Sau vụ ba trẻ tử vong sau khi tiêm vacxin tại Quảng Trị đã khiến rất nhiều bậc phụ huynh do dự cho bé đi tiêm phòng.
Chị Ngọc (Khương Trung, Hà Nội) mấy hôm nay lo lắng vô cùng và quyết định hoãn tiêm cho bé Bông dù bé được 4 tháng và nếu theo đúng lịch bé phải tiêm mũi Viêm gan B, viêm màng não mủ. Chị tâm sự: "Tôi rất lo và không biết phải làm gì nếu con mình cũng rơi vào trường hợp sốc sau khi tiêm?"
Việc tiêm phòng vacxin cho mọi người, đặc biệt cho trẻ nhỏ là một hành động vô cùng quan trọng, tiêm phòng là biện pháp vừa rẻ tiền lại vừa giúp cơ thể khỏe mạnh, chúng có tác dụng phòng bệnh và bảo vệ cho những người có thể mắc bệnh. Ai cũng biết phòng bệnh hơn chữa bệnh, tuy nhiên sau vụ ba trẻ tử vong sau khi tiêm vacxin tại Quảng Trị đã khiến rất nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng.
Mặc dù nguyên nhân mấu chốt còn chưa rõ thế nào, song có rất nhiều ý kiến của chuyên gia đưa ra, họ cho rằng đây là dấu hiệu trẻ bị sốc phản vệ sau khi tiêm vacxin.
Ai cũng biết phòng bệnh hơn chữa bệnh tuy nhiên sau vụ ba trẻ tử vong sau khi tiêm vacxin tại Quảng Trị đã khiến rất nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng.
Vậy sốc phản vệ là gì?
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng đặc biệt nghiêm trọng có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng trẻ. Nó xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bé nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà bé tiếp xúc, được tiêm vào người.
Khi hiện tượng này xảy ra, toàn bộ cơ thể của bé sẽ bị ảnh hưởng, thường sẽ kéo dài trong vòng vài phút. Khi hệ thống miễn dịch của bé tiếp xúc với các chất gây dị ứng, cơ thể bé sẽ kích thích sản xuất một chất có tên là histamine và các hóa chất khác với số lượng lớn. Điều này khiến cơ thể của bé bị sốc, hiện tượng này gồm nhiều triệu chứng và đôi khi đe dọa đến tính mạng trẻ.
Nguyên nhân phổ biến nhất của sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh và trẻ em là qua thực phẩm , chẳng hạn như bé ăn đậu phộng , các loại hạt khác, sữa, cá, động vật có vỏ hoặc trứng; và qua thuốc như thuốc kháng sinh, ong bắp cày đốt, cao su... Số ít mới bị sốc phản vệ khi tiêm phòng và trường hợp của 3 bé ở Quảng Trị rơi vào thiểu số này.
Triệu chứng
Khó thở, thở khò khè hoặc thở nặng
Mạch nhanh.
Đổ mồ hôi
Chóng mặt, ngất xỉu hoặc bất tỉnh ngay tại chỗ
Buồn nôn, nôn mửa , đau bụng và tiêu chảy dữ dội
Da biến sắc, xanh xao, nhợt nhạt
Các chuyên gia y tế nhận định tuy sốc phản vệ dẫn tới nguy cơ tử vong là không cao song cha mẹ đặc biệt lưu ý cảnh giác bởi nếu trẻ bị sốc phản vệ nặng thì rất nguy hiểm.
Sau vụ ba trẻ tử vong sau khi tiêm vacxin tại Quảng Trị đã khiến rất nhiều bậc phụ huynh do dự cho bé đi tiêm phòng (Ảnh minh họa)
Làm gì nếu con bị sốc phản vệ?
Nếu con bị sốc phản vệ, bạn càng hành động nhanh bao nhiêu, con càng khỏi nhanh, giảm thiểu những ảnh hưởng tới sức khỏe của con. Nếu không xử lý kịp thời, trong một vài trường hợp không may trẻ dễ gặp nguy hiểm tới tính mạng.
Bạn hãy đưa con tới ngay bệnh viện nếu thấy con khó thở, dễ bị kích thích hoặc hôn mê sâu. Cố gắng giữ bình tĩnh bé bằng cách nói chuyện với bé liên tục. Nếu sốc phản vệ được điều trị kịp thời, hầu hết trẻ em phục hồi hoàn toàn và không có biến chứng lâu dài .
Bé cần đặt nằm nghiêng trái và các chuyên gia y tế sẽ tiến hành cho bé thở oxy, truyền thuốc qua đường tĩnh mạch và làm vài thủ thuật cơ bản để giúp bé khôi phục lại trạng thái bình thường. Bé sẽ cần ở lại cơ sở y tế trong ít nhất 24 giờ đồng hồ để các bác sĩ theo dõi và thăm khám một cách cẩn thận nhất. Tại bệnh viện, bé sẽ được làm các xét nghiệm để biết chính xác nguyên nhân xảy ra dị ứng, hiện tượng sốc phản vệ này là do đâu.
Thêm những lưu ý khi cho bé đi tiêm phòng
Khi đưa con tới cơ sở y tế tiêm chủng, cha mẹ cho bé ăn mặc thật đơn giản, tránh rườm rà, ủ ấm nhiều tầng lớp để giúp các chuyên gia thao tác nhanh, chính xác. Trước khi tiêm, không cho bé ăn, bú sữa quá no, cũng không để bé quá đói dẫn tới tình trạng kiệt sức, hạ huyết áp sau khi tiêm.
Sau khi bé được tiêm vacxin, cha mẹ cần theo dõi bé để biết chắc chắn con vẫn khỏe mạnh, không gặp vấn đề gì, thông thường nên quan sát con khoảng 30 phút vì bình thường nếu con bị sốc, tai biến thì sau khi tiêm khoảng 7 - 10 phút là bé sẽ có những biểu hiện bất thường.
Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử đã bị sốc phản vệ phải được tư vấn và hướng dẫn để có thể nhận biết được các dấu hiệu sớm của sốc phản vệ và có những biện pháp can thiệp kịp thời.
Đối với trẻ em đã có hiện tượng sốc phản vệ nhẹ với lần tiêm đầu thì những lần tiêm tiếp theo, cha mẹ cần thông báo điều này với các chuyên gia y tế để đưa ra một phác đồ tiêm hợp lý, hiệu quả, an toàn cho bé.
Bậc phụ huynh nên đưa con tới bệnh viện lớn để tiêm, tại đây dưới sự theo dõi cẩn thận của các bác sĩ, bé sẽ dễ dàng được xử lý sớm nếu gặp lại hiện tượng này.
Tuyệt đối không đưa bé ốm sốt, bé vừa khỏi bệnh đi tiêm, cha mẹ cần cho bé hoãn tiêm để hồi sức, khi nào bé hoàn toàn khỏe mạnh, cha mẹ hãy nên cho bé đi tiêm.
Về nhà, bậc phụ huynh nên tiếp tục theo dõi con, chườm mát vết tiêm sau khi bé tiêm, cho bé uống nhiều nước lọc, bú mẹ nhiều hơn.
Đến ngay bệnh viện, sở y tế nếu bé có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Theo Afamily