Hóc dị vật đường thở là một tai nạn rất thường gặp ở trẻ từ dưới 5 tuổi vì vậy cha mẹ nên hết sức cảnh giác với vấn đề này.
Hóc, sặc là tình trạng mà rất nhiều trẻ mắc phải do nuốt các đồ vật hoặc thức ăn và chúng bị mắc ở đường thở. Nhiều khi, do sự chủ quan, sơ suất của cha mẹ, mà đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị hóc, sặc dị vật gặp nguy hiểm về tính mạng hoặc tử vong.
Trẻ hóc, sặc dị vật - nguy hiểm đến tính mạng
Chị Nga ở Ba Đình, Hà Nội đến giờ vẫn còn sợ đứng tim khi nhắc đến sự cố hạt hướng dương. Vụ việc khiến cả gia đình chị bị một phen tá hỏa khi cu H. (13 tháng tuổi) đang ngồi chơi rất ngoan bỗng dưng ho tím tái mặt mũi và có dấu hiệu khó thở. Nhận thấy tình trạng của bé có dấu hiệu nguy hiểm, chị vội vàng đưa con vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây, sau khi tiến hành sơ cứu cho cháu, các y bác sĩ cho biết bé khó có dấu hiệu khó thở vì bị hóc hạt hướng dương.
Hỏi kỹ về tình hình khi đó, thì chị Nga cho biết, tối hôm trước gia đình có ăn hạt hướng dương và có thể do sơ ý để rơi và H. nhặt được rồi cho vào miệng nuốt chửng. Cũng may do chị phản ứng nhanh khi thấy dấu hiệu bất thường ở con, nên bé H. được sơ cứu kịp thời và không có điều gì đáng tiếc xảy ra.
Hóc dị vật đường thở là một tai nạn rất thường gặp ở trẻ dưới 5 - 6 tuổi (Ảnh minh họa)
Cũng là một trong những phụ huynh từng phải hối hận vì tính chủ quan, chị Lam (Thanh Oai - Hà Nội) vẫn còn nhớ như in cái ngày bế thốc con, chạy vào bệnh viện huyện. Chị cho biết, hôm đó là ngày nghỉ, chồng chị ở nhà nên tranh thủ tháo mấy chiếc quạt ra lau chùi. Thấy con quẩn quanh nghịch mấy con ốc vít của quạt, chị không hề nghĩ đến tình huống con sẽ cho vào miệng và nuốt. Thế nhưng, chỉ ít phút sau đó, chị nghe thấy tiếng chồng hốt hoảng quát con nhè ra rồi anh bế thằng bé lên, dùng tay đỡ cổ và phần cằm của con rồi vỗ bồm bộp vào lưng con. Tuy nhiên, dù anh cố gắng thế nào thì tình hình của thằng bé càng lúc càng xấu. Chị tím tái mặt mày, lúc này chỉ còn biết giằng lấy con rồi cứ thế chạy vào bệnh viện.
Khi tiếp nhận bệnh nhân và nắm rõ được bệnh sử, các bác sỹ đã nhanh chóng cấp cứu, chụp X-quang và mổ nội soi để lấy dị vật đang nằm trong phế quản của bé. Do được cấp cứu kịp thời nên sức khỏe của bé nhanh chóng hồi phục, còn anh chị được một phen "hồn bay, phách lạc".
Nhiều bậc phụ huynh chủ quan cứ ngỡ trẻ nhỏ tuổi mới bị hóc, bị nghẹn, họ không biết rằng trẻ 5 - 6 tuổi cũng có thể trở thành nạn nhân. Vừa qua, cháu T.C (5 tuổi) ở Quãng Ngãi phải nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái, khò khè, mặt mũi đỏ bừng. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ đã tiến hành nội soi và gắp ra một dị vật nằm ở gốc phế quản trái của bé, đó là một hạt dưa có đường kính 4mm x 3mm.
Được biết trước đó, bé có ăn dưa hấu cùng cả nhà, sau khi ăn bé không có biểu hiện gì lạ. Nhưng đến sáng hôm sau, bé tím tái người, khò khè, khó thở. Qua các kết quả xét nghiệm ban đầu, các bác sĩ tại đây quyết định nội soi và phát hiện ra ngay dị vật. Dị vật tuy là một hạt dưa bé xíu nhưng nó đã khiến đường thở phế quản trái của bé bị viêm, sưng to, chảy mủ, dẫn đến nguy hiểm về tính mạng và sức khỏe của trẻ.
