Sau 3 năm (2011-2013) triển khai Dự án "Tăng cường thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em" do Ban ATGT TPHCM, Sở GD-ĐT, Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á tổ chức, tỉ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm (MBH) trên địa bàn TPHCM đã tăng từ 22% lên khoảng 60%. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu dự án đặt ra là 80% và so với tỉ lệ người lớn đội MBH hiện đạt khoảng 95%, thì tỉ lệ trẻ em đội MBH còn khá khiêm tốn. Có lẽ đã đến lúc cần có chế tài bên cạnh việc tuyên truyền.
![](ShowTopicSubImage.aspx?id=55007)
Hướng dẫn các em học sinh đội MBH.
Có CSGT mới đội mũ cho trẻ
Theo nhận định của ông Trần Quốc Hùng - Ủy viên Ban ATGT TPHCM - sau 3 năm triển khai dự án đã có sự chuyển biến về nhận thức việc cần thiết phải đội MBH cho trẻ em khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông. Tỉ lệ trẻ được trang bị MBH từng bước được nâng cao, tỉ lệ trẻ em được đội MBH cũng tăng từ 22% (lúc chưa triển khai dự án) đến nay lên 60%.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận vẫn còn nhiều phụ huynh không chấp hành đội MBH cho trẻ em mặc dù đã được lực lượng CSGT, nhà trường kiểm tra, nhắc nhở như: Không đưa đón con trước cổng trường để tránh bị ghi hình, thấy chốt CSGT kiểm tra thì quay đầu đi đường khác hoặc tìm cách đối phó...
Thiếu úy Lê Bảo Trung (Đội Tuyên truyền Phòng CSGT đường bộ Công an TPHCM), cho biết, CSGT thường xuyên lựa chọn những người vi phạm khi chở trẻ em mặc đồng phục từ lớp 1 trở lên để xử phạt, vì luật quy định trẻ từ 6 tuổi chở lên khi ngồi trên xe gắn máy 2 bánh bắt buộc đội MBH. Bên cạnh đó, CSGT cũng tổ chức ghi hình những trường hợp vi phạm trước cổng trường rồi kết hợp nhà trường mời phụ huynh, học sinh lên để nhắc nhở.
Còn bà Nguyễn Diệu Nương - GĐ Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á - thẳng thắn nhìn nhận, tỉ lệ trẻ em đội MBH có sự khác biệt lớn giữa các địa phương. Những tuyến đường khu vực nội đô có CSGT thường xuyên tuần tra, xử phạt thì tỉ lệ các em học sinh đội MBH đạt tương đối cao, còn những tuyến đường, trường ở các vùng ven, thiếu vắng CSGT thì tỉ lệ khá thấp. Nếu không duy trì thường xuyên các giải pháp thì lâu dần tỉ lệ trẻ em đội MBH sẽ xuống thấp xuống và nguy cơ trẻ em mất mạng do không đội MBH sẽ tăng cao.
Tuyên truyền và xử phạt nghiêm
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM - cho rằng, mục đích cuối cùng làm sao phải tỉ lệ đội MBH cho trẻ em bằng với tỉ lệ của người lớn đội MBH. Vừa qua, công tác tuyên truyền thực hiện khá tốt, tuy nhiên công tác chế tài, xử phạt phụ huynh không chấp hành đội MBH cho các em học sinh còn quá thấp.
"Trong suốt 3 năm qua triển khai dự án, lực lượng CSGT chỉ xử phạt được có khoảng 4.000 trường hợp. Nếu đem con số 4.000 trường hợp bị xử phạt vi phạm không đội MBH trong 3 năm so với số vụ vi phạm an toàn giao thông bị xử phạt trong năm 2013 của thành phố gần 1 triệu vụ thì chẳng thấm đâu vào đâu" - ông Nguyễn Ngọc Tường phân tích.
Đại diện đội CSGT quận Bình Tân thì lại cho rằng: "Xử lý đối tượng trẻ em không đội MBH, chúng tôi không làm quá căng thẳng, quyết liệt. Chủ yếu kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở, chứ không phải trường hợp nào cũng xử phạt. Hơn nữa, lập biên bản xử phạt sợ làm ảnh hưởng trễ giờ học của các em".
Trong khi đó, theo Phòng GD-ĐT Q.9, muốn đạt tỉ lệ trẻ em đội MBH tăng cao, các lực lượng chức năng phải kiên quyết xử phạt hơn nữa, thậm chí xử phạt ở mức cao nhất đối với phụ huynh. Tại sao phụ huynh biết đội MBH cho bản thân mà lại không đội MBH bảo vệ con em họ. Đồng quan điểm này, một cán bộ Ban GTAT huyện Hóc Môn, cho biết: "Tuyên truyền là công việc thường xuyên. Tuy nhiên, tuyên truyền phải đi đôi với việc xử phạt quyết liệt thì mới hiệu quả, chứ nếu chỉ tuyên truyền mãi mà xem nhẹ việc chế tài thì riết sẽ lờn thuốc...
Cũng giống như trước đây, quy định bắt buộc đội MBH đối với người lớn, sau nhiều năm tuyên truyền mãi tỉ lệ đội rất thấp, nhưng khi cả nước quyết liệt xử phạt nghiêm thì tỉ lệ đội MBH lại tăng khá cao, đạt 90-98%".
Theo LĐ