Công văn - Chỉ thị
   Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 – 2015".
 

Ngày 23-6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 – 2015". Dưới đây là nội dung văn bản.

QUYẾT ĐỊNH số 149/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 11 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2015" với những nội dung chính như sau:

I. Quan điểm chỉ đạo

1. Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Việc chăm lo phát triển giáo dục mầm non là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền, của mỗi ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

2. Nhà nước có trách nhiệm quản lý, đầu tư phát triển giáo dục mầm non; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh công tác xã hội hóa; Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới.

3. Việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non phải được thực hiện với sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Coi trọng và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc phụ huynh, cha mẹ của trẻ nhằm thực hiện đa dạng hoá phương thức chăm sóc, giáo dục trẻ em.

4. Từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục mầm non theo nguyên tắc bảo đảm đồng bộ, phù hợp, tiên tiến, gắn với đổi mới giáo dục phổ thông, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1, góp phần tích cực, thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung:

 Phát triển giáo dục mầm non nhằm tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ; củng cố, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt chú trọng đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; đa dạng hóa các phương thức chăm sóc, giáo dục; bảo đảm chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non theo quy định. Phấn đấu đến năm 2010 hầu hết trẻ em đều được chăm sóc, giáo dục bằng những hình thức thích hợp, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phấn đấu để có 80% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo năm 2010 và 100% năm 2015, trong đó có 8% đạt trình độ trên chuẩn năm 2010 và 15% năm 2015;

b) Củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp, nâng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, nhóm trẻ từ 15% năm  2005 lên 20% năm 2010 và đạt 30% năm 2015; trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 58% năm 2005 lên 67% năm 2010 và đạt 75% năm 2015; trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 92% năm 2005 lên 95% năm 2010 và 99% năm 2015;

c) Nâng tỷ lệ các cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn quốc gia từ 9% năm 2005 lên 20% vào năm  2010 và 50% vào năm  2015;

d) Đối với các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo: nâng tỷ lệ trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 43% năm 2005 lên 55% năm 2010 và đạt 62% năm 2015. Phấn đấu để tỷ lệ trẻ 5 tuổi ở các vùng này đến lớp mẫu giáo đạt bằng tỷ lệ chung của toàn quốc;

Củng cố và hoàn thiện các cơ sở giáo dục mầm non ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Từ năm 2006 đến 2010 đầu tư kinh phí trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đào tạo giáo viên theo các tiêu chí đạt chuẩn cho khoảng 2.500 cơ sở giáo dục mầm non ở các vùng này; xây dựng kế hoạch đầu tư để đào tạo và bồi dưỡng đạt trình độ chuẩn cho khoảng 3.000 giáo viên. 

đ) Nâng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phấn đấu để tỷ lệ trẻ em đạt chuẩn phát triển là 80% năm 2010 và 95% năm 2015, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các cơ sở giáo dục mầm non xuống dưới 12% năm 2010 và dưới 10% năm 2015;

e) Nâng tỷ lệ lên 70% năm 2010 và 90% năm 2015 số lượng cha, mẹ trẻ em được phổ biến, cung cấp kiến thức cơ bản về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. 

III. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non

a) Chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ đối với giáo dục mầm non nêu trong Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010";

b) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non theo từng giai đoạn ở mỗi địa phương và cả nước; củng cố, quy hoạch lại các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non phù hợp với quy hoạch mạng lưới chung;

 c) Đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo giáo viên mầm non trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học phù hợp với yêu cầu, thực tiễn đất nước và hội nhập quốc tế;

 d) Xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, đào tạo đạt chuẩn và nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên mầm non theo yêu cầu của từng vùng, từng địa phương;

đ) Chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non theo đúng quy định của Nhà nước, đặc biệt là chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, tiền lương; xây dựng các chính sách tạo sự bình đẳng giữa giáo viên công tác ở các loại cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập.

2. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục mầm non 

a) Xây dựng và triển khai chương trình giáo dục mầm non mới theo hướng tích hợp các nội dung chăm sóc, giáo dục theo chủ điểm, tổ chức các hoạt động cho trẻ, đặc biệt là hoạt động vui chơi phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ;

b) Cải tiến cách theo dõi, đánh giá chất lượng phát triển của trẻ;

c) Tăng cường cung cấp thiết bị, đồ chơi phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục mầm non. Cung cấp chương trình trò chơi và bộ đồ chơi làm quen với tin học và ngoại ngữ để đến năm 2010 có khoảng 1/3 số cơ sở giáo dục mầm non được tiếp cận với tin học và ngoại ngữ;

d) Biên soạn tư liệu hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, trong đó chú trọng việc dạy tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

3. Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục mầm non

a) Xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non trên các địa bàn, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với điều kiện của từng địa phương;

b) Cơ sở giáo dục mầm non được thành lập theo 3 loại hình: công lập, dân lập, tư thục. Loại hình công lập chủ yếu được thành lập ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Thực hiện việc chuyển các cơ sở giáo dục mầm non bán công sang loại hình dân lập hoặc tư thục theo quy định của pháp luật. Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

c) Ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non công lập tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm  mỗi xã có ít nhất một cơ sở giáo dục mầm non, bảo đảm để trẻ em được học chương trình mẫu giáo 5 tuổi trước khi vào lớp 1;

d) Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi để bảo đảm tiến độ và chất lượng việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

4. Bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách, đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục mầm non

a) Tiếp tục thực hiện, đồng thời nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách phát triển giáo dục mầm non quy định tại Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ. Nhà nước hỗ trợ để giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập được hưởng lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định; được tham gia bảo hiểm và hưởng các chế độ khác như các giáo viên có cùng trình độ đào tạo, nhiệm vụ công tác ở các cơ sở công lập; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục;

b) Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục bảo đảm chế độ lương giáo viên không thấp hơn ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập và thực hiện chế độ bảo hiểm và các chế độ chính sách khác đối với giáo viên theo quy định;

Nhà nước có chính sách khuyến khích việc sản xuất đồ chơi, thiết bị phục vụ chương trình đổi mới giáo dục mầm non.

c) Thực hiện triệt để công tác xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục mầm non;

d) Cải tiến việc phân bổ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục mầm non theo hướng tính định mức theo số trẻ em trong độ tuổi mầm non trên địa bàn.

5. Nâng cao nhận thức và đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông về giáo dục mầm non

a) Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình về vai trò, vị trí của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong sự phát triển nguồn lực con người.

b) Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin và truyền thông về giáo dục mầm non;

c) Xây dựng kế hoạch thông tin và truyền thông, biên soạn và cung cấp tài liệu để phổ biến kiến thức và kỹ năng cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các bậc phụ huynh và toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục mầm non.

6. Tăng cường quản lý giáo dục mầm non; đẩy mạnh hợp tác quốc tế

a) Thực hiện triệt để phân cấp quản lý giáo dục theo tinh thần Nghị định Chính phủ số 166/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2004 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung làm tốt nhiệm vụ xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, cơ chế chính sách, quy chế hoạt động, quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục mầm non;

b) Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, thông tin và truyền thông giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Bộ, ngành, địa phương trong công tác chăm sóc, giáo dục mầm non;

c) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ thu hút các nguồn đầu tư, tài trợ từ các tổ chức quốc tế  Unicef, Unesco, WB, ADB, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.

IV. Nguồn vốn

Nguồn vốn đầu tư phát triển giáo dục mầm non gồm:

- Vốn từ ngân sách nhà nước bố trí trong chương trình mục tiêu quốc gia và dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách;

- Các nguồn hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng các chương trình, đề án chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của Đề án này để triển khai thực hiện;

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình đầu tư theo mục tiêu phát triển giáo dục mầm non để triển khai thực hiện trong Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục giai đoạn 2006 - 2010, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt;

c) Tổ chức giám sát, kiểm tra, thường xuyên đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo giám sát tình hình thực hiện những nội dung có liên quan đến việc bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực giáo dục mầm non;

b) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các chương trình truyền thông, vận động toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục mầm non;

c) Xây dựng các cơ chế, chính sách về gia đình và trẻ em phục vụ cho các mục tiêu phát triển giáo dục mầm non.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, thẩm định chương trình đầu tư cho giáo dục mầm non trong Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục giai đoạn 2006 - 2010 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm cho giáo dục mầm non ở các địa phương; cải tiến công tác phân bổ ngân sách chi thường xuyên.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Bố trí ngân sách thường xuyên, chương trình mục tiêu chi cho giáo dục mầm non để bảo đảm các mục tiêu, tiến độ thực hiện Đề án; tăng cường thanh tra, kiểm tra tài chính theo quy định của Luật Ngân sách;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu cải tiến phân bổ ngân sách; xây dựng bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cần thiết về tài chính nhằm phát triển giáo dục mầm non. 

5. Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về biên chế giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non thuộc các loại hình cơ sở giáo dục.

6. Bộ Y tế có trách nhiệm:

a) Chủ trì xây dựng kế hoạch và thực hiện các chương trình tiêm chủng, phòng bệnh cho trẻ em; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và hoàn thiện các chương trình dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng lồng ghép trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non.

b) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc phổ biến kiến thức, kỹ năng và cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình.

7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác đối với giáo viên và trẻ mầm non. 

8. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:

a) Xây dựng chương trình, đề án cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án này để chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn;

b) Chỉ đạo thực hiện việc quy hoạch mạng lưới, xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non, kế hoạch đào tạo giáo viên, huy động trẻ mầm non đến trường cho từng giai đoạn trên địa bàn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương;

c) Chỉ đạo thực hiện việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi phục vụ việc triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; có chính sách ưu đãi nhằm phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn; bảo đảm bố trí ngân sách chi cho giáo dục mầm non theo đúng quy định hiện hành;

d) Chỉ đạo việc áp dụng thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên ở các loại hình cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn theo đúng quy định của nhà nước.

9. Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể tham gia tích cực phát triển giáo dục mầm non, vận động trẻ em đến nhà trẻ, lớp mẫu giáo; tăng cường phổ biến, cung cấp kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ đến từng gia đình.


Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

Phạm Gia Khiêm - Đã ký

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Y kiến.
Ngày gửi: 10/27/2008 8:54:27 PM

Tôi nhận thấy lương giáo viên MẦm Non còn quá ít và không đủ sống mà giáo viên mầm Non rất vất vả, tôi có yêu cầu cần quan tâm hơn nữa đến mức thu nhập của giáo viên Mầm Non.


guest
Thỏ con 443.
Ngày gửi: 11/21/2008 8:32:41 AM


Em thấy giáo viên mầm Non ở trong biên chế có lợi hơn ngoài biên chế, vì giáo viên trong biên chế chỉ dạy một buổi còn ngoài biên chế dạy cả ngày mà mức lương thì bằng nhau.



guest

Cảm xúc của tôi.
Ngày gửi: 11/25/2008 4:40:43 PM

Tôi cảm thấy nhà nước mình chưa quan tâm đến ngành Mầm Non. GDMN chịu áp lực lớn mà lương quá thấp, tôi thấy nhà nước cần quan tâm hơn đến giáo viên Mầm Non để các cô không bị phân tâm đến những đồng lương ít ỏi của công việc mình đang làm và xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Tôi là một giáo viên đang làm quản lý trong trường Mầm Non, xin cảm ơn!


guest
Thắc mắc nhỏ.
Ngày gửi: 11/26/2008 9:13:43 PM


Chúng tôi là giáo viên hợp đồng được tin có trợ cấp của nhà nước cho 540.000d/tháng chúng tôi rất vui. Nhưng lại có quyết định về xã tri trả, là giáo viên trường dân lập thì không có vấn đề gì. Đối với giáo viên hợp đồng trong các trường công lập thì không biết tiền trợ cấp đó lấy từ đâu? Tưởng được an tâm hơn một chút lại buồn hơn nhiều. Ai cho chúng tôi biết phải kêu cầu ở đâu bây giờ? Xin cảm ơn!



guest

Cô Còi !
Ngày gửi: 11/29/2008 1:20:26 PM

Thật ra mà nói thì quả thực giáo viên mầm non chúng em còn rất nhiều điều thiệt thòi như bao điều mọi người cũng đã nói. Đi làm thì cả ngày lại chịu bao điều áp lực từ mọi người như: phụ huynh và có đôi lúc từ lãnh đạo vậy mà thử hỏi chúng em đã được quan tâm như thế nào? Em biết gần đây nhà nước đã có sự quan tâm hơn với chị em giáo viên chúng em bằng cách hỗ trợ thêm lương cho giáo viên nhưng điều đó chúng em đến bây giờ vẫn chưa thấy đâu cả đồng thời giá cả thị trường thì đã tăng lên từ bao giờ rồi. Cho nên vẫn như không mà thôi, theo ngành của chúng em đây là cấp học quan trọng nhất trong ngành học giáo dục thì lẽ ra sự ưu ái phải là nhất nhưng trên thực tế thì không phải như vậy lương thì vẫn thấp nhất đặc biệt lại là giáo viên hợp đồng. Vì vậy đề nghị các cấp lãnh đạo xem xét để đưa ra biện pháp giúp đỡ cải thiện đời sống của chị em, như vậy càng tạo thêm niềm tin yêu của các chị em trong nghề.


guest
Cái nghề đầy áp lực.
Ngày gửi: 12/6/2008 7:00:58 PM


Chúng em là giáo viên mầm non, bây gờ có dự định chuyển sang ngành khác. Thực tế mà nói, ngành Mầm Non là một ngành có nhiều áp lực và mệt mỏi. Áp lực về phía nhà trường và cộng thêm áp lực về phía phụ huynh. Khi bước vào trường lúc nào cũng chuẩn bị một tư thế sẵn sàng không dám cho mình mệt mỏi nếu sơ xuất sẽ không hay xảy ra với các cháu. Lúc đó sẽ làm cho phụ huynh khó chịu. Đó là một số áp lực thường gặp của giáo viên mầm non, nhưng thực tế chúng tôi đã được hưởng những gì? Lưong bổng thì không đủ để chi tiêu, giá cả thị trường vùng vụt tăng lên. Chính phủ có mục tiêu đến năm 2010 sẽ có số giáo viên mầm non sấp sỉ 3000 giáo viên, nhưng với tình trạng như vậy liệu con số đó có thực hiện đựoc không. Mầm non là ngành học dầu tiên nên rất mong có sự quan tâm hơn của các cấp các ngành để đời sống của chị em chúng tôi bớt chật vật hơn. Khi đó sẽ chuyên tâm với nghề hơn,rất mong sự quan tâm.



