Chăm sóc trẻ
   Nhiều trẻ ăn nhiều nhưng vẫn thiếu dinh dưỡng (Ảnh minh họa). Dinh dưỡng giúp trẻ tiêu hóa tốt
 

Có khá nhiều trẻ ăn được hoặc thậm chí ăn nhiều, nhưng tăng trưởng vẫn ì ạch.

Như vậy, khẩu phần dinh dưỡng của trẻ chỉ mới đáp ứng được về lượng mà chưa đảm bảo được về chất, hay nói cách khác là cơ thể trẻ tiêu hóa và hấp thu thức ăn kém. Vướng mắc nằm ở khâu này cho nên chúng ta cần tìm cách "tháo gỡ" sao cho quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở trẻ diễn ra một cách tốt nhất.

Thực tế cho thấy, nếu trẻ ăn được số lượng thức ăn nhiều nhưng chất lượng của bữa ăn lại chưa đảm bảo đầy đủ và cân đối giữa các chất dinh dưỡng thì trẻ cũng không có đầy đủ các nguyên liệu cần thiết để xây dựng và phát triển cơ thể.

Hơn nữa, chúng ta cũng biết rằng ăn chỉ là động tác đưa thức ăn vào hệ tiêu hóa của trẻ qua đường miệng. Ở trong hệ tiêu hóa, thức ăn cần được tiêu hóa thành các chất dinh dưỡng dưới dạng các phân tử rất nhỏ, chính các phân tử này mới được hấp thu vào máu và được sử dụng như là các nguyên liệu để "xây dựng" nên cơ thể trẻ.

Quá trình tiêu hóa chất bột đường bắt đầu ở miệng khi nước bọt trộn lẫn với thức ăn, sau đó tiếp tục ở ruột non với các men tiêu chất bột đường của dịch tụy. Chất đạm tiêu hóa một phần ở dạ dày nhờ axit, sau đó tiêu hóa ở ruột nhờ men tiêu chất đạm của tụy.

Chất béo phải đến ruột non mới tiêu hóa nhờ dịch mật do gan tiết và men tiêu mỡ do tụy tiết. Sau khi được tiêu hóa, các chất dinh dưỡng được hấp thụ qua thành ruột non vào máu. Tại ruột già, tuy không có men tiêu hóa, nhưng có các vi khuẩn có lợi giúp lên men thức ăn thừa và có thể giúp hấp thu thêm một phần chất dinh dưỡng nữa vào máu.


Có khá nhiều trẻ ăn được hoặc thậm chí ăn nhiều, nhưng tăng trưởng vẫn ì ạch. (Ảnh minh họa).

Như vậy, để thức ăn tiêu hóa và hấp thu tốt, hệ tiêu hóa của trẻ cần phải được phát triển đầy đủ, men tiêu hóa dồi dào, ống tiêu hóa phải nguyên vẹn không bệnh tật hay tổn thương.

Nguyên nhân gây kém tiêu hóa, hấp thu ở trẻ

Những nguyên nhân phổ biến gây kém tiêu hóa - hấp thu ở trẻ có thể kể đến như sau:

- Thời điểm cho ăn bổ sung chưa hợp lý (quá sớm). Khi đó, hệ tiêu hóa cũng như các men tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện để tiêu hóa các thức ăn ngoài sữa, dẫn tới tổn thương và rối loạn sự tiêu hóa - hấp thu thức ăn của trẻ tại thời điểm đó cũng như sau này.

- Chế biến thức ăn không phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Đối với trẻ nhỏ, thức ăn cần phải được chế biến dưới dạng bột, cháo, băm nhỏ, ninh nhừ để trẻ dễ tiêu hóa - hấp thu và tránh gây tổn thương cho hệ tiêu hóa của trẻ.

- Trẻ mắc các bệnh lý cấp tính như viêm đường hô hấp, viêm tai, các nhiễm trùng đường ruột... hoặc các rối loạn sinh lý như mọc răng, tiêm chủng cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở trẻ. Do khi mắc các bệnh này, trẻ thường bị sốt và sốt cao sẽ gây giảm tiết, bất hoạt hoặc làm giảm hoạt động của các men tiêu hóa cũng như giảm nhu của động ruột, do đó, làm giảm quá trình tiêu hóa và hấp thu.

Đặc biệt là các nhiễm trùng đường ruột sẽ gây tổn thương cũng như gây rối loạn hệ vi khuẩn chí dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp tới sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn ở trẻ. Ngoài ra, khi bị bệnh, trẻ thường phải điều trị bằng các thuốc trong đó có kháng sinh, đây cũng là một yếu tố làm rối loạn hệ vi khuẩn chí đường ruột làm ảnh hưởng tới sự tiêu hóa của trẻ.

