Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến cuối tháng 5/2014, cả nước ghi nhận 16.380 trường hợp mắc thủy đậu, chưa ghi nhận ca tử vong. Như vậy, số ca mắc thủy đậu đến thời điểm này đã tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2013 (chỉ có 7.900 ca).
Tại TP HCM, tính đến thời điểm này, có khoảng 550 ca mắc thủy đậu. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng đã phát hiện ít nhất 4 ổ dịch thủy đậu xảy ra tại các trường học từ đầu năm đến nay trên địa bàn Q.3, Q.5, Q.12 và Q.8.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên chủ quan. Tuy có vaccine phòng bệnh nhưng thủy đậu không nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, người dân muốn tiêm phải nhờ đến các điểm tiêm dịch vụ. Bệnh thủy đậu nếu nặng vẫn có thể gây tử vong khi gặp các biến chứng như viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm gan...
"Khi đã mắc bệnh, cần cách ly trẻ ngay để không lây cho trẻ khác. Tuyệt đối không kiêng tắm mà trái lại, cần tắm rửa kỹ lưỡng hơn để tránh nhiễm trùng da, nốt rạ gây di chứng sẹo. Cũng không uống các loại nước gốc rạ, không chùm kín trẻ, mà phải tạo môi trường hết sức thông thoáng cho bệnh nhi", các chuyên gia y tế khuyên.
Đồng thời, cho trẻ uống thuốc hạ sốt, dùng thuốc kháng virus từ 24 - 72 giờ sau khởi phát. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu nếu trẻ có nốt rạ trong miệng. Sử dụng kháng sinh khi nốt rạ có mủ, tấy đỏ xung quanh. Nếu thấy trẻ sốt cao liên tục, vết rạ đỏ lên thì phải vào bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
T. Nguyễn (Giadinh.net.vn)