guest

Mọi người ơi giúp em được không?
Ngày gửi: 2/8/2009 5:45:51 PM

Em chào các chị! Em là Quyền, hiện nay em đang định mở một hệ thống nhà trẻ chất lượng cao. Nói thật với các chị thì em không có chuyên môn về ngành giáo dục vì thế em có thể nhờ các chị giúp em đặc điểm của ngành giáo dục mầm non đựơc không ạ. Ngành này có những khó khăn, thuận lợi gì?
Em cám ơn mọi người nhiều!



guest
Em đang chán ngành này!
Ngày gửi: 2/9/2009 1:56:35 PM


Em là sinh viên đang học ngành này nhưng cảm hứng học đang giảm vì áp lực từ thầy cô nhà trường và nhất là từ các đàn chị đi trước. Khi các chị đi làm đều nói rất căng thẳng và mệt mỏi từ mọi phía đặc biệt là phụ huynh. Họ luôn muốn con cái họ an toàn, sạch sẽ xứng với đồng tiền bát gạo mà họ đã bỏ ra. Bây giờ em đang chán nản không muốn học tiếp mà muốn chuyển qua ngành khác. Mong nhà nước để ý quan tâm đáp ứng nhu cầu của giáo viên mầm non để họ có thể tiếp tục trên con đường giảng dạy và nhất là tạo niềm tin cho thế hệ trẻ khi bước vào ngành này.



guest

Mình có thể hợp tác với bạn Quyên không?
Ngày gửi: 2/20/2009 7:42:32 PM

Chào bạn Quyên! Mình đang ấp ủ ý định thành lập trường Mầm Non Quốc Tế, mình liên lạc xem có thể hợp tác với nhau được không? Mail của mình: nguyen.ord@gmail.com


guest
Chào Quyên và Nguyễn
Ngày gửi: 3/1/2009 9:23:00 AM


Hai bạn định mở trường Mầm Non ư? Nếu có mở cho mình hợp tác với mình đã tốt nghiệp Đại Học và có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Mail của mình: giotnuocmatchiadoi1993@yahoo.com. Chúng ta bàn tính thử xem nhé!



guest

Tâm sự của sinh viên ngành Mầm Non
Ngày gửi: 3/10/2009 9:23:01 PM

Em đang là một sinh viên học ngành Mầm Non, em thấy buồn vì hiện nay ngành nay ít đươc quan tâm và rất khó xin việc ở địa phương liệu sau bốn năm học ra trường có việc hay không.


guest
Vì sự nghiệp trồng người
Ngày gửi: 3/19/2009 11:43:25 AM


Tôi là người quản lý trường mầm non tư thục đã hơn 10 năm nay đã trãi qua rất nhiều thử thách, lẫn khó khăn những rồi cũng đã qua đi những cơn mệt nhọc khi nhìn lại các học sinh của mình nay đã trưởng thành. Nghề chăm sóc và giáo dục trẻ khó khăn hơn những ngành nghề khác thì nó có một thứ khác biệt mà các nganh nghề khác không thể có được đó là sự tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Những khó khăn của toàn ngành GD mầm non chúng ta rồi đây sẽ có ngày khởi sắa với những con ngươi hết lòng hết tâm quyết của mình vào sự nghiệp trồng người.
Hiện nay Tôi đang tuyển những giáo viên có trình độ chuyên môn từ trung học mầm non trở lên có năng lực sẵn sàng vì đàn em thân yêu( với mức lương thỏa thuận phù hợp theo trình độ chuyên môn) để bổ sung thành lập một trường đạt chuẩn. Mọi chi tiết xin liên hệ qua mail: mail: Hoahau201166@yahoo.com. Địa điểm tại thành phố Cần thơ




linh

Đồng cảm cùng đồng nghiệp
Ngày gửi: 3/19/2009 1:52:58 PM

Tôi cũng đồng tình với các bạn là giáo viên mà cứ phải sắn quần tận gối để.........vậy mà "khổ vẫn hoàn khổ" mà vẫn phải chịu nhiều áp lực. Không những thế còn phải hưởng mức lương hàng tháng 290.000VND


guest
Cần chia sẻ.
Ngày gửi: 3/29/2009 3:44:36 PM


Tôi là sinh viên một trường CĐSP Huế, tôi nhận thấy rằng mức lương của GVMN là quá ít so với những gì mà họ đã làm. Các ông bố, bà mẹ chỉ việc đưa con mình đến trường và đón về mà có hiểu và thông cảm được nỗi vất vả của họ không?



