Tình trạng lười ăn do hiếu động thường xảy ra khi bé ở trong khoảng 6 tháng đến 3 tuổi. Đây là giai đoạn bé bắt đầu ăn dặm và được làm quen với nhiều loại thức ăn mới.
Một số bé được người lớn đánh giá là hiếu động, tình trạng lười ăn có thể xảy ra sớm, bé ngừng bú nếu nhìn hay nghe thấy điều gì thú vị
Khi chập chững biết đi, bé rất hiếu động, tò mò và mải chơi - không cảm thấy đói trong một khoảng thời gian dài. Bé có thể còn biến thức ăn thành đồ chơi, ném thức ăn, bát đĩa.
Ở tuổi đi học mẫu giáo, những bé kiểu này sẵn sàng thà chơi và nói thay ăn, đọc sách thay ngủ. Bé cho rằng ăn uống là việc quá chán.
Hậu quả
Lười ăn khiến bé lên cân chậm và thiếu cân. Đa số đều còi cọc và trông nhỏ hơn hẳn so với các bé cùng độ tuổi. Tuy nhiên, đây là những bé rất sáng dạ, biết nhiều thứ và nhanh nhẹn. Nhưng vì thiếu dinh dưỡng nên những bé này có thể gặp những vấn đề về giấc ngủ, ngủ không ngon, hay nổi nóng, không thuần tính. Ngoài ra, nếu bị cha mẹ ép ăn không đúng cách, bé có thể mâu thuẫn với cha mẹ, thậm chí có bé sẵn sàng làm ngược lại ý cha mẹ.
Giải pháp
Để giúp những bé này hết lười ăn, trước hết, cha mẹ hãy giúp bé nhận biết cảm giác đói bằng cách cho bé ăn đúng giờ, khoảng cách giữa các bữa ăn chính và các bữa ăn phụ là 3-4 tiếng. Giữa hai bữa, nếu bé đói chỉ cho bé uống nước.
Bên cạnh cảm giác đói, cha mẹ cũng cần giúp bé nhận biết được cảm giác no. Không nên cho tất cả khẩu phần bữa ăn vào bát ăn cùng một lúc, bởi điều này không chỉ khiến bé nhìn đã ngại, mà để lâu thức ăn mất ngon khiến bé càng ngán. Cho bé ăn các phần ăn nhỏ rồi xới thêm phần thứ hai, thứ ba, thứ tư để khuyến khích bé. Mẹ nên nhớ đây là những bé rất thích sự thay đổi.
Ngoài ra, vì đây là những bé rất hiếu động, hãy dạy cho bé ngồi ăn ở bàn cho đến khi "Bụng mẹ và bụng bố đã no" để bé tập quen với việc ngồi yên một thời gian. Bữa ăn không nên kéo dài quá 30 phút, thậm chí kể cả khi bé ăn rất ít hay chưa ăn gì bởi bé sẽ bù lại lượng thức ăn ít ỏi đó vào bữa sau.
Cha mẹ có thể khen ngợi khi bé tự xúc ăn nhưng giữ thái độ trung lập về thức ăn bé ăn vào. Ăn uống không nên là thành tích của bố mẹ mà phải tùy thuộc theo nhu cầu sinh lý của bé
Nếu bé cư xử không đúng trong bữa ăn như rời khỏi ghế, ném đồ dùng và thức ăn, hãy cảnh cáo bé một lần duy nhất. Nếu bé không dừng thái độ đó, cho bé thời gian ở một mình. Tức là mẹ hãy đưa bé vào một không gian riêng, nên nhớ không gian này phải an toàn với bé. Lưu ý là những bé hiếu động thường tìm cách chui ra ngoài. Hãy đợi đến khi bé bình tĩnh trở lại để trở lại bàn ăn. Mẹ phải nói cho bé biết rằng, đây không phải phạt mà là bé được cho thời gian suy nghĩ về hành động của mình. Tất nhiên, bố mẹ cũng phải "lì" nếu muốn thực hiện biện pháp này. Nếu mẹ cảm thấy không chịu được tiếng khóc lóc của bé thì tốt nhất đừng thực hiện.
Lần đầu tiên áp dụng giải pháp "một mình" với bé nên chọn vào hôm có cả bố và mẹ; bố mẹ phải thống nhất với nhau; và hôm đó bố mẹ cũng không bận việc gì để có thể tĩnh tâm quan sát bé. Thông thường, ban đầu bé sẽ khóc lóc rất nhiều để động lòng cha mẹ, nhưng nếu mãi không thấy được cha mẹ quay lại vỗ về an ủi, bé sẽ tự nín. Bởi thực tế, bản thân bé hiểu rằng ném đồ ăn hay chạy nhảy trong bữa ăn là hành động không được phép, cha mẹ đã cảnh báo bé một lần rồi.
Sau khi biết cảm giác no, đói hay đã trải qua những lần bị "cho ra rìa" vì quấy phá trong bữa ăn, bé sẽ có ý thức và ăn uống tự giác hơn; từ đó cha mẹ đỡ vất vả hơn trong việc cho bé ăn. Theo thời gian, khi bé càng lớn thì việc cho ăn cũng sẽ dễ dàng hơn.
Lưu ý: Trong trường hợp bé không tăng trưởng, cha mẹ có thể nhờ bác sĩ nhi khoa tư vấn về việc sử dụng thực phẩm. Có thể dùng thuốc để kích thích bé ăn uống nhưng cha mẹ nên nhớ thuốc chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định. Có thể bổ sung sữa sau mỗi bữa ăn cho bé nhưng không nên dùng sữa thay hoàn toàn thức ăn vì bé cần được nhận biết các món ăn. Thực tế, những bé hiếu động sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn những bé khác, vì thế việc bổ sung thêm thức ăn cho bé là rất cần thiết.
Theo mevabe