Nhiều người lớn có quan niệm sai lầm rằng trẻ còn bé nên chưa cần đến kính râm. Nhưng thực tế lại ngược lại. Hệ thống thị giác của trẻ 2-6 tuổi vẫn chưa hoàn thiện. Do vậy, việc đeo kính mát cho bé là một biện pháp bảo vệ đôi mắt tránh những tổn thương. Theo bác sĩ Trần Hải Yến, Bệnh viện Mắt TP.HCM, bé cần được trang bị một đôi kính râm khi ra đường, bất kể ở độ tuổi nào.
Kính râm bảo vệ mắt
Ngoài việc che chắn bụi, côn trùng, hóa chất khỏi chui vào mắt, kính râm còn giúp bạn ngăn ngừa tia tử ngoại (tia cực tím) - một loại tia có hại trong phổ ánh sáng mặt trời khỏi gây hại cho mắt. Tia cực tím - tia UV đã được biết đến từ lâu là mối nguy hiểm tức thì và tiềm tàng cho mắt. Bỏng mắt do tia UV hay gặp với người tắm nắng quá lâu. Lâu dài nếu phơi nhiễm với tia UV quá đáng, ta có thể bị lên mộng mắt, ung thư da mi, đục nhân mắt và thoái hóa hoàng điểm.
Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng thủy tinh thể của trẻ nhỏ trong suốt hơn so với của người lớn, điều này đồng nghĩa với việc võng mạc của mắt dễ bị tổn thương hơn. Thủy tinh thể ở mắt bé cũng không có khả năng ngăn chặn tia cực tím như người lớn, vì thế, đôi mắt bé dễ tổn thương, dẫn đến các chứng bệnh như: ung thư mắt, đục thủy tinh thể, cháy giác mạc hoặc giảm thị lực. Nếu võng mạc của mắt chịu tác động của ánh nắng mặt trời thì có thể gây nên những rồi loạn về thị lực, thậm chí là mù lòa, các chuyên gia cảnh báo.
Theo thống kê thì cũng có tới hơn 80% trẻ nhỏ dưới 18 tuổi phải chịu những ảnh hưởng xấu từ các tia cực tím của ánh nắng mặt trời do không được hình thành thói quen đeo kính râm khi ra nắng hay khi hoạt động ngoài trời.
Những tác hại của kính kém chất lượng
Bé còn trong độ tuổi phát triển nên thành phần giác mạc, cấu tạo thủy tinh thể vẫn còn non yếu, dễ nhạy cảm với bất cứ ánh sáng hay vật lạ nào. Nếu bố mẹ không biết, chọn cho bé những đôi kính kém chất lượng như: gọng kính quá to, nặng, quá khổ với đôi mắt bé, mắt kính mờ, nhìn có cảm giác chóng mặt... sẽ khiến cho mắt yếu đi.
Với những bé có tật khúc xạ ở mắt như: loạn thị, viễn thị, bố mẹ phải hết sức cẩn trọng. Cho con đeo kính râm mà không quan tâm đến bệnh tình, bé sẽ gặp phải các vấn đề: thị lực mờ đi, bị lác mắt hoặc các triệu chứng khó chịu, nhức đầu, buồn nôn.
Kính râm đủ chất lượng
Chỉ số chống tia cực tím (UV) là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá chất lượng kính râm. Kính đảm bảo chất lượng phải ngăn ngừa được đến 95 - 99% tác động của tia cực tím đối với mắt.
Chất liệu của kính tương tự như kính dùng trong nhãn khoa hoặc bằng chất dẻo đặc biệt. Bạn nên kiểm tra xem mắt kính có dễ xước khi va chạm với vật cứng hay nhọn không. Thường thì kính bằng chất dẻo sẽ có tính năng chống va chạm tốt hơn bằng thủy tinh. Mắt kính cần đủ to để che mắt ở 4 vị trí: trên, dưới, trong, ngoài để chống các tia sáng mạnh và bụi
Bạn đã từng nghe nói về độ truyền quang chưa? Đây cũng là một yếu tố nên tham khảo khi chọn mắt kính. Tỉ lệ ánh sáng truyền qua kính tới mắt không vượt quá 30% là con số lý tưởng. Kính râm hay kính đổi màu phải đảm bảo đủ độ tối, để hạn chế sự tiếp xúc mắt với các tia cực tím. Tuy nhiên, cũng không phải là cặp kính râm quá tối làm bé không thể phân biệt được các màu sắc hay các sự vật xung quanh
Chắc chắn các bà mẹ cũng không thể quên được yếu tố thời trang khi chọn kính râm cho trẻ. Nên đưa trẻ trực tiếp đến cửa hàng để đeo thử loại kính cho phù hợp với khuôn mặt của bé.
Lưu ý khi đeo kính cho trẻ
- Tránh bỏ kính ra đột ngột
- Khi đeo kính không nên nhìn trực tiếp lên ánh sáng mặt trời
- Kính kém chất lượng khi đeo sẽ có cảm giác nhìn loá, sai lệch hình ảnh màu sắc của vật được nhìn, chóng mặt nhức đầu.
- Nếu gọng kính không đảm bảo chất lượng có thể gây dị ứng phần da tiếp xúc với gọng kính, dẫn đến hiện tượng đỏ ngứa, mụn nước.
Theo phunutoday.vn