Nếu các mẹ nghĩ rằng nấu thức ăn cho con cứ chín là được thì hoàn toàn sai lầm. Có rất nhiều cách để mẹ nấu thức ăn dặm nhưng không phải cách nào cũng đúng.
Vì thiếu kiến thức mà một số mẹ đã làm mất đi khá nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình chế biến thức ăn dặm cho con. Những mẹo dưới đây sẽ giúp mẹ chăm sóc bé hoàn hảo nhất.
1. Ưu và nhược điểm của một số cách chế biến
- Hấp: Đây được coi là một trong những cách giữ được nhiều chất dinh dưỡng của thức ăn dặm. Các mẹ có thể tận dụng nước ở nồi hấp để cho vào máy xay trong quá trình làm nhuyễn rau (củ, quả) hay thịt, cá cho con.
Nhiệt độ càng cao và thức ăn càng được ngâm lâu trong nước thì càng dễ bị mất chất. Vì vậy, đây được coi là một trong những cách chế biến tuyệt vời nhất. Ví dụ như khi luộc súp lơ xanh là bạn đã làm mất hơn một nửa lượng axit folic có trong nó. Nhưng nếu hấp thì bạn lại có thể giữ lại được hầu hết lượng vitamin.
Hấp được coi là cách tuyệt vời để giữ lại các vitamin có trong thực phẩm.
- Dùng nồi áp suất: Nếu các mẹ dùng cách này để làm chín và nhừ thức ăn cho con thì nên nhớ là chỉ cho ít nước thôi nhé! Bởi vì phương pháp này chỉ giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng với điều kiện là cho ít nước trong quá trình chế biến.
- Luộc và hầm: Chắc hẳn có rất nhiều mẹ đang sử dụng cách này để chế biến thức ăn dặm cho con. Vậy thì hãy hạn chế nhé vì cách này không khoa học lắm, nó khiến thực phẩm bị mất nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình luộc và hầm.
Nước sẽ hòa tan vitamin (đặc biệt là vitamin B, vitamin C) và một số khoáng chất. Để hạn chế mất chất, bạn nên giới hạn lượng nước và thời gian khi luộc (hầm). Nên dùng nước trong nồi luộc (hầm) trong quá trình xay nhuyễn thức ăn cho bé.
- Dùng lò vi sóng: Điểm bất lợi khi chế biến thức ăn dặm bằng lò vi sóng là nhiều chất dinh dưỡng bị mất do nhiệt độ cao. Số lượng chất dinh dưỡng bị phá hủy qua lò vi sóng phụ thuộc vào từng loại thức ăn.
Một số loại lại giữ được chất tốt hơn dùng cách hấp (luộc) nhưng có loại lại mất khá nhiều chất; chẳng hạn, súp lơ xanh (bông cải xanh) là loại rau bị bay mất phần lớn chất dinh dưỡng nếu được nấu qua lò vi sóng.
Tuy nhiên, mùi vị và giá trị dinh dưỡng trong hầu hết các loại rau xanh lại khá tốt khi được so sánh với một số phương pháp khác.
Không đựng rau củ vào bát, đĩa bằng đồng vì đồng sẽ phá huỷ vitamin.
2. Một vài mẹo nhỏ hữu ích khác
- Khi rửa rau quả để chế biến, các mẹ không nên ngâm ngập trong chậu nước mà nên rửa dưới vòi nước chảy. Như vậy, bạn sẽ tránh được việc các vitamin B, C và một số khoáng chất tan biến vào trong nước.
- Hãy thử cho bé ăn một số rau củ không cần gọt vỏ vì hấu hết các chất dinh dưỡng được lưu trữ trong hoặc ngay dưới lớp vỏ củ quả. Tuy nhiên, các mẹ cần chọn lọc vì không phải loại nào cũng cho bé ăn cả vỏ được.
Thành phần vitamin chủ yếu nằm trong vỏ và phần ngay dưới vỏ quả vì vậy bạn nên gọt vỏ mỏng nhất có thể. Thậm chí, bạn để lại chút ít vỏ nếu tin tưởng quả đó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Để giữ vitamin C, cần dùng rau quả, rửa rồi mới gọt - thái, và thái rồi cần nấu ngay, nấu nhanh và sau đó ăn ngay. Cần nấu rau quả trong thời gian ngắn nhất có thể, khi rau chín vừa là đủ. Lâu quá sẽ khiến vitamin trong rau củ bay hết.
- Không đựng rau củ vào bát, đĩa bằng đồng vì đồng sẽ phá huỷ vitamin.
- Nên đậy vung khi chế biến để vitamin không bay hơi.
- Các loại chất khoáng (canxi, photpho, kali, magiê...) trong quá trình nấu có các biến đổi về số lượng do chúng hòa tan vào nước. Do vậy, nên sử dụng thức ăn cả phần cái và phần nước để đảm bảo chất dinh dưỡng trong thức ăn cho trẻ.
- Dầu, mỡ: Ở nhiệt độ 102 độ C trở xuống, dầu mỡ không có biến đổi đáng kể. Nhưng khi đun lâu ở nhiệt độ cao hơn, các axit béo không no mất tác dụng có ích và tạo thành các chất có hại.
Theo afamily