Giáo dục mầm non
   Thiếu giáo viên, thừa cử nhân sư phạm: Đâu là bản chất vấn đề? Lời giải từ tầm nhìn và cơ chế
 

Nghịch lý thừa - thiếu giáo viên (GV) có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là sự bất cập trong định hướng đào tạo GV tại các trường sư phạm và cơ chế tuyển dụng đã dẫn tới hệ lụy xấu: Nới rộng khoảng cách giữa cung và cầu đối với nguồn nhân lực sư phạm. Thực tế cho thấy cần có hệ giải pháp toàn diện, căn bản không chỉ liên quan đến ngành giáo dục.


Tầm nhìn xa cho "cỗ máy cái"

Cả nước hiện có 130 cơ sở đào tạo GV, hầu hết vận hành theo mô hình truyền thống là đào tạo song song giữa khoa học cơ bản và sư phạm. Một số cơ sở khác áp dụng hình thức 2 giai đoạn: Đào tạo khoa học cơ bản, sau đó là nghề sư phạm. Ngoài ra, còn có hình thức đào tạo liên thông. Theo các chuyên gia, sự gia tăng quy mô cơ sở đào tạo và tồn tại đồng thời nhiều phương thức, mô hình đào tạo GV như trên đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu GV phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, thậm chí đã xuất hiện tình trạng dư thừa GV. Trong một hội nghị của ngành sư phạm, TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh bày tỏ lo ngại: Trong một vài năm tới, có những địa phương đã đủ GV nhưng hằng năm, tại chính những nơi này vẫn có hàng nghìn giáo sinh ra trường. Riêng tỉnh Nghệ An, cho đến năm 2015, nhu cầu tuyển GV rất ít, chủ yếu là GV tin học, mỹ thuật... nhưng CĐ Sư phạm Nghệ An và ĐH Vinh vẫn đều đều cho ra đời hơn 1.000 giáo sinh/năm ở tất cả các bộ môn. Như vậy, tình trạng thừa GV là không thể tránh khỏi.


Chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non hiện nay chưa đủ sức thu hút giáo viên ở cấp học này.Ảnh: Bảo Kha


Tuy nhiên, trong sự dư thừa nói trên vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu GV. Hiện nay, nhiều địa phương không còn tuyển GV tiểu học do số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường ở bậc học này đã giảm nhiều. Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy dân số Việt Nam sẽ tăng từ 85,9 triệu người hiện nay lên gần 99,5 triệu người vào năm 2024. Đến lúc đó, số GV tiểu học sẽ thiếu ở mức trầm trọng, nhất là với bậc tiểu học có tổ chức học 2 buổi/ngày.


Như vậy có thể thấy, nghịch lý thiếu - thừa còn đến từ sự thiếu định hướng phát triển lâu dài của các cơ sở tạo nguồn nhân lực sư phạm. Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT, cho biết: Trong 2 năm qua, Bộ GD-ĐT đã thực hiện quy hoạch ngành theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu, đồng thời thực hiện đánh giá lại năng lực đào tạo của các trường sư phạm, dự báo nguồn nhân lực. Để thu hút GV về vùng khó khăn, hiện Bộ đang cho triển khai Nghị định 79 của Chính phủ và thực hiện một số chính sách khác. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng "lúc thừa, lúc thiếu" thì cần phải có giải pháp đồng bộ và vấn đề không chỉ phụ thuộc vào ngành giáo dục.


Trong Chỉ thị số 895 của Bộ GD-ĐT về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển xã hội giai đoạn 2013-2015, Bộ đã yêu cầu các đơn vị phải xác định rõ nhu cầu bồi dưỡng, thay thế và đào tạo mới nhân lực trong ngành giáo dục của địa phương; xác định nhu cầu đào tạo lại, nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp hoặc chuyển đổi việc làm cho những GV chưa bố trí được công việc phù hợp với chuyên môn và trình độ đào tạo. Các trường cũng phải thống kê theo trình độ, chuyên môn được đào tạo của sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, xây dựng đề án giải quyết việc làm cho những sinh viên nói trên và trình cơ quan có thẩm quyền của địa phương phê duyệt.


