Nhiều gia đình xảy ra mâu thuẫn vì không thống nhất được cách dậy dỗ con cháu. Nhiều bé con hư, nghịch, ngỗ ngược do bà chiều chuộng, thiếu để ý.
Bố mẹ hiện đại luôn biết một điều rằng: tình yêu thương con không chỉ được thể hiện qua sự chiều chuộng, đáp ứng cho bé mọi yêu sách. Muốn con khôn lớn, ngoan ngoãn, thì dạy con hợp lý là một việc mà ai cũng thực hiện. Đôi khi chính việc chiều chuộng trẻ thái quá của gia đình hay những hành động thiếu để ý của người lớn trước mặt con trẻ đã làm hư các bé.
Mâu thuẫn gia đình vì bà nội quá chiều cháu
Bé Mầm (2,5 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) rất nghịch ngợm. Cứ có đồ gì thích, dù không được cha mẹ đồng ý, bé cũng làm nũng, giãy giụa, vật vã, khóc lóc tới lúc cả nhà chiều mới thôi. Những lần nghịch ngợm, bố mẹ thường bắt bé đứng úp mặt vào tường nhưng chiêu đó chỉ khiến bé sợ khi bà nội không có nhà. Những lúc đó, bé thường tỏ ra ngang ngạnh thậm chí còn đe dọa lại: "Bố mẹ mà hư, con mách bà, đánh đít bố mẹ". Chỉ cần bà có nhà, bé sẽ hét váng lên để kêu gọi lực lượng ra ứng cứu.
Chị Hòa - mẹ bé tâm sự: "Thực sự mình mệt mỏi lắm khi con ngày càng lớn, càng hư, cãi lời bố mẹ, tất cả cũng chỉ vì bà chiều cháu quá".
Chị kể, Mầm thích gì, bà cũng chiều, Mầm đòi gì bà cũng mua. Thậm chí, có đôi loa máy tính anh chị vẫn đang dùng ngon lành, bé đòi và bà cho bé chơi, đập phá. Chị phân tích, giảng giải cho mẹ thì bà xầm xì, giận dỗi bảo: "Hỏng cái này thì mua cái khác. Con đi làm suốt, có hiểu tâm tư nguyện vọng của Mầm đâu. Mầm chỉ lủi thủi một mình ở nhà, nó thích gì thì tạo điều kiện cho nó. Con thích thì con ở nhà mà trông con".
Nhiều gia đình xảy ra mâu thuẫn vì không thống nhất được cách dậy dỗ con cháu. Nhiều bé con hư, nghịch, ngỗ ngược do bà chiều chuộng, thiếu để ý. (Ảnh minh họa)
Chị chỉ mong bé sớm đến 3 tuổi để còn cho đi học. Chị ấm ức: "Con nhà người ta hơn 1 tuổi đã đi học, con mình thì 3 tuổi đến nơi rồi mà bà cứ sợ cháu ốm, cháu yếu, nằng nặc không cho đi".
Chị Thanh (An Dương, Hà Nội) lại khác, tuy anh chị sống riêng song nhà ông bà nội ngay cạnh nên ngày nào ông bà cũng sang chăm và chơi với cháu. Mọi động tĩnh anh chị dạy con đều bị bà can thiệp, nhất là khi nào Cún bị bố mẹ mắng. Cún (3 tuổi) hiểu điều này nên cứ khi nào bị bố mẹ lườm, hay sắp đánh, bé lại ngó ra cửa sổ gọi to "Bà ơi, cứu Cún".
Bà nghe thấy tiếng Cún là lật đật chạy sang ngay, chưa rõ đầu cua tai nheo thế nào, chỉ cần thấy bé mếu máo là bà quay ra mắng bố mẹ Cún xơi xơi: "Cô cậu định làm gì cháu tôi. Nó bé thế này, hiểu gì đâu mà mắng nó".
Rồi một ngày, sinh nhật chị họ Cún. Cún nghịch trèo lên bàn chơi rồi hất tung cả đĩa bát trên bàn xuống đất vỡ tan tành, suýt vào mặt anh chị.