guest

Bắt tay với Quyên, người cùng ý tưởng.
Ngày gửi: 4/1/2009 10:26:45 AM

Mình đã mở trường tư thục được mấy năm rồi, nhưng ấp ủ muốn phát triển chiều sâu mà chưa làm được. Mầm Non là nghiệp của mình, mình rất tâm huyết. Mình rất vui được trò chuyện, bàn bạc với Quyên về ý định mở trường Mầm Non chất lượng cao. Mail: Hanhim79@yahoo.com


guest
Thắc mắc nhỏ
Ngày gửi: 4/7/2009 4:05:01 PM


Em cũng là 1 SV đang theo học ngành MN nhưng thật sự mà nói thì trong em vẫn chưa hình thành được lòng yêu nghề. Bởi em nghe mấy chị khóa trước nói là sai lầm khi đã chọn ngành này vì ngành này rất khó, mà em cũng nghe nói là hiện nay GVMN cũng không còn được hưởng biên chế nữa, không biết có chính xác không?



guest

Đồng cảm cùng các bạn ngành mầm non
Ngày gửi: 4/15/2009 10:16:48 AM

Tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành mầm non, ra trường đi làm ở một trường mầm non và bây giờ là giảng viên của một trường cao đẳng. Càng theo nghề càng thấy buồn. Chưa bao giờ tôi thấy mình tự hào là một giảng viên vì sinh viên của tôi ra trường phải đối mặt với bao khó khăn vất vả. Thiệt tình câu đầu tiên tôi muốn nói với các em là tại sao lại chọn ngành này, hãy bước ra khi còn chưa muộn. Chúng ta đang cố tình che dấu một sự thật là rất và rất nhiều giáo viên mầm non bất mãn với nghề. Một ngày ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng các em ra còn là giáo án, đồ dùng đồ chơi, rồi tranh tra của phòng, của sở, thao giảng của trường. Mà cực đã đành thì đồng lương cũng phải tương xứng, lương của chúng tôi không thể nói là thấp mà là quá thấp so với cường độ làm việc. Còn phải nói luôn việc làm đồ dùng đồ chơi theo hướng mở: sử dụng nguyên liệu sẵn có, không biết người tham dự chấm điểm thì thấy nó sáng tạo đến cỡ nào chứ công sức làm ra thì vất vả lắm đó, độ bền lại không cao, lại mau cũ thì hiệu quả thẩm mĩ biến mất sau vài lần sử dụng. Toàn bộ các cán bộ sở ngành thử một lần làm việc như một giáo viên ở trường mâm non trong vòng một tháng với đầy đủ các công việc thử cem có còn hô hào nổi nữa không. Chán.


guest
Một số điều bất cập trong GDMN
Ngày gửi: 4/19/2009 5:16:00 PM


Đúng là GVMN thiệt thòi nhất, nhưng cũng mừng vì thời gian gần đây GDMN đã được Đảng và Nhà Nước quan tâm nhiều hơn trước kia. Tôi vẫn thấy nhiều điều còn bất cập. Như là việc dạy ngày 2 buổi đối với thành phố, tỉnh, thị trấn thì được còn áp dụng với đặc điểm ở các xã, thôn thuộc các huyện miền núi thì không tôi thấy không được vì các cháu còn nhỏ, đi buổi sáng trưa về là ở nhà luuôn buổi chiều ko ra lớp nữa vì trời nắng hoặc mưa, nhà xa nên các cháu ko muốn đi nữa, nếu có lớp bán trú thì thì giữ các cháu được. Nhưng đối với huyện tôi ở các xã mở lớp bán trú rất khó. Và việc bắt GV làm đồ dùng dạy học thì tốn kém, mất thời gian mà mau cũ, mau hỏng. Trong khi cấp trên có cấp phát đồ dùng dạy và học để làm gì. Theo tôi đồ dùng nào có săn thì sử dụng còn k thì mới làm thêm để GV có thời gian đầu tư vào chuyên môn nhiều hơn.



guest

Lời kêu cứu
Ngày gửi: 4/20/2009 10:14:09 AM

Chúng tôi là giáo viên mầm non ở vùng miền núi, công tác đến nay đã 25, 26 năm trong ngành mà vẫn là giáo viên hợp đồng ngoài biên chế, mức hưởng trợ cấp 2 năm nay mới được UBND Tỉnh hỗ trợ theo bằng cấp với bằng ĐH mới chỉ được 1.263.600 kể cả chưa đóng bảo hiểm , không có thu nhập khác ngoài tiền hỗ trợ kể cả là người quản lý tiền trách nhiệm và tiền phần trăm không có mà chỉ được hưởng như 1 GV, với mức như vậy chưa bằng lương của 1 cháu sinh viên mới ra trường được truyển vào công chức. Hơn nữa so với GV Tiểu học thì lại kém hơn nhiều mà GV Tiểu học chỉ dạy 1/2 buổi trên ngày còn GV mầm non thì thời gian có thể là 10 tiếng / ngày chứ không phải là 8 tiếng như giờ nhà quy định. Vậy GVMN muốn kêu cứu và được sự quan tâm của Bộ Giáo Dục và Bộ tài chính Trung ương tới đời sống của giáo viên mầm non vùng miền núi ngoài biên chế. Mong ước của GVMN miền núi là muốn được vào công chức nhà nước 100%. Nếu được như vậy chị em mới yên tâm công tác và hoàn thành tốt công việc ND,CS,GD trẻ tốt hơn! Xin chân thành cảm ơn!


