Bác sĩ chuyên khoa I Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM) cho biết, lượng nước mắm (hay muối) dùng mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi và sự trưởng thành của thận các bé.
Theo thống kê, số cha mẹ cho bé ăn thừa natri phổ biến hơn là thiếu chất này.
Thời điểm nêm nước mắm cho bé
Khi bé mới ăn dặm (6 tháng tuổi), mẹ không cần nêm nước mắm hay muối (hoặc gia vị gì) vào bát bột của bé. Đến khoảng 8 tháng, khi bé ăn bột gạo xay (không phải bột bán sẵn) hoặc cháo xay thì mới bắt đầu nêm chút nước mắm cho bé.
Cách nêm nước mắm
Sau khi thịt, cá... và bột đã chín thì nêm nước mắm trực tiếp vào bột (cháo) rồi khuấy đều. Cần nêm nước mắm trước khi cho rau và dầu ăn.
Lượng nước mắm
Mỗi bữa, mẹ chỉ nên nêm khoảng 1/3 thìa café nước mắm cho bé. Khi bé lớn hơn, có thể tăng thêm một chút nhưng vẫn chỉ nên nêm nhạt. Nếu vừa miệng người lớn là quá mặn với bé.
Lưu ý chọn nước mắm ngon cho bé
Trên thị trường hiện nay có không ít các nhãn hiệu nước mắm dành riêng cho bé. Khi chọn mua, mẹ nên chú ý tới các tiêu chí sau:
Độ đạm: Độ đạm là tiêu chí quan trọng khi chọn mua nước mắm cho bé. Thông thường, nước mắm ngon sẽ có 3 yếu tố đảm bảo chất lượng gồm độ đạm, màu sắc và mùi vị. Độ đạm cao thì chất lượng nước mắm cho bé càng cao.
Màu sắc: Mẹ thử dốc ngược chai nước mắm, nếu thấy nước mắm trong là ngon. Trường hợp thấy cặn lợn cợn thì không nên mua.
Thường thì nước mắm có màu vàng nhạt hoặc màu cánh gián. Nếu nước mắm có màu khác lạ như xanh xám thì mẹ cần chú ý.
Mùi vị: Nước mắm cho bé phải có vị thơm nhẹ, không mặn chát đầu lưỡi khi mẹ nếm thử.
Theo mevabe