Sức khoẻ
   8 triệu chứng ở trẻ nếu chủ quan là nguy hiểm tính mạng
 

Khi trở thành cha mẹ, nghĩa là bạn phải kiêm luôn vai trò bác sỹ cho con, phải học cách bắt bệnh mỗi khi trẻ có triệu chứng sức khỏe bất thường, từ cái hắt hơi, sổ mũi hay cơn ho, đau bụng... Bạn cũng phải biết cách xử lý những tình huống thông thường và đặc biệt phải nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm của trẻ để đưa đến bác sỹ kịp thời.


1. Đau bụng
Trẻ lớn xuất hiện đau bụng phía dưới, bên phải hoặc đột nhiên đau quặn bụng... thì mẹ hãy bảo trẻ thử nhảy lên xuống, nếu thấy đau hơn khi làm vậy thì đó có thể là dấu hiệu đau ruột thừa. Nếu trẻ nhỏ bị đau bụng thất thường, lúc thì quặn thắt lúc lại không sao, đó có thể là dấu hiệu của chứng lồng ruột - một loại rối loạn nghiêm trọng ở trẻ nhỏ khi các đoạn ruột bị vướng vào nhau.


Xử trí: Trong cả hai trường hợp trên đều phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị kịp thời.


2. Da trẻ xuất hiện các ban bất thường
Trên da trẻ xuất hiện những nốt mẩn theo các xoáy tròn, có những đốm nhỏ li ti không biến mất khi ấn lên da, hoặc xuất hiện các vết bầm lớn thì cần cho trẻ đi khám vì đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm như rối loạn đông máu.


Nếu tự nhiên trên da lại xuất hiện ban lớn đa hình thái, thường hơi sưng lên và ngứa có thể là dấu hiệu dị ứng. Ngoài ra trẻ có thể kèm sưng môi hoặc khò khè khó thở... cần nhanh chóng cho trẻ gặp bác sĩ để điều trị và tìm hiểu nguyên nhân.


Xuất hiện nốt ruồi mới hoặc hình dạng nốt ruồi cũ thay đổi: Hãy chú ý kiểm tra da của trẻ thật kỹ khi tắm và hỏi ý kiến bác sĩ khi nốt ruồi bỗng "biến hình" hoặc sưng lên... vì đó có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư da.


3. Môi tím tái

Bác sỹ nhi khoa Carrie của Trung tâm y tế Đại học Rush ở Chicago cho biết: Nếu thấy môi trẻ chuyển từ màu đỏ sang tím tái, hoặc trong lưỡi có chất nhầy xuất hiện thì đó là biểu hiện của tình trạng thiếu ô xy ở trẻ.


Xử trí: Khi con có hiện tượng này, bạn cần gọi xe cấp cứu càng sớm càng tốt.


4. Khó thở
Trẻ khỏe mạnh bình thường có hơi thở đều. Nếu trẻ có triệu chứng thở khó, nặng nề, trẻ bắt đầu sử dụng cơ ngực của mình thay vì mũi thì đó là dấu hiệu của sự bất thường trong đường thở, mà cụ thể là chứng suy hô hấp hay khó thở thanh quản. Hầu hết trẻ bị khó thở thanh quản đều có những dấu hiệu như hít thở khó, thở chậm, nghe có tiếng rít thanh quản khi thở, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp nhất là tình trạng lõm ức và rút lõm lồng ngực.


Bên cạnh đó trẻ còn có những triệu chứng khác như khàn tiếng hay mất tiếng khi nói, ho, khóc. Đầu trẻ thường bị gật gù khi thở và hay bị ngửa ra sau trong thì hít vào. Nếu quan sát thì sẽ thấy sụn thanh quản nhô lên khi hít vào, mặt trẻ bị nhăn lại, hai cánh mũi nở rộng.


Xử trí: Trong trường hợp này, cha mẹ nên gọi bác sỹ nhi khoa ngay lập tức hoặc nhanh chóng đưa trẻ đến phòng cấp cứu.


5. Sốt 38 độ C (hoặc trên 100.4F)
Trẻ em thường hay bị sốt do các bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn và ngay cả khi mọc răng. Tuy nhiên, khi cơn sốt trên 38 độ C tấn công trẻ thì cần lưu ý.


Nếu con bạn dưới hai tháng tuổi có triệu chứng sốt cao trên 38 độ C thì bạn cần phải đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Vì đây có thể là dấu hiệu ban đầu của nhiều loại bệnh. Nhẹ thì có thể bé bị cảm lạnh nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu bé bị viêm màng não. Còn khi trẻ đã trên 2 tuổi, sốt là bệnh lý phổ biến nên bạn không cần quá lo lắng nếu thấy bé không mất nước và không có biểu hiện bất thường.


Xử trí: Đối với trẻ dưới 2 tháng, khi bị sốt, cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt và đưa đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân gây sốt. Với trẻ đã trên 2 tuổi, hãy dùng thuốc hạ nhiệt như paracetamol với liều 10mg/kg/1 lần và 4-6 tiếng sau có thể nhắc lại. Nếu trẻ không hạ sốt dù đã uống thuốc, hoặc sốt kéo dài hơn 5 ngày, hãy đi khám tại các cơ sở y tế vì khả năng bị nhiễm khuẩn cao.