guest
Cần sự đồng cảm
Ngày gửi: 4/27/2009 8:41:01 PM


Tôi là một giáo viên trẻ, nghiệp vụ thì cũng biết sơ thôi, nhưng điều đó tôi không lo mà điều chúng tôi lo là lỡ mà trong lúc chăm sóc các cháu có bị trầy xước nhẹ thôi là chúng tôi cũng bị trách cứ trong khi một lớp có rất nhiều học sinh. Mong được thông cảm hơn.



guest

Cùng đồng cảm
Ngày gửi: 5/8/2009 1:42:04 PM

Là một giáo viên mầm non với 27 năm trong nghề, lần đầu tiên vào trang này và lần đầu tiên đọc những tâm sự của chị em tôi cảm thấy thương cho mình quá. Nhưng ngẫm lại có nghề nào mà lại có nhiều cái nhất như nghề mình đâu, này nhé:
- Nghĩa vụ nhiều nhất(làm cô giáo, làm hộ lý, làm bác sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ làm dâu trăm họ..)
- Nhiều sáng kiến nhất: Từ rác thải gia đình làm ra những đồ dùng đồ chơi có giá trị sử dụng dạy học cao nhất, phù hợp với trẻ nhất, mau hỏng nhất, tốn nhiều công sức nhất, chưa chắc đã rẻ nhất...tự làm khổ mình nhiều nhất.
-Chạy nhanh nhất: Ứng dụng công nhệ thông tin nhanh nhất, mỗi trường chưa có nổi một máy vi tính vậy mà áp dụng dạy giáo án điện tử rec rẹc..chưa có máy quay phim chụp ảnh..."thuê" chưa có máy chiếu "thuê" Vậy là thêm được 2 cái nhất nghèo nhất, chịu chơi nhất.
- Thời gian làm việc nhiều nhất(đón trẻ từ sáng sớm cho bố mẹ kịp đi làm viêc,trả trẻ lúc chiều tối để mẹ còn tranh thủ đi chợ chiều, bố mẹ bận hay quên đón cô lại chở đến nhà.
- Quyền lợi ít nhất: ít lương, ít nghỉ ngơi, ít tiêu pha(có tiền đâu mà tiêu) đã 27 năm công tác nhưng chưa có một ngày được hưởng chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản, nay sắp đến tuổi về hưu, ý quên về vườn rồi nhưng sẽ nghỉ với hai bàn tay trắng( vì mới được đóng bảo hiêm có 7 năm( giá như nhà nước có chế độ cho phép được đóng bảo hiểm bù để đủ điều kiện cho giáo viên mầm non công tác lâu năm như tôi có chế độ nghỉ hưu thì tốt quá.



guest
Mầm Non luôn là nỗi lo sợ của sinh viên ra trường
Ngày gửi: 5/9/2009 9:04:06 PM


Hiện nay Mầm Non vẫn chưa được quan tâm và luôn bị mọi nười coi thường. Nhiều sinh viên rất buồn khi giới thiệu cho bạn bè biết về nghề nghiệp của mình. Bạn tôi cũng là một trong số đó, ngành học này vừa mệt, vừa tốn mà sao lại bị xem thường cơ chứ?



guest

Trẻ con chỉ là trẻ con.
Ngày gửi: 5/25/2009 7:14:36 PM

Trẻ con chỉ là trẻ con, các bạn đồng ý với tôi điều đó không? Tôi là một giáo viên Mầm Non ra trường được 3 năm. Các cô Mầm Non rất nhiều áp lực, đối với phụ huynh, Ban Giám Hiệu, khi dạy trẻ theo chương trình thì đòi hỏi trẻ phải thực hiện tốt. Nhưng BGH ơi, trẻ con vẫn là trẻ con thôi. Hãy cho trẻ vui chơi thoải mái với tuổi thơ của chúng. Đừng làm cho trẻ sợ.


