Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), mẹ nên tập cho bé ăn cơm từ khi bé khoảng 2 tuổi (khi bé đã mọc được nhiều răng) với cách thức chuyển dần từ ăn cháo sang cơm nát, cơm dẻo, đến cơm thường như người lớn.
Để giúp bé dễ ăn hơn, mẹ cần chế biến đa dạng các loại thức ăn, rau mềm, để bé ăn cùng cơm. Ngoài ra, mẹ có thể tập phản xạ nhai cho con bằng cách cho bé ăn thêm các loại bánh dinh dưỡng, giòn, tan nhanh.
"Nhiều trường hợp các mẹ phàn nàn rằng con không chịu ăn cơm, nhưng khi hỏi tới thì nguyên nhân lại do mẹ chưa biết cách chế biến thức ăn phù hợp. Nhiều người ngại kỳ công, nên người lớn ăn gì, cho bé ăn nấy, khiến bé khó nhai, khó nuốt, và sợ cơm" - bà Lâm nói.
Bà cho rằng, ban đầu, người mẹ cần hướng dẫn con cách nhai, có thể biến việc này thành một trò chơi, chẳng hạn: Mẹ xúc thức ăn và chậm rãi nhai, rồi miêu tả cho con biết món ăn ngon, ngọt như thế nào, "dụ" con làm theo, không quát mắng hay giục giã bé.
Cách nấu cơm nát cho bé
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc Hương (Trưởng Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM), trong độ tuổi 24 tháng, bé có thể ăn 3 bữa chính mỗi ngày với cơm nát và cháo đặc.
Chia sẻ trong một buổi sinh hoạt tại Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, bác sĩ Hương cho biết, sai lầm mà nhiều mẹ hay mắc phải là thường tán cơm thật nhuyễn rồi chan nước canh vào. Cách này khiến cho bé rất dễ ngán và không khuyến khích được cử động nhai ở bé.
"Cơm cho bé chuẩn bị ăn cơm phải mềm hơn cơm người lớn. Khi nấu cơm bình thường của người lớn, có thể chọn ra một phần dùng thìa đánh nhẹ làm cho vỡ hạt cơm ra rồi đem hấp trong nồi cơm một lần nữa. Nếu khéo léo có thể để nghiêng nồi cơm về một phía để có được phần cơm hơi nhão hơn cho bé" - bác sĩ Hương chia sẻ.
Không nên tập cho bé ăn cơm quá sớm
Học tập kinh nghiệm các bà nội trợ Nhật tập cho con ăn cơm từ khi khoảng một tuổi (thời điểm bé rất thích cho đồ vào miệng nhai) gần đây, nhiều mẹ Việt cũng áp dụng cho con ăn cơm sớm.
Về điều này, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm cho rằng, việc cho bé ăn cơm quá sớm cũng không thực sự tốt. "Khi bé trên dưới 1 tuổi thì mới có 6-8 răng, chưa thể nhai được cơm và thức ăn nhỏ. Trong khi, khi thực phẩm phải được nhai đủ nhỏ, thì men nước bọt mới phát huy tác dụng cho thức ăn được tiêu hóa tốt khi vào đến dạ dày" - bà Lâm giải thích.
Không nên tập cho bé ăn cơm muộn
Hiện nay, không ít bé, nhất là ở thành phố thường được cho ăn cháo quá lâu.
Theo bà Lâm, bé 3 tuổi mà vẫn chưa ăn được cơm là quá muộn và điều này không tốt cho sự phát triển của các cháu.
Bà cho rằng, ăn cháo quá lâu, với những hương vị na ná như nhau sẽ khiến bé chán, biếng ăn, dẫn đến suy dinh dưỡng, còi cọc. Hơn nữa, việc chỉ ăn các thực phẩm được xay nhuyễn liên tục khiến các bé khó khăn khi hòa nhập với môi trường nhà trẻ, cũng như dễ bị giảm cân giai đoạn mới nhập học.
Còn theo bác sĩ Lê Thị Hải (Trưởng phòng khám và tư vấn Viện Dinh dưỡng Quốc gia), bé 3 tuổi mà mới ăn cơm sẽ khiến phần hàm của bé ít được vận động. Hậu quả là xương hàm kém phát triển. Cung hàm hẹp sẽ không đủ chỗ cho các răng khôn mọc sau này, dẫn đến tình trạng răng mọc lệch.
Khi bé không thích ăn cơm
Một trường hợp phổ biến mà các bà mẹ thường mắc phải là tỏ ra căng thẳng khi bé không thích ăn cơm, chỉ thích ăn mì gói, bún... Theo bác sĩ Hương, không nên để không khí gia đình quá căng thẳng vì bữa ăn của bé, để bé tự lựa chọn thứ mà mình thích. Nếu bé không thích ăn cơm, có thể cho bé ăn các món khác cơm nhưng vẫn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Ví dụ bé thích ăn mì gói thì có thể thêm chả, trứng, xúc xích để đảm bảo chất đạm, sau đó cho bé ăn thêm rau, hoa quả.
Bác sĩ Hương cũng khuyến cáo, cần kiên trì dỗ bé ăn một ít cơm trước rồi mới cho bé ăn món bé thích sau để duy trì thói quen ăn cơm. Ngoài ra, khi bữa chính của bé không phải là cơm, cần bổ sung sữa, các chế phẩm từ sữa, các món ăn vặt... sau đó để bé nhận đủ chất dinh dưỡng. Bữa ăn chính của bé nên trong khoảng thời gian 30-40 phút.
Theo mevabe