Nếu ai chợt có ý định ôm hôn bé tôi đều nhanh chóng "cản" lại bằng cách nói dối con rất yếu, đề kháng kém nên sợ lây bệnh.
Tôi được sinh ra trong một gia đình đông an hem, nhà tôi có tất cả 7 anh chị em và tôi là Út. Vì là con Út nên ngày từ bé tôi đã được bố mẹ và các anh chị trong nhà cưng chiều và yêu thương hết mực. Tôi luôn được sống trong sự bao bọc, che chở của gia đình. Nếu chẳng may cả nhà bỏ lơ, không quan tâm đến tôi một chút xíu thôi là có khi cả ngày dài tôi "ăn vạ", mặt bí xị không thèm nói chuyện với ai. Mọi người trong nhà đều bảo không biết sau này lớn lên liệu tôi có lấy được người chồng chiều chuộng và yêu thương tôi như ba mẹ và anh chị trong nhà hay không, nếu không lại khổ cả đời. Tôi cứ bĩu môi bảo: "Sao lại không, sau này Út sẽ lấy chồng tốt cho cả nhà xem".
Vốn từ lâu đã quen với cảm giác được che chở nên tôi đã quyết định lấy anh, người đàn ông hơn tôi đến 10 tuổi. Trong mắt tôi anh là trụ cột vững chắc,hấp dẫn và đầy bản lĩnh đàn ông. Vì ít tuổi hơn chồng khá nhiều nên anh cũng rất chăm lo cho tổ ấm nhỏ bé và cưng chiều vợ.
6 tháng sau khi cưới chúng tôi bắt đầu có em bé. Chồng tôi vô cùng vui mừng, bản thân tôi thì cho rằng từ bây giờ em bé càng cần sự yêu thương, quan tâm chăm sóc hơn cả tôi ngày xưa nữa. Từ những ngày mang bầu, tôi đã giữ gìn và chăm con rất kỹ lưỡng, cẩn thận. Chế độ ăn uống phải khoa học, không thể để mẹ béo ú ra trong khi con ở trong bụng không hấp thụ được chất dinh dưỡng gì. Bên cạnh đó, tôi cũng không quên dành cho con những món quà tinh thần bổ ích như kể chuyện, đọc sách, cho con nghe nhạc để phát triển trí thông minh và khả năng tư duy ngôn ngữ sau này. Chồng tôi đã rất tự hào về cô vợ bé bỏng ngày nào giờ ra dáng biết chăm con, dạy con ngay từ khi trong bụng mẹ.
Vì quen được chiều chuộng từ nhỏ nên với con, tôi cũng "nâng như nâng trứng" (ảnh minh hoạ)
Ngày con chào đời, chúng tôi đều vui mừng khôn xiết vì đối với nhà nội bé là cháu trai đích tôn của dòng họ.Bên nhà ngoại thì lại là cháu út ít nhất nhà nên ai cũng quan tâm, yêu thương. Nhìn thằng bé xinh xắn, đáng yêu ai cũng muốn bế ẵm, thơm nựng nhưng tôi có cảm giác sợ hãi là khi bé được bế qua tay bao nhiêu người như vậy thì nào là vi khuẩn các kiểu, bệnh dịch, viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến đứa con non nớt của tôi.
Nghĩ như vậy nên tôi bắt đầu chăm con theo kiểu coi bé như một quả trứng mỏng manh, có thể vỡ bất kể lúc nào và giữ khư khư con cho riêng mình. Tôi không thích cho con tiếp xúc với người lạ, kể là người quen nhưng không thân trong gia đình. Nếu ai có ý định bế hay ôm hôn bé tôi đều nhanh chóng nói khéo rằng: "Bé có sức đề kháng kém nên ông/bà/cô/bác đừng thơm kẻo lây bệnh cháu". Tôi thấy "dị ứng" khi có người lạ ôm con, đặc biệt là nam giới vì bây giờ trên thực tế có đầy rẫy những vụ lạm dụng tình dục hoặc bắt cóc trẻ con dù là bé trai hay bé gái thì đều nguy hiểm như nhau.
Và tất nhiên khi được mẹ chăm sóc như thế, bé cũng bắt đầu thể hiện cảm xúc sợ hãi khi tiếp xúc với người lạ. Con rất nhút nhát, không bạo dạn như nhiều trẻ bằng tuổi và khá lành; không thích chơi với bạn bè cùng lứa mà chỉ ngồi ngoan trong lòng mẹ nhìn các bạn chơi hoặc về nhà chơi cùng ba mẹ, ông bà.