- Các nguyên nhân khác gây giảm men tiêu hóa đường ruột, giảm nhu động ruột, táo bón đều dẫn tới làm giảm quá trình tiêu hóa của trẻ dẫn tới giảm hấp thu các chất dinh dưỡng.

Cần làm gì để giúp trẻ tiêu hóa - hấp thu tốt hơn

Dù vì lý do gì thì cũng cần hỗ trợ trẻ tiêu hóa và hấp thu tốt thức ăn. Chúng ta cần phải chú ý tới vấn đề dinh dưỡng hợp lý cho trẻ và một số vấn đề liên quan như sau:

- Đảm bảo chất lượng bữa ăn của trẻ. Phải cân đối giữa các chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất bột đường, chất béo và đảm bảo đủ các vitamin và khoáng chất.

- Thời điểm cho trẻ ăn bổ sung hợp lý. Khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày) để đảm bảo trẻ có thể tiêu hóa các thức ăn khác ngoài sữa và không gây tổn thương đường tiêu hóa cũng như rối loạn sự tiêu hóa và hấp thu của trẻ sau này.

- Chế biến thức ăn phù hợp với độ tuổi của trẻ. Không cho trẻ ăn thức ăn cần phải nhai khi trẻ chưa có đủ răng, vì động tác nuốt mà chưa nhai kỹ làm cho hệ tiêu hóa dưới phải làm việc nhiều và nặng hơn, có thể làm "mệt" dẫn đến hệ tiêu hóa... "đình công", giảm tiết men và giảm cả nhu động ruột.

- Đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng từ thức ăn, sữa... để tế bào ruột sinh sản và phát triển khỏe mạnh (chất đạm, vi chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, vitamin A...) để tiêu hóa và hấp thu tốt.

- Bổ sung các vi sinh vật có lợi (Probiotics) giúp duy trì sự cân bằng hệ vi khuẩn chí trong lòng ruột, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, đồng thời giúp tiêu hóa thức ăn, tăng sức đề kháng và chống táo bón cho trẻ. Probiotics có thể được bổ sung qua các thực phẩm dinh dưỡng như sữa, sữa chua...

- Bổ sung Prebiotics (là những chất xơ không tiêu hóa được nhưng lại là thức ăn cho Probiotics sinh trưởng và phát triển) để củng cố và hỗ trợ cho sự phát triển của Probiotics, đồng thời cũng là yếu tố giúp tăng nhu động ruột tránh táo bón và hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu.

- Phòng chống bệnh táo bón cho trẻ. Táo bón làm ách tắc lưu thông trong lòng ruột, làm các vi sinh vật có hại dễ phát triển hơn và ứ đọng các chất bất lợi. Trẻ em thường táo bón do thiếu chất xơ, chất béo, ít uống nước dẫn đến giảm nhu động ruột. Đối với trẻ dưới 6 tháng, nhu cầu nước hàng ngày được cung cấp hoàn toàn qua sữa mẹ.

Nếu vì lý do nào đó, trẻ phải uống sữa công thức thay thế thì cần chú ý đến các thành phần giúp hỗ trợ cho sự tiêu hóa và hấp thu của trẻ như Synbiotics (gồm Probiotics và Prebiotics), axit B-palmitic và lactalbumin...

- Điều trị bệnh triệt để khi trẻ mắc bệnh và phòng ngừa bệnh chủ động bằng tiêm chủng. Đặc biệt, cần đảm bảo chế độ ăn hợp lý khi trẻ bị bệnh: không ép trẻ ăn khi bệnh mà chỉ cho ăn tối đa số lượng trẻ có thể chấp nhận được. Thức ăn cần nấu chín kỹ, mềm và nhuyễn hơn, dễ nuốt và dễ tiêu. Cho trẻ ăn phục hồi sau giai đoạn bệnh.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng)

Theo Bác sĩ gia đình

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cấm kỵ khi cho bé ăn trứng gà (26/2)
 Khi bé cực kỳ lười ăn (25/2)
 Những sai lầm khi nấu cháo khiến bé không tăng cân (24/2)
 Cảnh báo các thực phẩm dễ khiến bé ngạt thở (24/2)
 8 điều tốt nhất cha mẹ nên dành cho con (21/2)
 Những thắc mắc mẹ nào cũng muốn hỏi khi nuôi con (21/2)
 Giúp mẹ khắc phục tình trạng chán ăn ở trẻ (19/2)
 8 lời khuyên khi cho trẻ dùng thực phẩm đông lạnh (19/2)
 Tai nạn trẻ dễ gặp khi về quê ăn Tết (6/2)
 4 điều mẹ nên làm để bé luôn thích những bữa ăn (6/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i