Vì thiếu khôn khéo trong việc ứng xử với tiền mừng tuổi của con nên nhiều cha mẹ đã tự làm hỏng hình tượng của mình, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con sau này.
Bố mẹ cần cho con cảm giác có "quyền" và "lợi" khi giữ tiền mừng tuổi. Ảnh: TL
Bố mẹ con ki bo lắm!
Mùng 9 Tết, chị Thanh ở phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) đang ngồi đọc sách ở phòng khách thì cháu Phương 10 tuổi ở nhà bên cạnh sang chơi. Được chị Thanh mừng tuổi, cháu Phương thủ thỉ cho biết, năm nay Phương được 3 triệu tiền mừng tuổi nhưng bố mẹ cháu giữ hết.
Bố mẹ Phương bảo để mua vàng. Phương rất thích chiếc xe siêu thần tốc như của anh Tâm (Tâm là con trai của chị Thanh) nhưng bố mẹ cháu không mua. "Bố mẹ cháu ki bo lắm, chẳng bao giờ mua đồ chơi cho cháu. Hôm nào cháu sẽ nói với bác của cháu mua xe tặng cháu. Bác cháu ở bên Đức ấy ạ, bác ấy giàu lắm!", cháu Phương nói.
Là hàng xóm, cháu Phương lại thường xuyên sang nhà chị Thanh chơi nên chị rất hiểu những điều cháu Phương nói đâu là sự thật, đâu là cảm xúc của cháu. Việc bố mẹ cháu Phương giữ tiền mừng tuổi của con để mua vàng giữ hộ con là có thật.
Tuy nhiên, chị Thanh biết rất rõ câu "bố mẹ cháu chẳng bao giờ mua đồ chơi cho cháu" là không thật, chỉ là cảm xúc tiêu cực của cháu được cháu đẩy lên mà thôi. Dẫn chứng là đợt hè năm ngoái, bé Phương đã từng được bố mẹ mua cho một chiếc súng đồ chơi ở cửa khẩu Móng Cái nhân dịp cả nhà đi du lịch.
Cho con cảm giác có "quyền" và "lợi" khi giữ tiền mừng tuổi
Lý giải về ý nghĩ tiêu cực của bé Phương, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, cố vấn Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH) cho rằng, lý do khiến cho bé Phương có ý nghĩ tiêu cực về bố mẹ là bởi họ đã tự quyết số tiền mừng tuổi của con và buộc cháu phải theo.
Cách ứng xử đó đã khiến bé Phương có cảm giác bố mẹ đang lấy đi tiền mừng tuổi của mình. Bố mẹ không còn là hình tượng đẹp trong mắt trẻ, trẻ sẽ bị khủng hoảng về thần tượng, tự học những thứ linh tinh từ bên ngoài. Do đó, việc giáo dục con sẽ gặp khó khăn.
Cũng theo TS Quý, có những trường hợp trẻ ngoan ngoãn chấp hành mọi "mệnh lệnh" của bố mẹ nhưng phụ huynh đừng tưởng như thế đã là xong. Đến tuổi dậy thì hoặc tuổi lớn hơn, khi trẻ bắt đầu muốn được khẳng định cái tôi, trẻ sẽ tìm cách chống đối lại bố mẹ, thậm chí làm ngược những điều mà bố mẹ chúng chỉ bảo.
Vì lẽ đó, TS Quý cho rằng, các bậc phụ huynh không nên coi nhẹ cách ứng xử của mình đối với con cái. Có những việc tưởng như nhỏ nhưng nếu không để ý, bố mẹ có thể làm hỏng hình tượng của mình trong mắt con, làm nguy hại đến sự phát triển nhân cách và tương lai của con cái.
Một nguyên tắc là phụ huynh không nên cho trẻ dưới 15 tuổi tự giữ một khoản tiền trên 100.000 đồng trở lên. Lý do là bởi trẻ chưa biết bảo toàn số tiền của mình, chưa biết chi dùng hợp lý khiến cho trẻ mất đi sự an toàn. Vì thế, giữ tiền mừng tuổi cho con là hợp lý nhưng phải cho con biết bố mẹ đang giữ hộ con và con có được cảm giác có "quyền" và "lợi" trong đó.
Đặc biệt, nên trích một khoản trong số tiền mừng tuổi của trẻ cho trẻ quyết định được mua món đồ chơi yêu thích. Thỏa mãn nhu cầu được chơi của trẻ mà không vi phạm các nguyên tắc, kỷ luật của gia đình thì cái Tết mới thực sự trọn vẹn.
Theo Giadinh.net.vn