Trường hợp đặc biệt nguy hiểm, khi trẻ sốt và kèm theo xuất hiện các ban giống như vết bầm tím hoặc đốm nhỏ hình sao thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não, viêm não do mô cầu. Bệnh này rất nguy hiểm đến tính mạng vì diễn biến nhanh và nặng.


6. Vàng da

Không phải tất cả các bệnh vàng da đều nguy hiểm. Đây là triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh, xảy ra ở 9% số trẻ đủ tháng (ở trẻ sinh non, tỷ lệ vàng da là 30%). Vàng da sinh lý xuất hiện tròng vòng 1 tuần sau khi trẻ ra đời không nguy hiểm, thường tự mất sau một thời gian ngắn, tuy nhiên vàng da bệnh lý có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.


Vàng da sinh lý là hiện tượng sinh lý bình thường, xảy ra do các hồng cầu của thai nhi bị phá hủy để được thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Khi hồng cầu bị vỡ, một lượng lớn Bilirubin - một chất có sắc tố màu vàng - được phóng thích vào máu, làm cho trẻ bị vàng da. Đa số các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh đều nhẹ và tự khỏi sau 7-10 ngày, khi chất Bilirubin được đào thải hết qua phân và nước tiểu.


Tuy nhiên, có một số trường hợp vàng da nặng do chất Bilirubin tăng quá cao và thấm vào não (y học gọi là vàng da nhân). Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể làm cho trẻ bị hôn mê, co giật, dẫn đến tử vong hoặc di chứng về tâm thần vận động vĩnh viễn.


Xử trí: Khi trẻ bị vàng da, hầu hết các bác sỹ sẽ tư vấn cho các bà mẹ cho con bú thường xuyên hơn để cơ thể bé đào thải những bilirubin dư thừa thông qua phân và nước tiểu. Nên cho trẻ đi khám sớm để có hướng điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ đặt trẻ dưới ánh đèn tia cực tím (UV) hay còn gọi là liệu pháp quang tuyến (phototherapy) để giúp cơ thể trẻ bẻ gãy bilirubin. Nếu sau bước này, bilirubin vẫn tăng cao thì các bác sỹ sẽ phải áp dụng phương pháp truyền máu cho trẻ.


7. Mất nước
Trường hợp trẻ tè ít, tè không ướt tã thì đó là dấu hiệu trẻ bị thiếu nước, mất nước. Theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ sơ sinh dưới 6 ngày tuổi mỗi ngày phải thay tã ít nhất 6 lần. Ngoài dấu hiệu nói trên, việc mất nước ở trẻ sơ sinh còn thể hiện ở chứng khô môi, khô miệng, mắt trũng, thờ ơ, đờ đẫn thiếu tập trung.


Xử trí: Trong trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cho trẻ bú bình thường, bổ sung thêm chất điện giải (Orezol). Không nên cho trẻ uống nước thường vì lúc này nước thường có thể làm giảm hàm lượng natri, có thể gây co giật. Nếu mất nước nhiều cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.


8. Ho có kèm mật xanh
Trong một số trường hợp, trẻ ho, khóc quá nhiều, hoặc thậm chí ăn nhiều là biểu hiện bất thường của dạ dày, hệ tiêu hóa, nhất là khi ho kèm theo mật xanh, hoặc có màu nâu đen giống như cà phê. Các chuyên gia nhi khoa cảnh báo, ho ra mật xanh là dấu hiệu bị lồng ruột, ruột bị tắc, còn nôn mửa có màu như bã cà phê là hiện tượng xuất huyết nội.


Xử trí: Nôn mửa sau khi chấn thương não cần phải khám và đánh giá ngay vì đây là dấu hiệu bất thường, ngoài ra nếu chấn thương sọ não không kèm theo nôn mửa cũng phải đưa đi bác sĩ ngay, tuy nhiên phần lớn là bình thường, không nên quá lo lắng, bác sĩ sẽ khám và đưa ra những quyết định cụ thể nhất.


Theo Trí thức trẻ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bạn có thể làm gì khi con bị viêm mũi họng? (30/7)
 Trẻ em cũng dễ bị đái tháo đường (30/7)
 4 sai lầm thường gặp trong bữa sáng của bé (29/7)
 Ứng phó với những thương tích nhỏ của con – Phần cuối (29/7)
 Xử lý thói xấu khi ăn của trẻ (26/7)
 Mẹ nên cân nhắc khi cho con dùng bàn chải đánh răng điện (26/7)
 7 sai lầm nấu bột và cho bé ăn (18/7)
 8 quy tắc tập ăn dặm mẹ nào cũng phải biết (18/7)
 Thêm 11 cách thú vị để mẹ dỗ bé nín khóc (17/7)
 Dạy trẻ ngồi bô: Chỉ cần một ngày! (17/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i