Con nghỉ hè đồng nghĩa với việc không 'đùn' được cho các cô giáo cái nghĩa vụ quản lý trẻ nữa, trong khi các bà mẹ vẫn phải đi làm.
Kẻ mang lên cơ quan, người gửi tạm hàng xóm
6h30 sáng, Vân, cô em họ, gọi điện cho tôi, rụt rè thăm dò: "Hôm nay anh Bi nhà bác có ở nhà không?". "Có, nghỉ hè rồi, không ở nhà thì đi đâu!". "Vầng, thế em cho thằng Tít nhà em sang đó chơi với anh Bi cũng được đấy nhỉ". Thấy tôi OK, cô nàng thở phào một cái rõ to rồi mới thú thật: "May quá, không thì em chẳng biết mang nó đi đâu nữa". Tôi hỏi, sao không mang Tít lên cơ quan mẹ như mấy hôm trước, cu cậu ở đó cả ngày không kêu ca gì cơ mà. Vân giọng ỉu xìu: "Em mang nó lên cơ quan được 3 hôm, hôm qua bị sếp nhắc rồi, sợ xanh mắt".
Con trai Vân vừa học xong lớp 1. Cậu bé xinh trai và hoạt bát nên khi đến cơ quan mẹ, cô chú nào cũng thích. Ai cũng gọi nó lại chỗ mình ngồi hỏi han, xoa đầu xoa cổ, cho thứ nọ thứ kia. Thằng bé thích chí chạy tung tăng, ngó cái nọ một tí, sờ cái kia một tí. Ngay cả trưởng phòng của Vân cũng không phàn nàn gì, còn các chị em thì cứ dặn: "Mai chị lại cho nó lên nhé".
Thế nhưng không may, đến ngày thứ 3, sếp tổng gọi trưởng phòng của Vân lên nhắc nhở: "Chỗ làm việc chứ có phải công viên đâu mà cho trẻ con đến nghịch ầm ầm như cái chợ!". Trưởng phòng sợ quá, về nói nhỏ với Vân từ mai đừng đưa con lên nữa.
"Giá mà nó còn học mẫu giáo thì còn kiếm được các cô trông vào dịp hè, chứ giờ học cấp 1 rồi, có học thêm gì thì cũng chỉ vài tiếng đồng hồ, chả đưa đón được, để ở nhà một mình thì chưa đủ lớn, em bí quá", Vân than. Nghe nói tôi sắp cho con trai về quê chơi với ông bà nhân dịp nghỉ hè, Vân năn nỉ: "Chậm chậm ít hôm nữa đi bác. Thằng Bi còn ở đây thì em còn có chỗ gửi Tít chứ".
Bố mẹ đẻ Vân đều ở nước ngoài, bố mẹ chồng đã mất, osin thuê được mấy người đều bỏ việc, thế nên vợ chồng cô chẳng biết làm thế nào. "Khi không gửi Tít sang với Bi được nữa, em sẽ cho nó lên cơ quan bố nó, lúc nào sếp bên đấy ý kiến thì lại kiếm cách khác, được ngày nào hay ngày đấy", cô nói.
Bảo Thoa, cô nhân viên kế toán, nhà ở Thanh Xuân, Hà Nội, cũng đau đầu vì chuyện con nghỉ hè không ai quản. "Mấy hôm nay em gửi tạm sang nhà bác hàng xóm. Nhà bác ấy có mấy đứa trẻ con, chúng chơi với nhau cũng vui. Thế nhưng tối hôm qua lúc em đón thằng bé, bác ấy đã kêu mệt rồi. Tại thằng bé nhà em nghịch ngợm hiếu động quá, lúc nào cũng hò hét ầm ĩ, tay chân không yên lấy một phút. Sang đó, nó bày trò, kích động mấy đứa trẻ kia cùng nhảy nhót hò reo náo động cả lên, làm bác ấy định tai nhức óc, mệt còn hơn bị tra tấn".
Tuy ngại với bác hàng xóm và biết rằng gửi kiểu này không thể được dài ngày, nhưng vì chưa thu xếp được cách khác nên tạm thời Thoa vẫn phải "trơ mặt", tiếp tục gửi con. Giải pháp khắc phục được Thoa nghĩ đến là cho con đi học hè: tiếng Anh, võ thuật, mỹ thuật, cờ vua...
Thoa lắc đầu: "Thế nhưng cả hai vợ chồng em không thể ngày nào cũng bỏ việc giữa giờ đi đón con được, mà đón rồi thì đưa đi đâu khi bố mẹ chưa hết giờ làm, mang đến cơ quan thì làm phiền mọi người, mà đưa về nhà thì làm việc vào lúc nào nữa, cả ngày chỉ loay hoay những đưa với đón? Cho học nhiều lớp để kéo dài thời gian ư? Nếu nghỉ hè mà ngày nào cũng phải học 4 ca thì nó phát bệnh tâm thần là cái chắc".
