Những hướng dẫn cho ăn này có ích cho mọi đứa trẻ, nhưng đặc biệt quan trọng với trẻ ăn quá ít nhiều hay ăn quá nhiều.
Ảnh: Getty images
1. Học cách phân biệt giữa đói và no
Để khắc phục tình trạng ăn uống thất thường, bất thường bạn hãy lập thời gian biểu khoa học với giờ ăn chính và ăn vặt điều độ, cách nhau ít nhất 3-4 tiếng, và không ăn hay uống gì giữa các bữa ăn ngoài nước lọc. Khi chỉ được phép ăn vào đúng bữa, các bé sẽ bắt đầu có cảm giác đói, và phân biệt được với cảm giác no ở cuối mỗi bữa ăn. Bé cũng sẽ học được người ta chỉ ăn khi "có cảm giác đói ở bụng", chứ không phải bất cứ khi nào thấy có thức ăn ngon lành.
Bạn có thể áp dụng chế độ ăn sáng vào khoảng 7-8 giờ, ăn trưa khoảng 12 giờ, ăn xế khoảng 15 giờ và ăn tối khoảng 18.30 hay 19 giờ. Nhưng trước khi áp dụng, hãy nhớ giải thích kỹ cho con để bé biết điều gì sắp xảy ra, chuẩn bị tinh thần cho con là sẽ không có bim bim giữa các bữa chính và bữa xế nữa, và chính cha mẹ cũng cần chuẩn bị tinh thần để bảo đảm nghiêm túc theo kế hoạch, nhất là trước những áp lực năn nỉ và ăn vạ của con.
Trẻ cần nhận được thông điệp rõ ràng là chỉ được ăn trong bữa chính và bữa xế, ngoài ra không được ăn linh tinh!
2. Nhận ra được cảm giác no và giảm tốc độ ăn
Cha mẹ đừng hạn chế con trong bữa ăn mà hãy cho bé ăn từng ít một cho tới khi bé nhận ra dạ dày đã no. Bạn hãy múc cho con từng phần nhỏ, rồi cho bé tự múc thêm 2-4 lần, bé sẽ ăn chậm lại. Trước khi lấy thêm thức ăn cho bé, cha mẹ nên hỏi: "bụng con còn đói hay đã thấy no rồi?" để bé hướng sự chú ý vào dạ dày của mình và "kiểm tra" xem cảm giác ở đó ra sao. Cha mẹ cũng nên bình luận về cảm giác đói, no của chính mình, thay vì nói, "Cha/mẹ ăn xong rồi" thì nên tập làm mẫu cho con bằng cách nói "cha/mẹ no rồi". Làm như vậy sẽ tập cho bé nhận thức rõ hơn về cảm giác đói và no.
Quá trình "học no" này có thể mất một thời gian, nhưng cũng có thể chỉ cần vài ngày là bé đã biết được khi nào cần ngừng ăn rồi!
3. Học ăn những thức ăn ngon từng tí một
Không dùng đồ ăn vặt và đồ ngọt ra để dụ dỗ con, nhưng thỉnh thoảng có thể cho những món này thành một phần của bữa ăn bình thường, cho con muốn ăn trước nếu thích. Đây là một thử thách lớn, nhưng cần thiết cho cả trẻ nhỏ và cha mẹ.
Tình trạng béo phì đã tăng lên không chỉ ở những nước phương Tây mà cả ở châu Á do ngày càng sẵn những thức ăn vặt ngon lành, đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm giàu đường và mỡ, bánh kẹo ngọt... Cha mẹ cho con bánh kẹo như một cách thể hiện tình yêu thương, hay coi như phần thưởng, và niềm vui sướng đối với trẻ con thường được quy đồng với một buổi đi ăn kem hay ăn gà rán. Tất cả những thói quen này đã trở thành một phần của văn hóa, của cuộc sống, đến nỗi cha mẹ không ý thức được cái thông điệp mà họ trao cho đứa trẻ khi làm thế, và vì sao lại có quá nhiều đứa trẻ nghiện đồ ngọt.
Từ khi còn rất bé, trẻ con đã hình thành mối liên hệ mạnh mẽ giữa thực phẩm chúng ăn với những trải nghiệm về cảm xúc. Việc cho bé ăn bánh kẹo để thể hiện tình cảm của chúng ta đã khiến đồ ngọt càng ngọt hơn, và việc giữ món tráng miệng lại cho tới khi bé ăn xong thức ăn lành mạnh là chính ta đã "hạ giá" thức ăn lành mạnh trong nhận thức của bé. Thay khi đó, nếu món tráng miệng chỉ được coi như bất kỳ món nào khác trong bữa ăn, bé sẽ không còn đánh giá quá cao món tráng miệng nữa, và học được cách ăn đồ tráng miệng ngọt một cách điều độ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần giới hạn lượng tráng miệng cho con ăn. Nếu bé đòi thêm, cha mẹ có thể nói, "bữa nay chúng ta chỉ có thế thôi, con sẽ lại được ăn tráng miệng vào bữa khác."
4. Học tự dỗ mà không cần sự giúp đỡ của thức ăn
Trong tuổi tập đi, trẻ nhỏ cần học cách điều hòa ăn, ngủ và cảm xúc. Đây là khoảng tuổi mà các bé dễ dàng nổi cơn tam bành khi mọi việc không như ý, và cũng là khoảng tuổi mà cha mẹ cần dạy cho con hiểu một số hành vi là không chấp nhận được. Tùy theo tính nết của đứa trẻ, tuổi này có thể là một giai đoạn vô cùng thách thức. Nhiều bé chỉ cần cha mẹ nghiêm giọng, "Không làm thế!" là đã biết dừng ngay một hành động "hư hỏng"; nhưng cũng có những bé khác lại thích "thử" xem giới hạn đến đâu, thậm chí sau nhiều lần cảnh cáo vẫn dám nhìn thẳng vào mắt cha mẹ và tiếp tục làm điều chúng thích.
Những năm đầu đời rất quan trọng để giúp một đứa trẻ phân biết được giữa "cảm giác đói ở bụng" với những nhu cầu tình cảm. Cha mẹ cần cho con ăn vào đúng bữa, khi chúng đói, chứ không nên cho bé bình sữa hoặc thức ăn vào những lúc khác chỉ để xoa dịu cảm xúc. Bé có thể khổ sở và nổi cơn tam bành khi cha mẹ không nhượng bộ, nhưng các bé cần học cách tự dỗ mình mà không cần thức ăn.
5. Học xem TV hay đi xem phim mà không ăn
Kết hợp ăn với xem TV lâu nay đã trở thành thú tiêu khiển rất phổ biến, có vẻ như ai cũng làm vậy, và có vẻ như không ai thắc mắc liệu điều ấy có nên không. Bắp nổ và coi phim đã gắn chặt với nhau đến nỗi nhiều đứa trẻ cho rằng phải có bắp nổ hay bim bim thì mới gọi là thưởng thức bộ phim được trọn vẹn. Nhưng cha mẹ cần biết: đứa trẻ vừa ăn vừa xem một bộ phim lý thú sẽ không thể để ý mình đã no hay chưa, và có thể sẽ cứ tiếp tục ăn bất kể đói hay không cho tới khi hoặc là thức ăn hết, hoặc là phim hết.
Tốt nhất là không để hình thành những thói quen ăn uống không tốt khi con bạn còn nhỏ, vì càng lớn sẽ càng khó thay đổi.
Nguồn: Webtretho (tổng hợp)