Được thả chạy rông chơi đùa, được đi bơi, đi biển với bố mẹ... là những nghi lễ không thể thiếu trong những ngày hè của bé. Nhưng nếu bạn trước nay chưa quan tâm đến chuyện chống nắng cho con thì hãy nghĩ lại, bởi theo các chuyên gia về da liễu nhi khoa, "Chỉ cần một lần bị cháy nắng nghiêm trọng cũng có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ con bạn bị khối u ác tính sau này."
Và việc bảo vệ con dưới ánh nắng hoàn toàn không có gì phức tạp:
Dùng kem chống nắng
Bạn có nhớ mình đã hâm mộ thế nào làn da mịn màng của con? Vậy thì đừng để ánh nắng mặt trời phá hủy vẻ đẹp đó. Tia cực tím từ ánh mặt trời có thể tàn phá làn da, gây nên những vết nhăn và thậm chí cả ung thư về sau này. Hãy luôn bôi kem chống nắng cho con trước khi cho con ra ngoài trời - bắt đầu từ khi bé được 5 tháng tuổi - và nhớ những điểm mà chúng ta nhiều khả năng sẽ quên mất là: sau đầu gối, tai, vùng mắt, cổ... Hãy bôi kem chống nắng khoảng 15-30 phút trước khi ra ngoài, bôi lại sau mỗi 2 giờ hoặc khi con bạn vừa bơi lên.
Mũ rộng vành, kem chống nắng... là những thứ không thể thiếu cho bé trong những ngày hè (Ảnh: Inmagine)
Bạn chưa quyết định được loại kem chống nắng nào là tốt nhất? Ngoài việc lựa chọn loại kem có chỉ số chống nắng (SPF) bằng hoặc cao hơn 30, bạn cũng hãy chú ý chọn:
- Loại kem chống nắng có chứa zinc oxide hoặc titanium dioxide, bởi vì những hợp chất này ít gây kích ứng và khó chịu, cũng như không hấp thụ vào da. Có những lo ngại rằng các thành phần khác có trong kem chống nắng, đặc biệt là oxybenzone và retinyl palmitate (một dạng vitamin A) có thể gây hại; tuy nhiên, cả hai chất này đều đã được FDA chấp thuận cho sử dụng.
- Loại kem trên nhãn có ghi "quang phổ rộng - broad spectrum", tức ngăn được cả tia UVA và UVB.
- Kem chống nắng dạng xịt dễ sử dụng, tuy nhiên khi dùng cho vùng mặt của con, hãy bảo bé nhắm mắt và nín thở khoảng 5 giây (trước - trong - và sau khi xịt). Kem chống nắng dạng thỏi là tốt nhất khi dùng cho mặt bởi loại này không bị chảy hay trôi do mồ hôi;
- Thận trọng nếu da con nhạy cảm hoặc bị các vấn đề như eczema, khi này bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để dùng đúng loại sản phẩm.
Trang bị "tận răng"
Bôi kem chống nắng chỉ là một phần, ngoài ra bạn còn cần quan tâm đến nhiều thứ khác như tránh cho con ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều - khi các tia nắng mặt trời gay gắt nhất. Nếu không thể tránh được, hãy tìm thêm sự hỗ trợ từ quần áo che chắn, không để da bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Bạn đừng chọn cho con những chiếc áo phông trắng mỏng manh, bởi nếu bạn có thể nhìn xuyên qua được thì tức là ánh nắng cũng sẽ xuyên qua được, hãy chọn những bộ quần áo tối màu và được dệt đủ dày dặn che phủ tất cả các vùng da là tốt nhất. Bạn còn cần trang bị mũ cho con, loại mũ có vành có thể che cả mặt con. Một vật dụng cũng rất cần thiết khác là kính râm, tương tự như khi chọn kem chống nằng, bạn hãy đảm bảo kính có thể lọc cả tia UVB và UVA.
Ngoài ra, bạn cũng hãy luôn nhớ rằng việc làm gương tốt của chính bạn là điều quan trọng hàng đầu trong việc giúp con có được những thói quen chống nắng lành mạnh.
Làm dịu vết cháy nắng
Nếu con bạn bị cháy nắng nhưng vẫn vui vẻ, sinh hoạt và vui chơi bình thường, không bị phồng rộp thì dưới đây là những cách bạn có thể làm để giúp bé cảm thấy khá hơn:
- Cho con uống nhiều nước;
- Đặt một miếng gạc mát lên vết cháy nắng của bé;
- Bôi gel lô hội (nha đam) lên vùng da bị cháy nắng. Bạn có thể để tuýp gel này trong tủ lạnh vài phút trước khi sử dụng;
- Dùng acetaminophen hay ibuprofen với liều lượng theo hướng dẫn của bác sỹ chứ đừng tự tiện dùng các loại thuốc giảm đau có chứa benzocaine (thuốc gây tê tại chỗ) bán tại các quầy thuốc vì chúng thường chỉ làm cho vết thương trở nên tệ hơn, đó là chưa kể một số người còn bị dị ứng với các thành phần trong thuốc.
Trong trường hợp con bạn bị sốt, bị phồng rộp hay trông mệt mỏi đau đớn thì hãy đưa con đến khám bác sỹ ngay bạn nhé.
Chúc bé nhà bạn có một mùa hè sắp tới thật vui, khỏe và bổ ích!
Theo WTT