Tiêu chảy cấp là một trong số loại bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, tử vong cao nhất ở bé còn nhỏ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, mùa nào bé cũng có thể bị đe doạ bởi bệnh tiêu chảy cấp, nhưng tỷ lệ phát sinh bệnh cao nhất là mùa hè. Bé bị tiêu chảy rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không được sơ cứu kịp thời.
Khi bị tiêu chảy, nếu bé có những biểu hiện như: Mất nước, mắt hõm sâu, miệng khô, khát nước, khóc không thấy nước mắt, tiểu tiện ít, không muốn ăn và uống nước, nôn mửa nhiều lần, trong 1-2 tiếng đồng hồ đại tiện ra nước nhiều lần, trong phân có máu thì ngay lập tức phải đưa đến viện cấp cứu vì bé đang bị đe doạ tính mạng.
BS. Hoàng Lê Phúc - Trưởng Khoa Tiêu Hoá BV Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh tiêu chảy thường là do bé bị nhiễm virus hoặc vi trùng trong đường ruột. Nếu bé bị tiêu phân lỏng, không có máu thì thường bệnh kéo dài trung bình 5-7 ngày, sau đó tự giới hạn. Tuy nhiên trong giai đoạn bé đi ngoài nhiều, có thể gây mất nước và muối. Điều này rất nguy hiểm, bé sẽ nhanh chóng bị khô kiệt, thậm chí có thể tử vong nếu không được bù nước thích hợp và kịp thời.
Để tránh bị mất nước, cho bé uống thêm nhiều nước đun sôi để nguội, nước khoáng, nước dừa tươi, tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp có nhiều đường, quá ngọt. Có thể dùng dung dịch ORS, nhưng chỉ uống sau tiêu chảy, theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Cần cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần. Vì bệnh lây qua đường phân - miệng nên để phòng ngừa tiêu chảy cần chú ý giữ vệ sinh ăn uống, bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và kéo dài đến 18-24 tháng.
Không nên cho bé bò lê trên sàn nhà, không nên ngậm tay hoặc ngậm đồ chơi, nên cho bé ăn uống bằng cốc, chén, thìa để dễ vệ sinh, nếu bú bình cần vệ sinh bình kỹ trước mỗi lần bú.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khuyến cáo, với bé còn đang bú mẹ, nên tăng thêm số lần cho con bú. Nếu bé mệt, không muốn bú mẹ thì tốt nhất là vắt sữa vào một cốc sạch (đã khử trùng) rồi cho con uống sữa đó.
Tuy nhiên, người mẹ không được kiêng khem dầu, mỡ (sợ truyền sang con) vì thức ăn của người mẹ có mỡ sẽ làm tăng hấp thu vitamin A,D,E,K. Vì vậy, thành phần của sữa sẽ không thiếu các vitamin này, nhất là vitamin A. Vitamin A làm tăng sức đề kháng của niêm mạc đường tiêu hoá, giúp tiêu chảy ở bé khỏi nhanh. Trong sữa mẹ năng lượng do mỡ tạo ra chiếm khoảng 50%. Vì vậy, nếu người mẹ kiêng mỡ sẽ thiếu năng lượng, dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng.
Những bé tiêu chảy không mất nước có thể điều trị tại nhà và tái khám theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Bé cần được theo dõi số lần, số lượng, màu sắc phân, khả năng uống bù nước và ăn uống.
Cần đưa bé đến tái khám tại cơ sở y tế khi bé có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao liên tục, co giật (làm kinh), nôn nhiều, không ăn uống được, chướng bụng, tiêu phân có máu hoặc khi cha mẹ thấy bé nặng hơn (vì tiêu chảy có thể là biểu hiện của một bệnh khác nặng hơn ở ngoài đường tiêu hóa).
BS. Hoàng Lê Phúc khuyến cáo, tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy ở bé. Tiêu chảy đa phần là do nhiễm trùng ở đường ruột, tiêu phân lỏng cũng là cách bảo vệ cơ thể giúp thải trừ vi trùng, chất độc. Hơn nữa, điều trị chính bệnh tiêu chảy là phòng mất nước; bù nước và muối nếu bé đã mất nước. Các thuốc cầm tiêu chảy là những loại thuốc làm giảm nhu động ruột, liệt ruột làm phân không được thải ra ngoài, bé vẫn bị "tiêu chảy" nhưng phân không bài xuất ra ngoài được, ứ lại trong ruột gây chướng bụng, viêm ruột, thậm chí làm tắc ruột, thủng ruột, tử vong.
Theo Mẹ Yêu Con