Điệp khúc về quê
Với những cặp vợ chồng không có bố mẹ già ở gần để gửi con, việc cho con về quê dịp hè được coi là một mũi tên trúng nhiều con chim: bố mẹ không phải đau đầu chuyện tìm nơi gửi, ông bà được thỏa nỗi nhớ mong cháu, con cái được tung tăng vui chơi ở một không gian không nhàm chán, quen thuộc, được chiều chuộng, và mức độ thú vị càng tăng nếu có các anh em họ cùng lứa tuổi.
Anh Long, bố của cặp sinh đôi Gia Linh - Gia Hân, nói: "Mấy năm nay, từ lúc hai công chúa được 5 tuổi, việc chăm sóc chúng đã đơn giản hơn, cứ hè là tôi cho các con về Quảng Ninh quê nội, lúc nào đến lịch tập trung của nhà trường mới lên. Vợ chồng nếu có thời gian thì về thăm vào cuối tuần. Được cái hai đứa rất thích về quê, vì được chú nó đưa đi chơi suốt, ông bà thì mua cho đủ thứ đồ chơi".
Đó cũng là chương trình hằng năm của gia đình anh Việt, nhà ở Đống Đa, Hà Nội: "Thằng Cún nhà này năm nào cũng về nghỉ hè ở nhà nội 3 tuần, nhà ngoại 3 tuần là vừa đến ngày nhận lớp mới. Chia như thế, các ông bà hai bên khỏi tị nhau, mà Cún cũng đỡ chán. Ông bà mà chăm thì nhất rồi, lần nào nghỉ hè xong con cũng đen nhem nhẻm nhưng mà tăng cân, cao hẳn lên", anh nói.
Thế nhưng cái giải pháp hay ho này với chị Vinh lại không phải là tối ưu: "Nhà tớ chỉ mỗi bà nội còn sống, nhưng bản thân bà cũng đã trông ba đứa cháu ở quê, nhược hết cả người rồi. Giờ mà gửi hai đứa giặc này về thì có mà thảm họa. Đã thế con em lại còn nhõng nhẽo, lười ăn, bữa ăn nào cũng vừa nịnh vừa quát, khản hết cả cổ, bà chắc chắn không đủ sức khỏe và sự kiên nhẫn để cho nó ăn được".
Chị Vinh bảo, chị chỉ cho thằng con lớn về quê với bà nội thôi, vì nó đã học lớp 3, tự ăn uống tắm gội được, tính tình cũng dễ bảo, không làm phiền đến bà và các bác, chỉ cần được chơi với các anh là đủ. "Tóm lại là một đứa thì 'tống' về quê rồi, còn đứa nữa biết gửi đâu để đi làm bây giờ?", chị Vinh kêu. Chị ước, giá có ông bà ở ngay Hà Nội thì sướng biết mấy.
Ấy vậy mà có những cặp vợ chồng tuy có bố mẹ già ở ngay Hà Nội vẫn không dám gửi con, dù ông bà đã nhiệt tình mời mọc hẳn hoi. Nhà chị Hồng, quận Cầu Giấy, là một ví dụ. Chị giải thích: "Con bé nhà tôi chỉ cần ở với ông bà vài ngày là đủ tăng cân rồi, trong khi tôi đang cố hãm để nó khỏi béo phì thêm nữa. Bao nhiêu công sức, tôi mới tập được cho nó thói quen ăn uống vừa phải, giờ mà sang nhà ông bà là công toi".
Con gái chị Hồng học lớp 3, là một trong những học sinh béo nhất lớp. Mỗi lần nhận được khuyến cáo của cô giáo, mẹ cháu lại đau lòng xót ruột, nhưng cô bé chưa ý thức được tác hại của việc thừa cân, nên tìm mọi cách để được ăn. Khi mẹ kiên quyết dọn sạch tủ lạnh, không để chút đồ ăn dự trữ nào trong nhà, bé chỉ chờ đợi được bù đắp vào dịp cuối tuần khi sang tập trung liên hoan ở nhà ông bà nội. Dù vợ chồng chị Hồng phản đối thế nào, ông bà cũng mắng át đi và cho cháu ăn bất cứ thứ gì bé thích, "để bù cho cả tuần bị bố mẹ bắt nhịn đói nhịn khát".
Những ngày đó, bao giờ cô bé cũng ăn như chết đói, và trước khi trở về nhà với cái bụng to phình, nó còn được bà dúi cho cả bịch lớn bánh ngọt, chocolate, váng sữa, kèm theo lời dặn: "Cục vàng của bà mang về mà ăn nhé, nếu bị bố mẹ tịch thu thì cứ gọi điện mách bà!".
Thế nên, chả cần giàu trí tưởng tượng lắm thì chị Hồng cũng hình dung được con mình sẽ ra sao nếu ở với ông bà suốt cả ngày dài trong một tháng rưỡi nghỉ hè, nên quyết không gửi con sang đó. Chị bảo: "Tôi chưa tính được, nhưng kiểu gì rồi cũng tìm ra cách. Dù sao thì cũng có phải mỗi nhà mình có con nghỉ hè đâu!".
Theo Afamily