sao lại sinh ra thêm mấy loại sách nào là sách tự nhiên xã hội, sách bài tập tiếng việt...Ôi trời, nếu không đi học thì có làm được những điều đó không? Cái nền tảng cơ bản để tạo động lực cho trẻ là năm lớp 1 rất quan trọng. Ấy thế mà, chủ trương chỉ thị thì đi 1 nẻo. Còn sách giáo khoa thì lại 1 nẻo khác và nó đòi hỏi quá cao với 1 đứa trẻ bắt đầu học con chữ, học cách ghép vần. Người tôi nghiệp nhất là đứa trẻ đó, tâm hồn đang còn non nớt như một tờ giấy trắng để rồi phải chịu những vị ngồi ở trên trời làm luật rồi đưa ra những nội dung giáo dục không phù hợp với trẻ. Khi các vị ra nước ngoài học hỏi thấy nó hay và đem về áp dụng cải cách trong nền giáo dục của nước ta thì các vị lại quên nhìn xem thực tiễn đó có phù hợp với nền giáo dục của ta không? Mỗi nước có nền giáo dục khác nhau, chứ đâu phải áp dụng rập khuôn của nước bạn vào giáo dục nước ta chứ. Vì vậy xin các vị hãy nhìn lại sách giáo khoa của mình và chương trình lớp 1 có thực tế chưa cái đã. Và hãy tìm hiểu nguyên nhân nó bắt nguồn từ đâu mà tại sao phụ huynh phải cho con họ đi học trước. Vì họ đã có đứa con đầu đã lãnh đủ những việc học của lớp 1 bất cập như thế và chính điều thực tế đó phụ huynh đã rút ra kinh nghiệm những đứa sau của mình là như thế. Xin hãy trả tuổi thơ cho trẻ đúng thực sự và đừng tạo áp lực cho trẻ trong việc học như thế.


guest
Trẻ học trước tuổi - Lỗi do đâu?
Ngày gửi: 3/27/2015 2:32:22 PM


Tôi cũng có con chuẩn bị vào lớp 1. Nhà tôi ở ngay trước cổng trường cấp 1 và cấp 2. Hàng ngày tôi vẫn thường nghe phụ huynh than thở "Nếu không cho con đi học trước hay học thêm thì con mình sẽ khổ với cô" và "Ngày đầu tiên nhập học lớp 1 các cô yêu cầu các cháu lấy vở ghi nhớ ra viết vào vở những gì cô dặn về đưa chp cha mẹ đọc"..... Không biết các bậc cha mẹ khác có ý kiến gì không. Con tôi cũng đang phải ở trong tình trạng học trước tuổi, thật tội cho con.
Các bậc quản lý Bộ giáo dục không biết họ nghĩ gì?



Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TP.HCM sẽ nhận trẻ 6 tháng tuổi theo lộ trình (26/6)
 Quảng Ngãi phân bổ 18 tỷ đồng thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (25/6)
 40 giáo viên mầm non, bỗng dưng mất trắng hơn chục năm BHXH (24/6)
 Lại “nóng” tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội: Trẻ mầm non vượt xa chỉ tiêu tuyển sinh (23/6)
 TP Hồ Chí Minh: Thí điểm nhận trẻ 6 tháng tuổi tại các trường mầm non (20/6)
 Mầm non và “học kỳ 3” An toàn cho trẻ được đặt lên hàng đầu (19/6)
 Điểm sáng của giáo dục ngoại thành (18/6)
 TP.HCM thông qua nghị quyết hỗ trợ giáo dục mầm non (16/6)
 TPHCM thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi - Bài 1: Chạy đua với thời gian (13/6)
 TP HCM Tăng trẻ mầm non tại trường công lập (12/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i