Giáo dục mầm non
   Về nơi 5 thầy giáo mầm non tận tình với trẻ
 

Tại trường mầm non của xã vùng cao Thanh Quân (Như Xuân - Thanh Hóa) có 5 thầy giáo đã hơn 10 năm nay vẫn âm thầm dạy trẻ.


17 năm gắn bó với múa, hát, mớm trẻ ăn
Bỏ qua những ánh mắt hiếu kỳ, vượt qua những khó khăn của xã vùng cao, các thầy dạy mầm non ở xã Thanh Quân có mặt từ những buổi đầu khi lương chỉ được trả bằng 1kg gạo/người/tháng.


Câu chuyện của những thầy giáo mầm non miền sơn cước thật cảm động bởi 5 thầy là "5 mẹ hiền" của trường đã khắc sâu trong tâm trí của bao con người.


Những thầy giáo mầm non tại xã Thanh Quân (Thanh Hóa) gắn với hát, múa, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ của trẻ hơn 10 năm nay.


Trường mầm non Thanh Quân (xã Thanh Quân - Như Xuân) nằm cạnh con sông Chàng đầy thơ mộng. Chúng tôi ghé thăm trường vào đúng dịp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20/11 năm nay.


Nếu nghĩ việc dạy trẻ là của các cô bởi chỉ có các cô mới múa, hát rồi chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ nhưng khi tận mắt chứng kiến những người thầy, "mẹ hiền" của lũ trẻ, ai cũng phải thốt lên là khâm phục.


Từng điệu hát, điệu múa cho đến chất giọng truyền cảm của các thầy vấn ngày ngày cất tiếng ru, dạy cho lũ trẻ lời hay, ý đẹp. Và đã hơn mười năm nay công việc đó vẫn tiếp diễn.


Chúng tôi trò chuyện với thầy Vi Văn Hướng, người "mẹ hiền" đã hơn 40 tuổi đời và 17 năm gắn với nghiệp thầy giáo mầm non.


Kể về câu chuyện làm thầy giữ trẻ thầy Hướng nói: "Những ngày đầu khi ngành giáo dục ở đây còn rất khó khăn cũng là lúc mình bắt đầu với nghề.


Công việc cũng như các cô, các thầy khác, dạy cho các em những bài hát, điệu múa, chăm sóc các em sinh hoạt, miếng ăn, giấc ngủ.


Lúc đầu mới dạy cũng thấy hơi ngại, không phải ngại múa hát mà nhiều bạn bè, người thân cứ hỏi mình làm nghề gì, rồi tại sao lại chọn nghề dạy trẻ. Nhưng khi đến lớp, hòa vào không khí trẻ thơ mình lại quên hết.


Câu chuyện của thầy Hướng bỗng dừng lại ít phút vì có một em nhỏ bỗng chạy lại gọi "bố ơi cho con đi tè". Thế rồi thầy Hướng nở nụ cười yêu thương, chúm đôi môi khẽ hôn lên má đứa trẻ rồi bế em nhỏ trên tay đưa đi vệ sinh như con mình vậy.


Quay lại với chúng tôi thầy nói tiếp: Các bạn thấy đấy, đó cũng là công việc bình thường của mình. Kỷ niệm thì mình không thể nói hết nhưng mình nghĩ đó là niềm tự hào, bởi có nhiều thế hệ các em nhỏ ngày nào giờ đã có gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Có trường hợp ngày xưa dạy bố, giờ lại dạy con.


Và cũng như bất cứ đâu, lũ trẻ cứ nhao nhao đòi làm nũng, hình ảnh thầy giáo với mái tóc điểm vài sợi bạc đang nhẹ nhàng, ân cần như người mẹ dỗ dành đàn con thơ mới thật cảm phục.


Những thanh niên xuất sắc thành người gõ đầu trẻ
Nói về cái duyên với nghề, thầy Hoàng Thanh Tình chia sẻ: "Ngày đó cũng không hiểu sao mình chọn ngành sư phạm mầm non để học nữa, đến lúc vào học mới biết sau này mình sẽ làm nghề trông trẻ.


Lúc đầu cũng ngại lắm, nhất là cái khâu múa hát, hay dỗ dành lũ nhỏ. Sau dần dần thấy yêu nghề, yêu sự ngây thơ của chúng lắm. Ngày nào không đi dạy, không nghe chúng nó làm nũng lại thấy nhớ nhớ".


Họ vốn là những học sinh đủ điều kiện đi học đại học mấy chục năm về trước


Các thầy kể: Ngày ấy, cách đây hơn 15 năm, Thanh Quân là vùng đất cằn cỗi, người dân ở đây chăm lo "cái bụng" chứ không lo học chữ. Thế rồi cán bộ vào làng động viên con em nhà nào học hết lớp 10 thì cho đi học sư phạm để mang chữ về cho dân bản.


Con gái ở làng lớn lên theo cha mẹ lên nương rẫy rồi lấy chồng, thanh niên làng theo học hết lớp 10 là hiếm. Các thầy là những người may mắn đủ điều kiện để học lên sư phạm. Điều đó lý giải vì sao ngày đó chỉ có các thầy là những người đầu tiên dạy trẻ.


