Theo quy định, Nghệ An phải cần ít nhất 10.002 giáo viên mầm non đứng lớp theo các độ tuổi. Thế nhưng, năm học 2012-2013 của Sở GD-ĐT Nghệ An, còn thiếu 2.138 giáo viên.
Việc thiếu giáo viên mầm non không phải tập trung ở một vài huyện mà trải ra trên diện rộng: Năm học này, huyện Nghi Lộc có 329 nhóm lớp nhưng chỉ có 415 giáo viên, bình quân mỗi nhóm lớp 1,26 giáo viên; thị xã Cửa Lò 72 nhóm lớp, có 106 giáo viên, bình quân mỗi nhóm lớp 1,47 giáo viên; Tân Kỳ có 286 nhóm lớp với 424 giáo viên, bình quân mỗi nhóm lớp 1,48 giáo viên;...
Trường MN Cao Sơn (Anh Sơn) tuy đã hợp đồng thêm 2 GV, nhưng bình quân mỗi lớp cũng chỉ được 1,4 GV
Thông tư số 71/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2007 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định: Đối với nhóm trẻ, bình quân mỗi giáo viên nuôi dạy 8 trẻ; nếu nhiều hơn 5 trẻ thì được bố trí thêm một giáo viên.
Đối với lớp mẫu giáo không có trẻ bán trú, 1 giáo viên phụ trách một lớp có từ 20 đến 25 trẻ;
Với lớp mẫu giáo có trẻ bán trú, 2 giáo viên phụ trách một lớp có từ 25 đến 30 trẻ; lớp mẫu giáo nếu nhiều hơn 10 trẻ thì được bố trí thêm một giáo viên.
Do thiếu giáo viên nên nhiều giáo viên mầm non liên tục ngày nào cũng phải làm thêm giờ. Nhưng không như giáo viên các cấp học phổ thông, đã làm thêm giờ là được thanh toán tiền làm ngoài giờ. Việc làm thêm giờ của giáo viên mầm non hầu như không được thanh toán tiền và người ta coi đây như là lẽ đương nhiên.
Một phó Trưởng phòng kiêm Chủ tịch Công đoàn Giáo dục cấp huyện (xin không nêu tên) nhìn nhận, việc bố trí thiếu nhân lực như hiện nay ở các trường học, nói thẳng ra, là sự bóc lột sức lao động của chị em.
Theo Vietnamnet