Chị Thanh chạy ra đánh vào tay Cún 2 cái rất đau, bà nội đang ở trong bếp lục đục chạy ra khi nghe tiếng Cún gào khóc. Bà mắng chị: "Con có phải là mẹ của Cún không hay mẹ ghẻ mà đánh nó đỏ cả tay lên thế này. Con ác quá, đánh nhiều là trẻ lớn lên bị tự kỷ, bất mãn đấy. Hay con thích, con đánh chết bà già này đi. Bát vỡ thì mua có làm sao mà trút giận lên nó".
Nói rồi, bà quay sang dỗ dành Cún, bà bảo: "Nín đi con, con thích chiều sang nhà bà chơi ném bát thoải mái, vỡ bà mua lại".
Trường hợp chị Thủy (Định Công, Hà Nội) lại khác, chị Thủy không mâu thuẫn với mẹ chồng vì cách chiều chuộng con cháu, mà chị lo lắng, không yên khi bà thể hiện cách yêu cháu một cách "khác thường".
Rất nhiều lần chị bỏ qua và nghĩ rằng do bà là người ở quê nên thường dùng những ngôn từ khác lạ nhưng càng ngày chị thấy những cách nói của bà khiến bé Mai - 2 tuổi con chị bị ảnh hưởng.
Bé Mai đang trong giai đoạn học nói mà trộm vía bé lại tiếp thu nhanh, thế nên những câu nói yêu của bà được bé chép y nguyên. Mừng con nói sõi 1, chị buồn phiền vì ngôn ngữ của con 10. Một lần, chị khóc thét khi nghe bé bảo với mẹ: "Con mẹ trời đánh này về muộn, đi chơi phỏng?"
Một lần chứng kiến bà nói chuyện với bé mà chị lo lắng vô cùng, chị nhận ra nếu mình không can thiệp sớm thì sớm muộn gì con cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bà bảo: "Ăn đi, con cá ngão này. Ăn chậm bà bẻ chân bây giờ. Muốn đi cà nhắc không?".
Thực chất, chị biết bà rất yêu cháu, bà chăm cháu tốt song bà lại có thói quen vô ý khiến bé bị ảnh hưởng. Nhiều lần góp ý, bà lại dỗi bảo: "Tao mắng yêu cháu tao, có làm sao đâu".
Thấy bà và mẹ to nhỏ, Mai chẳng hiểu gì chỉ ngồi cười rồi vỗ tay ầm ĩ. Ngay sau lời con dâu góp ý, bà không ngần ngại gọi cháu: "Con khốn con, ra đây bà cho ăn bánh nào, tới giờ ăn bánh uống sữa rồi. Ăn lắm vào rồi lấy chồng, đỡ phải nuôi".
Gia đình cần thống nhất cách dạy con
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà, không chỉ những trường hợp trên mà có rất nhiều gia đình khác cũng mâu thuẫn trong việc chăm sóc, nuôi dạy con trẻ. Khi tiếp xúc với hai nền giáo dục khác nhau của cha mẹ, ông bà, bé dễ bị căng thẳng và hiểu lệch lạc.
Những gia đình đông đúc, nhiều thế hệ thì việc ứng xử với con cháu càng cần phải thống nhất phù hợp để con trẻ phát triển tốt nhất. Bậc phụ huynh nên nói chuyện, phân tích rõ để ông bà hiểu việc chiều chuộng thái quá, đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ là việc làm không nên, sẽ nhanh chóng khiến trẻ bị hư, ý lại. Xuất phát từ tình yêu thương con cháu, nếu như cha mẹ phân tích một cách hợp lý, chính xác, khoa học, hợp tình thì chắc chắn ông bà cũng sẽ hiểu dù thế hệ khác nhau. Để tránh mâu thuẫn gia đình, mọi người cần nói chuyện một cách tích cực, cha mẹ không nên gạt bỏ, chê bai cách làm cũ của ông bà.
Các thành viên trong gia đình cần thống nhất, tìm được tiếng nói chung, thống nhất với nhau là ai sẽ là người đưa ra ý kiến cuối cùng khi mâu thuẫn gia đình phát sinh trong việc con hư, cách tốt nhất để dạy con trẻ. Cả nhà cần thống nhất với nhau và với trẻ nhỏ rằng việc gì làm được và không làm được.
Người lớn cũng nên để ý, cân nhắc kỹ hơn với những hành động, lời nói của mình bởi nếu không để ý, tất yếu, trẻ con sẽ bị ảnh hưởng, bắt chước người lớn nói và hành động những việc không nên.
Theo Afamily