Phá rào cản nội tại

Thực tế cho thấy, nghịch lý "thừa mà thiếu" không chỉ ở khâu tuyển dụng và công tác đào tạo của các trường, khoa sư phạm, mà bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa, đó là ngành GD-ĐT chưa thực sự được phân cấp triệt để trong việc thực hiện các quy định liên quan đến việc phát triển đội ngũ nhà giáo.


Ngành GD-ĐT không vận hành theo năm tài chính, thế nhưng thời điểm duyệt biên chế GV cho các trường thường là cuối năm, nếu được bổ sung thì cũng phải chờ thêm gần nửa năm nữa, lúc ấy thì năm học đã kết thúc. Để bảo đảm định biên do Bộ Nội vụ quy định, các trường chỉ còn cách tự xoay xở.


Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục song nhiều nội dung tại Nghị định này chưa được triển khai đầy đủ tại các địa phương. Đơn cử như về tuyển dụng GV, việc đại diện ngành GD-ĐT được tham gia vào hội đồng tuyển dụng ở nhiều nơi chỉ là hình thức, thậm chí có nơi hiệu trưởng chỉ biết mặt GV khi họ được điều động về trường. Việc luân chuyển GV cũng nằm ngoài thẩm quyền của ngành GD-ĐT. Trong trường hợp GV không làm được việc, hiệu trưởng vẫn phải chấp nhận, không muốn chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng thì phải tìm cách ký hợp đồng với GV khác, nói thừa mà vẫn thiếu là vì thế.


Sự thiếu sức hút còn có nguyên nhân khác. Cách đây 2 năm, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 48/2011/BGDĐT, điều chỉnh chế độ làm việc với GV mầm non còn 6 tiếng/ngày. Quy định này được cho là giải pháp tháo gỡ tận gốc nguyên nhân gây thiếu GV của cấp học mầm non, bởi đây là cấp học vất vả nhất, nhiều áp lực nhất và thời gian làm việc luôn ở vị trí dẫn đầu so với các cấp học khác (trung bình 10 tiếng/ngày) nên ít người mặn mà. Với quy định mới, ước tính mỗi đơn vị cần bổ sung 1/4 số lượng GV hiện có. Tuy nhiên, đã hai năm học trôi qua, chưa có địa phương nào thực hiện được quy định này cho "ra trò", nguyên nhân là do chế độ, chính sách đối với GV mầm non vẫn "giẫm chân tại chỗ", không đủ sức thu hút GV. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT vào cuối năm học 2012-2013, cả nước còn hơn 30% GV mầm non chưa được hưởng chính sách theo quy định hiện hành. Ngành GD-ĐT ở nhiều địa phương chưa biết phải xoay xở ra sao trong năm học mới này khi GV mầm non đòi hỏi điều chỉnh thời gian làm việc theo đúng quy định, hoặc phải cho họ được hưởng chế độ làm thêm giờ, thế nhưng nguồn kinh phí cho nội dung này lại nằm ngoài thẩm quyền của ngành GD-ĐT.


Thực trạng "thừa - thiếu, thiếu - thừa" cho thấy để giải quyết cần một giải pháp căn bản, toàn diện, khả thi, rõ tính định hướng và tầm nhìn xa.


Theo HNM

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Đác Nông: Chỉ có 7% số phòng học bậc mầm non kiên cố (4/9)
 Thực hiện PCGDMN trẻ 5 tuổi: Phải đảm bảo bền vững, chất lượng (4/9)
 Thiếu hơn 27.500 giáo viên mầm non (30/8)
 Trường mầm non nỗ lực với những mô hình mới (29/8)
 Vẫn còn 30% giáo viên mầm non chưa được hưởng chính sách (28/8)
 Năm học mới, ngành học Mầm non đẩy mạnh phổ cập trẻ 5 tuổi (27/8)
 Nghiêm cấm trường mầm non dạy chữ cho trẻ (24/8)
 Giúp bé thích nghi với trường mầm non (22/8)
 Giáo dục mầm non Thái Nguyên trên đường cán đích phổ cập trẻ 5 tuổi (21/8)
 Bình Phước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (20/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i