Nhu cầu nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học đối với CNLĐ có con nhỏ đã và đang là vấn đề cần thiết, cấp bách. Đây là nhu cầu bậc 2 (bậc 1 là việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà trọ), nhưng nó cũng đã quyết định mức cung ứng sức lao động.
Và đây cũng là một trong những tiêu chí cốt lõi, đánh giá chất lượng đời sống của CNLĐ. Nhiều CNLĐ, kể cả nam giới, phải rời bỏ chỗ làm việc, về quê, hoặc dàn mỏng mức lương ít ỏi hằng tháng, chỉ là để cho con cái có chỗ gửi yên tâm, được nuôi nấng, học hành. Nhiều CNLĐ tâm sự, họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ để con họ được chăm sóc, được nuôi nấng, được học đúng tuổi, đáp ứng mong muốn bình dị nhất, nhưng cũng lớn lao nhất của đời họ.
Đến nay, chưa có KCN lớn nào có nhà giữ trẻ, có trường mầm non và cơ sở giáo dục tiểu học. Tại một số KCN, các DN có nhà trẻ, mẫu giáo, nhưng cũng chỉ giải quyết được không quá 1-2% nhu cầu gửi con của CNLĐ. Hầu hết CNLĐ phải gửi con tại các cơ sở, các lớp mẫu giáo của tư nhân thường là chật chội, kém vệ sinh, thái độ đội ngũ nuôi dạy các cháu không đạt chuẩn, chi phí giữ trẻ cao, tốn kém, mức độ an toàn, an ninh kém.
Kết quả điều tra (đến tháng 12.2013) của Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐVN), cho thấy: 13,2% số CNLĐ chấp nhận gửi con tại các cơ sở trông giữ trẻ kém chất lượng, thậm chí có cơ sở lấy phòng trọ làm nơi giữ trẻ; 15,2% số cơ sở giữ trẻ có đội ngũ giáo viên kém chất lượng; 8,2% số cơ sở nuôi dạy chỉ biết cho trẻ ăn, ngủ, không biết và không có khả năng tổ chức dạy cho trẻ các kỹ năng cần thiết phù hợp với từng nhóm tuổi; 12,3% số cơ sở có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng; 43,3% các cơ sở thu học phí quá cao và đưa ra những khoản đóng góp bất hợp lý; 24,3% phải gửi trẻ ở những cơ sở xa nơi làm việc và 81,1% CNLĐ thấy rất khó khăn khi phải gửi con đến nhà trẻ, mẫu giáo công lập khi không có hộ khẩu thường trú.
Với mức lương bình quân từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng, người CN phải bỏ ra chi phí gửi con (bao gồm cả tiền bữa ăn tại lớp) không dưới 20% tiền lương. Nhà trẻ, mẫu giáo cho con CN đang là vấn đề nóng, bức xúc của NLĐ, cần phải được giải quyết.
83,3% số con công nhân được tiêm chủng đầy đủ
Con số này được Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN đưa ra sau khi tiến hành khảo sát về công tác chăm sóc sức khỏe cho con CN trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo trong các KCN tại 7 tỉnh, TP - nơi có đông CNLĐ làm việc - gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai và Thanh Hóa.
Ngoài ra, có 11,2% số CNLĐ cho rằng con họ không được tiêm chủng đầy đủ, 5,5% không nhớ. Việc tổ chức tiêm chủng cho các cháu ở độ tuổi này không thuận lợi cho NLĐ làm việc (làm ca, làm cả các ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần) tại các KCN là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Theo LĐ