Háo hức, hồi hộp, lo lắng cho bước khởi đầu không chỉ là tâm trạng của trẻ nhỏ mà còn là mối quan tâm chung của cha mẹ có con chuẩn bị vào "đại học chữ to". Tuy nhiên, "hành trang" cho trẻ vào lớp 1 nên "nhỏ gọn", để phù hợp với sức vóc của trẻ mới qua lớp mầm non.
Tốt nghiệp mẫu giáo, trẻ đã được trang bị đủ kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng vào lớp 1 (Ảnh: KT)
Kiến thức giản đơn
Những bài học đầu tiên của trẻ ở trường mầm non là qua các bài đồng dao, bài thơ, bài hát có tiết tấu vui tươi, ngộ nghĩnh, tình cảm, bé thích và nhớ nhanh. Trường mầm non là nơi trẻ làm quen với ngôn ngữ văn học, nghệ thuật.
Ở trường mầm non, trẻ được học cách hoà đồng với các bạn, biết giữ yên lặng trong giờ ngủ trưa, biết cảm ơn, xin lỗi... Những bài học về nền nếp sinh hoạt, sự tự lập và mối quan hệ trong môi trường tập thể sẽ góp phần hình thành nhân cách của trẻ.
Với trẻ ở lứa tuổi mầm non, hoạt động nghệ thuật đồng nghĩa với sự thể nghiệm cảm giác: đất sét dẻo bao nhiêu thì nặn được, vòng cổ tay cầm bút sao cho khéo để ra hình tròn... Thông qua tạo hình, trẻ em học lập kế hoạch hành động: quyết định sẽ làm gì, dùng vật liệu nào, sắp xếp các chi tiết ra sao...
Khi vào lớp 1, trẻ đã có các kiến thức cơ bản, bé háo hức học hỏi, ham tìm tòi, và điều quan trọng nhất là bé tự tin, biết lắng nghe và làm theo cô, biết tập trung chú ý.
Ở bậc mầm non, trẻ 5 tuổi đã được nhận diện, làm quen với 29 chữ cái và các số tự nhiên từ 0 đến 10.
Đó là những "kiến thức" trẻ đã được trang bị ở trường mẫu giáo. Bấy nhiêu thôi là các bậc phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm cho trẻ vào lớp 1.
Tinh thần vững vàng
Cô Thu Dung (tỉnh Thái Bình), với kinh nghiệm 15 năm đón học sinh vào lớp 1 cho biết: Điều dễ nhận thấy nhất là việc thay đổi môi trường giữa hai bậc học sẽ làm cho một số trẻ sợ sệt, tâm lý bất ổn.
Vài tuần đầu, cô và trò chủ yếu dành thời gian để làm quen, tạo mối quan hệ tin cậy sau đó mới đến những kiến thức định hình cơ bản, đơn giản về dòng li, đường kẻ, cách đặt bút...
Vấn đề cốt lõi để trẻ có được khởi đầu hoàn hảo là cuộc chiến tâm lý. Khi đã hiểu được tâm tư của trẻ, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng, tạo đà cho việc làm quen với các kiến thức.
Cô Nguyễn Thị Hương - Hiệu phó trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) - khẳng định: Những trẻ chưa qua các "lò luyện" trước lớp 1, có thể trong 2 tháng đầu việc tiếp thu kỹ năng, tốc độ viết hơi chậm so với những bạn đã học trước nhưng hoàn toàn không phải do con học kém.
Cha mẹ không nên tạo áp lực về điểm số làm cho trẻ hoang mang, lo lắng về sự chậm chạp của mình. Hãy là bạn của con, lắng nghe, chia sẻ để trả lời những thắc mắc, tạo tâm lý vững vàng, ổn định và động viên con tiến bộ. Hãy luôn cùng con nỗ lực và chờ đợi kết quả sau năm học đầu tiên của con.
Cùng con học lớp 1
Một trong những việc quan trọng mà cha mẹ nên làm thường xuyên trong suốt quá trình học tập của con, đặc biệt quan trọng đối với những ngày trẻ mới vào lớp 1 là trao đổi kịp thời với giáo viên chủ nhiệm để hiểu hơn, có hướng phù hợp để giúp con vượt qua các khó khăn.
Các giáo viên tiểu học cho rằng, nếu như không yên tâm, phụ huynh có thể dành khoảng 30 phút mỗi ngày để dạy cho con những kiến thức cơ bản. Ngoài những cuốn tập tô giúp tay trẻ cử động một cách mềm mại, uyển chuyển, cha mẹ còn có thể tìm những cuốn sách dành cho giáo viên lớp 1 để biết những hướng dẫn chính xác về từng nét chữ, cách ghép vần...
Tư thế ngồi học và cách cầm bút là bài học quan trọng cho trẻ. Khi đã sử dụng bút viết nhuần nhuyễn và tạo lập được thói quen học bài thì việc thu nạp kiến thức và các kỹ năng lớp 1 sẽ trở thành niềm say mê mới của trẻ.
Các bậc phụ huynh hãy yên tâm rằng, khi tốt nghiệp mẫu giáo, trẻ đã có đủ kiến thức để theo đà vào lớp 1. Đừng đầu tư qua mức vào việc "nhồi", "luyện" dẫn tới tình trạng có thói quen học sai phương pháp làm cản trở việc tiếp thu điều cô dạy, để lại những thói quen xấu trong hoạt động trí tuệ của các bé.
Theo các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi này trẻ dễ bắt nhịp, làm quen được với cô, với bạn và môi trường mới nếu được khơi gợi và chỉ dẫn đúng cách.
Hiện nay, áp lực chủ yếu khi trẻ vào lớp 1 lại tập trung về phía người lớn. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ hãy dành thời gian tìm hiểu và chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho con gia nhập môi trường mới.
Theo GD&TĐ