guest
Chia sẻ cùng đồng nghiệp
Ngày gửi: 6/6/2009 10:08:10 AM


Tôi rất hiểu, rất thông cảm với các bạn, mặc dù không phải là giáo viên mầm non nhưng tôi biết còn nhiều thiệt thòi với các bạn. Giai đoạn mầm non là vô cùng quan trọng để hình thành nhân cách của một con người, điều này thì ai cung biết nhưng thật lạ tôi cũng không hiểu vì sao nhà nước lại không quan tâm đúng mức như vậy. Với đồng lương mấy trăm ngàn đồng thì sống sao nổi, làm sao mà toàn tâm toàn ý được dù có tâm huyết đến đầu đúng không? Tôi là giáo viên trường ĐHSP Kỹ thuật Hưng Yên, tôi luôn tự hào về điều đó vì sinh viên của tôi ra trường rất dễ tìm việc làm và lương còn cao hơn cô giáo(3 triệu - 4 triệu). Nên khi thấy bạn hỏi sv của mình tại sao vào ngành này và chui ra vẫn còn kịp, tôi thấy thực sự buồn cho ngành giáo dục của VN. Chúng tôi rất trân trọng nhiệt huyết của các bạn với nghề, nếu không có những người như các bạn thì con cái chúng tôi biết trông cậy vào đâu?



guest

Phụ huynh cần quan tâm và thông cảm với giáo viên mầm non hơn
Ngày gửi: 6/9/2009 8:49:20 AM

Tôi làm nghề này đã gần mười năm. Thú thực các chuyện vui buồn gì tôi cũng đã nếm trải. Tôi đã từng khóc khi nhớ về một học sinh mà tôi phải rời xa, đã từng rất cảm động khi học sinh của tôi dạy cách đây 6,7 năm gặp lại tôi vẫn chào tôi bằng mẹ. Và tôi vô cùng cảm động khi tôi chuyển trường mà phụ huynh cũ vẫn gọi điện hỏi thăm và cho con nói chuyện với tôi. Chính nhưng điều đó đã giúp tôi tiếp tục nghề này và không thể rời xa nó như là duyên nợ. Các bà mẹ ơi không phải các cô mong chờ các ngày lễ để nhận phong bì mà các cô luôn mong nhận được sự quan tâm chia sẻ của phụ huynh để đỡ phần nào công việc mệt nhọc. Một mẹ trông một con còn cảm thấy rất mệt mỏi vậy các cô thì sao? Hãy cùng chia sẻ với chúng tôi nhé!


guest
Hãy hết mình vì học sinh thân yêu
Ngày gửi: 6/9/2009 9:11:03 AM


Bạn là cô giáo mầm non? Bạn đang chán nghề này? Tôi cũng là giáo viên mầm non. Tôi cũng có lúc chán nghề như bạn vậy. Nhưng bạn hãy nhớ lại xem vì sao mình chọn nghề này? Chẳng phải là vì bạn rất yêu các em nhỏ đó sao. Tôi luôn tâm niệm điều đó nên cho dù gặp khó khăn gì: phụ huynh không thông cảm, lương quá thấp, công việc nhiều áp lực ...Tôi vẫn làm việc với tình yêu con trẻ như yêu chính con tôi vậy. Bạn có biết tôi đã nhận được gì không? Trái tim tôi vô cùng ấm áp khi gặp lại học sinh cũ của mình cách đây 6,7 năm mà vẫn nhớ và gọi tôi bằng mẹ, tôi vô cùng hạnh phúc khi tôi đã chuyển trường mà phụ huynh cũ vẫn tíu tít gọi điện hỏi thăm, thậm chí có phụ huynh còn gọi điện bảo tôi đến để họ gửi quà cho con tôi. Những việc đó chứng tỏ diều gì: khi bạn còn dạy họ gọi điện, hỏi thăm là vì có thể họ quý bạn nhưng cũng đơn giản chỉ vì họ quan tâm đến con họ, chỉ vì họ mong con họ được cô quan tâm chăm sóc. Còn những điều tôi nhận được thì sao? Tôi nghĩ đơn giản vì họ quý tôi, vì họ biết tôi đã từng chăm sóc con họ như là con tôi vậy. Thế nên tôi mong các bạn đừng nản chí. Chúng ta hãy làm việc hết mình rồi chúng ta sẽ được đền đáp.



guest

Ai có thể giúp tôi ?
Ngày gửi: 6/12/2009 2:24:26 PM

Tôi là Hệ- Là quản lí của một cơ sở mầm non .Tôi đã mở lớp nửa năm nay. Số lượng học sinh vào học đông quá. Tôi rất đang bối rối vì tôi không có chuyên môn trong lĩnh vực này.Hiện nay tôi đã ngừng không tuyển sinh nữa để ổn định và phát triển thành trường chất lượng cao. Các bạn giúp tôi với nhe.


quynho
Trả lời: Ai có thể giúp tôi?
Ngày gửi: 6/12/2009 2:37:55 PM


Chào bạn! Mình đã tốt nghiệp đại học sư phạm mầm non 2006, đã có kinh nghiệm trong công tác quản lý chuyên môn. Nếu thật sự bạn đang bối rối về quản lý chuyên môn, hãy gọi cho tôi bạn nhé! Tôi sẽ giúp bạn.
Thân chào




guest

Làm ơn giúp tôi!
Ngày gửi: 6/20/2009 9:39:33 AM

Tôi có tâm huyết mở trường mẫu giáo mầm non nhưng tôi chưa có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực này. Xin mọi người chia sẻ giúp tôi nhé !


