Nghề giáo không có tháng lương thứ 13, lại chưa có quy chuẩn thưởng tết nên các trường đành phải "tự thân vận động" bằng cách tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu và trông chờ vào khoản... kết dư ngân sách cuối năm.
Thưởng từ các khoản tiết kiệm
Tiền điện nước, tiền văn phòng phẩm, thiết bị dạy học, công tác phí... là những khoản được nhiều trường học thực hành tiết kiệm tối đa để cuối năm có được phần "dư" chi thưởng tết cho giáo viên.
Nhiều giáo viên mầm non vẫn phải nhận giữ trẻ đến cận tết để có tiền.
Cô Đỗ Thị Hà - giáo viên một trường tiểu học tại TP.Vinh (Nghệ An) cho biết: "Vì không có quỹ thưởng cho giáo viên, nên năm vừa qua, lãnh đạo trường đã phát động phong trào tiết kiệm trong toàn trường với mục tiêu dành được một khoản nho nhỏ để động viên giáo viên trong dịp tết. Mọi hoạt động trong trường đều được tiết giảm tối đa: Ra khỏi phòng tắt điện, quạt, điều hoà; văn phòng phẩm cũng phát tối thiểu, đến lãnh đạo trường đi công tác xa cũng đi bằng... xe khách chứ không duyệt vé máy bay". Cũng theo cô Hà, nhờ phong trào này mà mấy năm vừa qua, mỗi giáo viên cũng được thưởng tết từ 2 - 2,5 triệu đồng.
Tương tự, ông Đặng Thái Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) tiết lộ: Năm nay thưởng tết cho giáo viên trong trường sẽ được khoảng 3 triệu đồng/người: "Nhờ chi tiêu hợp lý cùng với việc tổ chức các hoạt động như dạy năng khiếu, cho thuê mặt bằng, căng tin... chúng tôi mới có được khoản này để lo cho giáo viên" - ông Bình nói.
Tại một số trường mầm non, tiền thưởng tết của giáo viên lại được trông chờ vào một số khoản hết sức... tế nhị. Cô Phan Ngọc Ánh - giáo viên một trường mầm non tại quận Gò Vấp thừa nhận: "Chúng tôi chỉ chờ vào khoản hỗ trợ từ... phụ huynh. Mọi năm, thưởng tết của trường chỉ khoảng 1 triệu đồng/người nhưng phụ huynh biếu chúng tôi nhiều nhu yếu phẩm như: Bánh kẹo, dầu ăn, hạt dưa... Ngoài ra, để có thêm thu nhập nhiều giáo viên còn phải nhận giữ trẻ suốt những ngày cận tết".
Giáo viên vùng cao đã có thưởng
Khác với cảnh ngậm ngùi nhận trước 1 tháng lương về ăn tết, để rồi ra giêng "bóp bụng", từ Tết 2012 đến nay, nhờ "khéo co", nhiều giáo viên vùng cao đã được nhận những đồng thưởng tết đầu tiên.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) Sùng Thị Say chia sẻ: "Rất vui vì bắt đầu từ Tết 2012, mỗi giáo viên của trường đều đã có thưởng tết, người thấp nhất được 400.000 đồng; người cao nhất là 2 triệu đồng cùng một ít nhu yếu phẩm bánh kẹo". Cũng theo cô Say, khoản thưởng này là nhờ sự quan tâm của Phòng Giáo dục và trích từ hỗ trợ của các đoàn từ thiện cho các trường vùng cao trong suốt 1 năm.
"Mức thưởng tết của mỗi giáo viên ngoài được tính theo thâm niên còn phải chấm theo năng lực và bình chọn. Giáo viên nào nghỉ nhiều, dạy không tốt sẽ không có thưởng" - cô Say nói.
Cô Nguyễn Thị Huệ - giáo viên tiểu học tại Lang Sơn (Hạ Hoà, Phú Thọ) thì cho biết: "Năm ngoái, mỗi giáo viên của trường được nhận từ 500.000 đến 1 triệu đồng tiền thưởng tết.
Tuy số tiền này không nhiều nhưng đối với giáo viên vùng cao là một khoản khích lệ rất lớn". Cô Huệ cũng cho biết, để có được khoản nho nhỏ này, ngoài nguồn kết dư trong chi tiêu chung thì công đoàn trường còn vận động giáo viên nuôi "lợn tiết kiệm" dưới hình thức tự tiết kiệm lấy tiền tết cho mình. "Biết là tiền của mình cả, nhưng dù sao tiết kiệm được đến tết có một khoản dư ra cũng rất vui..." - cô Huệ nói.
Ông Trần Song Hà - Trưởng phòng Giáo dục TP.Hà Giang cho biết: "Mấy năm qua, báo chí cũng nói nhiều về cảnh khổ không có thưởng tết của giáo viên nên giờ chính quyền và các đoàn thể cũng quan tâm, nhiều vùng khó giáo viên đã có thưởng. Đó là một tín hiệu vui, động viên khích lệ thầy cô".
Theo Dân Việt