Có những nguyên nhân trẻ bị hóc là do sự vô tình của người lớn và bé V. - con của chị Hằng (Tuyên Quang) là một ví dụ. Do bận rộn công việc, sáng chị dạy sớm, đi chợ nấu cháo cả ngày cho con ăn. Hôm đó chị làm cháo lươn cho con nhưng vì vô tình, mải suy nghĩ công việc, chị không để ý nên làm sót một cái xương to ở mang lươn.
Sau khi xong xuôi đến công ty làm việc, buổi chiều chị giật mình, hoảng loạn khi bà nội bé gọi giật về để đưa con vào viện "nó bị làm sao ấy, không thở được". Đưa con tới viện, bé đã trong tình trạng thiếu ô xy nặng. Mặc dù được bác sĩ nội soi lấy dị vật ra nhưng bé vẫn bị biến chứng thiếu ô xy lên não, làm bé mất khả năng nhận thức.
Còn chị Hồng (Bích Câu, Hà Nội) khi nghĩ lại vẫn không khỏi rùng mình, chị kể lại sự việc mình chứng kiến. Hôm đó chị về quê nghe mọi người nói về vụ có trẻ tử vong ngay tại chỗ khi nghịch dại. Chuyện là, có hai bé khoảng 5 - 6 tuổi chơi với nhau, hai bé ăn nhãn rồi thách đố nhau "há miệng ra để em ném hạt nhãn vào xem có trúng không". Không may mắn, một bé bị ném trúng họng, nghẹt thở và tử vong ngay tại chỗ.
Không cho trẻ chạy, chơi, nằm trong khi ăn (Ảnh minh họa)
Lưu ý để trẻ không bị hóc dị vật
Hóc dị vật đường thở là một trong những tai nạn cực kỳ nguy hiểm nhưng lại không được cha mẹ thật sự chú ý. Cha mẹ nên cảnh giác, tránh để những đồ vật có kích thước nhỏ trong tầm với của trẻ. Cha mẹ cũng nên thận trọng khi chế biến, lựa chọn thực phẩm cho trẻ ăn. Đối với những loại thực phẩm dễ có nguy cơ khiến trẻ bị hóc thì tuyệt đối không để trẻ tự ý ăn mà cần phải có sự kiểm soát và chế biến hợp lý.
Một số thực phẩm điển hình mà trẻ dễ bị hóc: Nho, nho khô, nhãn; Các loại hạt (hạt điều, lạc rang, quả óc chó, hạt dẻ, hạt dưa, hạt hướng dương...); Các loại thực phẩm như xúc xích, kẹo cứng, bỏng ngô, cá, lươn...
Khi chế biến đồ ăn cho con, cha mẹ nên cắt đồ ăn thật nhỏ, điều này hạn chế sự nguy hiểm đối với trẻ. Tránh cho bé ăn các loại thực phẩm có nguy cơ cao, những thực phẩm tốt cho sức khỏe như cá, lươn thì cha mẹ nên lưu ý chế biến thật cẩn thận.
Tuyệt đối không được cho trẻ chạy, đùa nghịch hay nằm xuống trong khi ăn.
Những thức ăn có kích thước nhỏ, mềm sẽ an toàn hơn cho bé vì chúng không gây khó khăn cho cổ họng khi nuốt.
Sơ cứu nhanh khi trẻ bị hóc dị vật
Thực tế, hóc dị vật trong đường thở đã khiến nhiều trẻ bị tử vong hoặc để lại những tai biến nặng nề. Nguy cơ trẻ bị hóc luôn rình rập từ rất nhiều tác nhân khác nhau, chưa kể tới những đồ vật xung quanh mà ngay cả những đồ ăn tưởng chừng như vô hại đều có thể biến thành thứ nguy hiểm có hại cho sức khỏe của bé.
Việc sơ cứu vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng tới sự sống còn của trẻ chỉ trong gang tấc bởi nếu không sơ cứu kịp thời, dị vật sẽ chèn ép đường thở, chỉ sau 5 phút khiến bé bị ngừng thở.
Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa nhi, bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng gây sưng tấy, trẻ càng khó thở hơn.
Nếu bé tím tái, ngưng thở, cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ thật mạnh vào lưng để dị vật đi ra ngoài. Sau đó đưa trẻ đến trạm y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu kịp thời.
Cha mẹ nên dạy bé có thói quen tập trung cao độ khi ăn, tránh cười đùa, chạy nhảy, nằm ăn, và luôn để ý tới bé.
Tuyệt đối không để bé tự ý bốc đồ ăn khi chưa có sự đồng ý, giám sát của cha mẹ.
Cha mẹ lưu ý phải tiến hành sơ cứu trẻ ngay, không nên bế bé đi tới viện trong tình trạng tím tái, khó thở bởi nguy cơ tử vong ở bé lúc này rất cao.
Theo Afamily