Bác sĩ Lê Phương cho biết, việc bổ sung dầu mỡ trong chế độ ăn của bé là rất quan trọng để cơ thể bé có thể hấp thu được các vitamin như: A, D, E, K...
Hiện tại cân nặng của bé nhà bạn đang dưới mức bình thường nhưng chưa đến ngưỡng được coi là suy dinh dưỡng. Tuy nhiên nếu tình trạng bé chậm tăng cân kéo dài sẽ dẫn tới suy dinh dưỡng, làm chậm phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ.
Nguyên nhân khiến bé nhà bạn chậm tăng cân có thể là do cháu dùng kháng sinh liều cao dài ngày, cũng có thể bạn chưa cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày của cháu. Ngoài ra việc dùng kháng sinh dài ngày cũng làm chậm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của bé vì kháng sinh làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột của bé. Bạn có thể đưa bé đi thăm khám bác sĩ để nhận được sự tư vấn tốt nhất để cải thiện tình hình.
Nếu việc bé chậm tăng cân là do chế độ ăn chưa hợp lý thì bạn có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng cho bé như sau:
- 3-4 bữa chính có thể là bột hoặc cháo nhưng phải đủ 4 nhóm chất bao gồm: chất bột (gạo, đỗ, mỳ...), chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng...), chất béo (dầu ăn, mỡ), vitamin và chất khoáng (các loại rau, củ). Bạn lưu ý nhóm chất béo cần được cung cấp đủ, việc thiếu chất béo cũng dẫn tới việc hấp thu một số các vitamin (A, D, E, K) bị hạn chế, vì đó là các vitamin tan trong dầu.
- 2-3 bữa phụ bao gồm: sữa, sữa chua, súp, bún, phở, bánh ngọt... thay đổi để bé không bị chán. Lứa tuổi này nguồn cung cấp năng lượng từ sữa vẫn rất quan trọng, mỗi ngày bạn nên cho bé bú khoảng 500-600ml sữa (có thể gồm sữa mẹ, sữa ngoài, sữa chua...).
- 1-2 bữa hoa quả hoặc nước hoa quả.
Ở tuổi này, bé đã có thể chuyển sang ăn bột đặc hoặc cháo đặc. Bé bắt đầu tập đứng, đi... do đó bạn hãy giúp bé ăn tốt để cứng cáp hơn.
Theo afamily