Theo Giáo sư tâm lý học và nhi khoa - Irene Chatoor, trẻ em cần được đối xử như một thành viên thực thụ trong gia đình và không có lý do gì để các em bị tách khỏi mâm cơm cùng cha mẹ.
Nếu cha mẹ biết cách hành xử đúng trong bữa ăn thì các bé sẽ không gặp phải những vấn đề về ăn uống.
Nhiều bố mẹ vì quá lo lắng đã tìm đủ mọi cách, theo kinh nghiệm dân gian hoặc cảm tính riêng mà vô tình đẩy tình trạng ăn uống của con thêm phức tạp. Thông thường, các bà mẹ tách con ra khỏi bàn ăn hoặc đút con ăn trước giờ ăn của gia đình vì sợ trẻ nôn ói, quấy phá, làm ảnh hưởng đến bữa cơm của các thành viên khác. Hay khi trẻ có biểu hiện nôn, bỏ mứa thì bố mẹ liền thay đổi trạng thái cảm xúc, nài nỉ, dỗ ngọt rồi quay sang đe nẹt, thậm chí gào thét, trách mắng con. Lúc đó, bữa ăn sẽ trở nên mệt mỏi với cả gia đình.
Giáo sư tâm lý học và nhi khoa, Giám đốc Chương trình Y tế Tâm lý Trẻ sơ sinh và trẻ từ một tuổi đến 3 tuổi, Trung tâm Y tế Quốc gia, Washington, Mỹ - Irene Chatoor cho biết: "Bữa ăn chính là thời gian hạnh phúc của gia đình. Nếu bố mẹ biết cách hành xử đúng đắn và các thành viên còn lại cùng hợp tác thì thành viên nhí sẽ không mắc phải những vấn đề về ăn uống. Tôi luôn nhắc nhở các bậc phụ huynh rằng trẻ cần được đối xử y như những thành viên lớn trong gia đình và chính điều đó sẽ giúp cả nhà có một bữa ăn hoàn hảo".
Bố mẹ nên cho trẻ tham gia bữa ăn cũng gia đình.
Việc cho trẻ ăn riêng có thể tạo cho gia đình một bữa ăn nhanh chóng. Tuy nhiên, vô hình chung, trẻ bị cách ly với những sinh hoạt mà đáng ra bé phải được tham gia như là một thành viên trong gia đình. Khi được ăn chung với mọi người, bên cạnh một số phiền toái nhỏ không đáng kể, trẻ sẽ được hòa vào không khí gia đình, được cười nói, vui đùa, được nhận sự quan tâm từ người lớn. Quan trọng hơn, các bé sẽ học theo cách ăn uống bằng việc quan sát ông bà, bố mẹ và anh chị trong bữa ăn một cách tự nhiên. Chính những điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sự phát triển của trẻ, giúp các bé ăn uống tốt hơn nhờ tâm trạng phấn khởi.
Theo giáo sư Irene Chatoor, các bà mẹ thường mất nhiều tiếng đồng hổ để cho con ăn. Sau đó, mẹ thường ăn những thứ mà con đã chê và bữa tối sẽ chỉ có hai vợ chồng. Hệ quả là gia đình không có những bữa ăn quây quần và trẻ cũng không được thấy bố mẹ ăn.
"Đó là một bất lợi lớn vì trẻ nhỏ có tài quan sát rất giỏi. Chúng học bằng cách quan sát hành động và cách cư xử của người lớn. Đấy là cách chúng học đi, học nói và cả học ăn. Trẻ nhỏ muốn được ăn và uống thứ mà chúng thấy trên đĩa, trong ly của bố mẹ, ngay cả khi chúng đã có cùng thức ăn đó trên đĩa và cùng thức uống đó trong ly", chuyên gia nói.
Theo VnExpress