Nhiều bà mẹ suốt ngày đau đầu quát nạt vì con quậy nghịch thì với tôi điều đó là chuyện không phải suy nghĩ. Chính vì cái suy nghĩ có con thì mình phải chịu khổ để chăm sóc con nên nhiều khi có công việc bận rộn nhưng con trai cứ quấn mẹ thì tôi cũng tặc lưỡi cho qua. Hoặc ai có ý kiến rằng tôi kỹ tính như vậy thì con nó không có bạn tôi cũng không lấy làm phiền lòng.
Tuy nhiên, suốt 2 năm trời chăm con theo cách như vậy, tôi nhận thấy bé không được bụ bẵm như lúc mới sinh. Tôi cho con ăn uống đầy đủ dưỡng chất, lại bồi bổ đủ các loại đồ ăn bổ dưỡng nhưng bác sĩ vẫn bảo cháu bị thiếu canxi và cần bổ sung sắt.
Đồng thời sức đề kháng của con cũng kém nên bé rất hay ốm vặt khiến vợ chồng tôi nhiều lần mất ăn mất ngủ vì thương con.
Mọi chuyện chắc sẽ cứ diễn ra như thế nếu như tôi không có chuyến đi công tác miền Nam gần 3 tháng. Nghĩ tới cảnh con còn nhỏ dại mà đã phải xa mẹ suốt một thời gian dài tôi vô cùng xót xa và lo lắng. Bao nhiêu câu hỏi cứ lần lượt hiện ra trong đầu tôi: ai sẽ lo cơm cháo cho con, ai sẽ là lượt áo quần, con khóc con quấy gọi mẹ thì làm thế nào. Gía kể con trai mà to khỏe thì tôi cũng yên tâm đằng này bé hay ốm như thế. Công việc của tôi thì lại không thể để ai đi thay và có đi cũng phải đi một lèo chứ chẳng thể tranh thủ bay ra thăm con được.
Vào nhận công việc trong Nam mà đầu óc tôi suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện ở nhà không thể tập trung hết mức cho công việc. Hàng ngày tôi cứ rảnh ra một chút tôi lại gọi điện về nhà để cập nhật tình trạng ăn uống, sức khỏe của tôi. Nhìn vào màn hình webcam thấy con mới xa mẹ ít hôm mà vẫn bình thường, không bị sút cân tôi cũng phần nào yên tâm để ổn định công việc.Những ngày cuối trước khi xa con, tôi càng chăm chút và dành cho con nhiều sự quan tâm hơn. Chồng tôi và ông bố hai bên thì cứ động viên rằng: "Ở nhà có bao nhiêu người đây sao cứ lo lắng, sốt ruột như thế để khổ thân thằng bé thêm". Bố cháu còn tươi cười chẳng tỏ ra nao núng, sợ hãi trước những tháng ngày xa vợ, chăm con một mình nữa chứ.
Thấm thoát rồi cũng hết thời gian 3 tháng, ngày tôi về tới nhà, con trai chạy ra gọi Mẹ ơi, Mẹ ơi thật to mà tôi ngỡ ngàng về "người đàn ông ý hon" của mình. Thằng bé trông nhanh nhẹn và tự tin vô cùng, chiều cao tăng vọt trong khi da dẻ thì đỏ hồng ra khiến tôi mừng rơi nước mắt. Tôi quay ra hỏi chồng thì ông xã mới bảo: " Tại vợ đấy, em chăm con nhưng cứ muốn bỏ con vào "lồng kính" nên thằng bé mới nhút nhát, sức đề kháng kém. Từ giờ về sau vợ phải đổi mới, thoái mái hơn để con phát triển gần gũi với cuộc sống thực tế em ạ!". Tôi nhìn chồng biết lỗi nhưng cũng đầy ngưỡng mộ, cả nhà vui vẻ ngồi vào mâm cơm đoàn viên sau bao ngày xa nhau.
Câu chuyện của tôi là một kết thúc có hậu cho hành động sai lầm. Tuy nhiên tôi biết nhiều chị em không được may mắn như tôi. Rất nhiều trường hợp bố mẹ vì bao bọc con quá kỹ đã khiến bé trở thành những chú "gà công nghiệp", ốm yếu vì không được tiếp xúc với vi khuẩn để hình thành miễn dịch, thiếu kỹ năng sống vì không được tiếp xúc với nhiều người trong xã hội. Vì vậy, tôi vẫn muốn kể lại câu chuyện của bản thân như một bài học dành cho các bà mẹ hiện đại ngày nay. Đôi khi, chúng ta càng cầu toàn lại khiến mọi thứ không được hoàn hảo.
Theo chia sẻ của độc giả
Khám phá