guest
Lời tâm sự
Ngày gửi: 1/21/2011 10:16:06 AM


Em là cô giáo mầm non tương lai, em rất vui nhung không biết niềm vui của em được bao lâu vì gần đây em thấy nó quá ư là cực. Từ sáng sớm chúng em phải tới trường và cho đến khi chiều về thì chúng em mới đươc về mà lương của chúng em chẳng là bao. Áp lực từ phụ huynh, nhà trường thì rất cao.
Giá cả thị trường ngày càng tăng cao, lương không nhiều thì làm sao có đủ tài chính để chi tiêu trong gia đình. Vậy mà còn fải làm thêm ĐDĐC nữa thì làm sao sống nổi.




guest

Khổ than tôi vì phổ cập!
Ngày gửi: 4/8/2015 8:39:42 AM

Thử hỏi ai không biết làm cho dân ta sướng lên, ai không biết làm cho trẻ tốt hơn, nhưng trách nhiệm đổ cho ngành giáo dục không thi chết mất, điều tra cũng gd, nhập dữ liệu, sai sót, kiểm tra, chăm sóc, giảng dạy... đều gd, nhưng UBND xã chỉ dùng viết ký là xong, trong khi xả nhân lực có thừa, theo dõi nhân khẩu, đi, đến, thôn trưởng, thôn phó, họi, này, ban nọ ...có thừa. Mọi thứ đổ lên đầu gd thì oan quá!!!


guest
Khổ cho giáo viên mầm non
Ngày gửi: 4/13/2015 10:32:34 AM


Là một nguoi quản lý trong lĩnh vực giáo dục, phụ trách chỉ đạo chuyên môn mầm non, tôi thấy thương cho giáo viên mầm non và thương cho những người làm bên giáo dục, lương thì thấp và trách nhiệm, nhiệm vụ thì nhiều



guest

Cùng cảnh ngộ
Ngày gửi: 6/10/2015 8:06:33 AM

Là một nguoi quan ly trong truong mam non qua that là áp lục nhieu qua ai chưa lam quản lý thi mo ước nghĩ là sướng ai làm rồi thi chang biết kêu ai. Thơi buổi công nghệ lam ngày, làm đêm, là cả thưa 7 chủ nhật là chuyện bình thường.Vạy mà thật buồn vừ roi nhà nươc chi điều chinh lương cho những người co hệ sô dưới 2,34 gi do trong khi đó họ vưa ra trương lương thap là dieu dương nhien còn nhưng ngươi đã cống hiến mấy chục năm thi sao. Rất mong nhà nước xem xet khi có dieu chỉnh luong cho Gv MN


guest
Cùng nhau chia sẻ
Ngày gửi: 6/13/2015 10:41:02 AM


Tôi cũng là một giáo viên mầm non, bước chân vào nghề với bao tâm huyết, ước mơ mình sẽ là một người lái đò tốt. Nhưng khi vào rồi mới thấy thật không dễ dàng gì, trẻ còn nhỏ, phụ huynh chưa thực sự hiểu và thông cảm, áp lực công việc thanh tra kiểm tra, liên tục... Nhưng chúng ta cùng nhau cố gắng nhé: Tôi cố, bạn cố chúng ta cùng cố nha mọi người.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 NĐ về thủ tục kết hôn, nhận con ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân VN và người nước ngoài (Số 184-CP ngày 30-11-1994) (17/5)
 Nghị định quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ, chăm sóc & giáo dục trẻ em (Số 374-HĐBT ngày 11-11-1991) (17/5)
 Tham khảo, lấy ý kiến Quy chế công nhận trường Mầm Non đạt chuẩn quốc gia GĐ 2006-2010 (13/4)
 Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg (Về việc phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia Vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010) (12/4)
 NGHỊ ĐỊNH: Về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ (30/3)
 Quyết định số 1447/GD-ĐT ngày 02/06/1994 ( Vv Ban hành qui chế trường, lớp mầm non tư thục) (21/2)
 Văn bản số 930/GDMN (V/v hướng dẫn thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng GD dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm”) (6/2)
 Quyết định số 31 / 2005/ QĐ – BGD&ĐT ngày 20-10-2005 ( Vv Ban hành Quy định điều kiện tối thiểu cho các lớp MN, lớp MG và nhóm trẻ độc lập...) (17/1)
 Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ( Về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu ) (3/11)
 Công văn số 4593/GDMN (V/v Triển khai ứng dụng phần mềm dinh dưỡng mầm non Nutrikids) (14/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i