Những câu chuyện về ngày đầu tiên làm thầy nào là phải múa, phải hát, phải kể chuyện với cái giọng truyền cảm để các cháu học theo. Giờ đây, những kỷ niệm ấy ít có dịp để người ta được nghe lại vì cũng chẳng có ai nếu nhìn các thầy chăm sóc các em nhỏ mà tin được các thầy vụng về trong hát, múa cả.


Rồi cả những khoảng thời gian đầy khó khăn vất vả để theo nghề nữa. Từ những ngày đầu không trường lớp, các thầy phải mượn tạm nhà của các hộ dân làm lớp học, rồi vượt rừng vận động các gia đình đưa con em đến lớp.


Cũng những năm tháng ấy, lương giáo viên chỉ là 1kg gạo/tháng, nhưng tận 6 tháng mới được nhận một lần. Điều kiện lúc đó đã khó khăn, lại cộng thêm việc dạy những đứa trẻ mầm non như múa hát, tô vẽ... lại càng làm cho nghề dạy trẻ mầm non đối với các thầy gian nan hơn.


Rồi năm tháng trôi đi, có thầy đã gắn với bản, với trường hơn 16 năm nay, tiếng lũ trẻ bi bô chưa tròn chữ, nghe vậy đã biết "5 mẹ hiền" yêu nghề, yêu trẻ như thế nào.


Cô Trịnh Thị Hồng, Hiệu phó của trường mầm non Thanh Quân nói: "Trường chúng tôi rất đặc biệt, ngoài là trường vùng cao, trường còn có 5 thầy giáo đã gắn bó với trường từ những ngày đầu có mầm non ở Thanh Quân.


Tuy là các thầy nhưng việc tham gia các hội diễn văn nghệ ngành giáo dục mầm non, các buổi họp, tập huấn các thầy vẫn đạt thành tích và luôn được khen ngợi.


Hàng năm, các thầy cũng luôn đạt thành tích như lao động xuất sắc, sáng kiến kinh nghiệm hay giáo viên có thành tích cấp cơ sở. Các thầy như hình ảnh của nhà trường vậy".


Câu chuyện về những thầy giáo mầm non nơi bản làng vùng cao đã thắp lên cho bao người biết yêu ngành, yêu nghề như trái tim của các thầy với lũ trẻ. Nó đã "cột chặt" cuộc đời các thầy cho đến bây giờ, cũng đã hơn 16 năm, những người thầy nơi đại ngàn heo hút ấy vẫn cần mẫn miệt mài ươm những chồi non tương lai.


Theo VTC News

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Tâm sự nghề.
Ngày gửi: 11/29/2012 5:04:23 AM

Tôi cũng là 1 người giao viên mầm non, tôi cũng từng biết ở những trường khác có 1 vài thầy giáo là giáo viên mầm non, nhưng chỉ là thế hệ trẻ của chúng tôi bây giờ thôi. Tôi thật sự khâm phục các anh- thế hệ đàn anh đi trước. Tôi cũng công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, nhiều lúc thấy mình thiệt thòi hơn các bạn khác- gv của bậc học lớn hơn.Gần 10 năm gắn bó với nghề, chúng tôi chưa nhận được 1 bó hoa của học sinh gởi tặng, vì ở các em đi học đã là 1 vấn đề khó khăn còn đâu mà quan tâm đến cô giáo nữa. Dần dần chúng tôi mất đi niềm vui háo hức đón chào ngày nhà giáo VN. Nhưng tôi cũng như các anh, coi lũ trẻ như con em mình. Lấy dạy học làm niềm vui, chúc các anh mãi là người "mẹ hiền" của lũ trẻ.


guest
tự hào nghề giáo viên
Ngày gửi: 12/2/2012 6:40:46 PM


toi cũng là giáo viên Mn lâu nay tôi có nghe ở Hà Nọi hay Hồ chí Minh mới có thầy 1 thầy giáo dạy mầm non. Hôm nay đọc bài báo tôi mới biết ở đây có đến 5 anh làm nghè dạy MN thật tự hào cho nghề MN không nhũng các cô làm mẹ mà ngay các thầy cũng làm cha của lũ trẻ thật tốt . Bản thân tôi cũng dạy tại vùng cao đến nay đã hơn 17 năm trong nghề nhưng tôi vẫn thấy khâm phục các anh chúc các anh thành công hơn nữa trong cuộc sống cố gắng trở thành người lãnh đạo các trường MN tôi tin chắc rừng các anh làm tốt hơn chúng tôi nhiều.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ở Nghệ An: Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ (27/11)
 Phổ cập mầm non 5 tuổi ở Quảng Ngãi: Nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ (26/11)
 Ba nhà giáo phố núi cùng chung một tấm lòng (23/11)
 Sơn La gặp nhiều khó khăn trong thực hiện Đề án PCGDMN 5 tuổi (22/11)
 Năm áp lực trên vai nhà giáo (21/11)
 Tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề (20/11)
 Nghề giáo thật đặc biệt! (19/11)
 Quận Gò Vấp đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi (16/11)
 Góp phần phát triển GD mầm non thủ đô và cả nước (15/11)
 Ba giải pháp giúp trẻ hình thành kỹ năng sống (14/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i