Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM công bố: "Tỉ lệ thiếu hụt dinh dưỡng của trẻ em ở nước ta hiện chiếm đến 31,9% và cứ khoảng 5 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu cân; 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi."
Hiện nay các bậc cha mẹ đã quan tâm hơn đến vấn đề dinh dưỡng của con em mình nhưng tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt dưỡng chất ở trẻ vẫn còn rất cao. Ngay cả dối với những gia đình có điều kiện chăm sóc bé tốt thì tình trạng này vẫn xảy ra. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Bữa ăn sáng của trẻ
Cũng giống như người lớn, trẻ luôn cần được ăn sáng đầy đủ. Một bữa sáng đủ chất không những cung cấp cho bé nguồn năng lượng sau một giấc ngủ đêm dài mà còn giúp bẻ trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt hơn trong học tập cũng như trong mọi hoạt động khác.
Tuy nhiên, trong cuộc sống bận rộn ngày nay, rất nhiều bậc cha mẹ đã xao lãng trong việc quan tâm tới bữa sáng của con. Nhiều người thường thức dậy muộn và chỉ cho con ăn sáng bằng cách uống sữa, ăn bánh ngọt... Cứ như vậy trong thời gian dài sẽ tạo ra sự thiếu hụt dưỡng chất ở trẻ.
Một bữa sáng đủ dinh dưỡng phải đủ 4 nhóm chất gồm chất đạm (protein), giúp bộ não hoạt động tốt; một ít chất béo (lipid) và chất bột đường (carbonhydrate) để tinh thần và thể chất năng động hơn; một ít rau xanh hay hoa quả tươi để bổ sung thêm vitamin và chất xơ.
Bữa ăn học đường
Nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới trong các thập kỷ qua và kinh nghiệm thực tiễn ở những quốc gia có triển khai bữa ăn nhà trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc... cho thấy bữa ăn học đường là yếu tố quan trọng tác động đến tốc độ tăng trưởng cũng như khả năng học tập sáng tạo của trẻ.
Ở các thành phố lớn của nước ta hiện nay, học sinh thường ăn bán trú ngay tại trường. Bữa ăn học đường tại các trường mầm non và tiểu học thường bao gồm bữa ăn trưa và bữa ăn xế (bữa ăn chiều). Mặc dù đây là bữa ăn được nhà trường giám sát khá nghiêm ngặt nhưng số lượng giáo viên ít mà học sinh lại quá đông nên việc quan tâm đến bữa ăn của từng em là điều không thể.
Bên cạnh đó, mỗi bé lại có thói quen ăn uống khác nhau. Do vậy, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng bé bỏ bữa, lười ăn hoặc ăn không ngon miệng khi ăn tại trường. Nhiều phụ huynh học sinh phàn nàn rằng con tôi đi học về thường kêu đói. Một số trẻ khác lại cho rằng thức ăn ở trường không hợp với khẩu vị của chúng. Nếu tình trạng này kéo dài thì cân nặng và sự phát triển của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Vậy đâu là giải pháp cho tình trạng thiếu hụt dưỡng chất cho trẻ?
Cân đối trong khẩu phần ăn hằng ngày
Không chỉ đối với người lớn mà trẻ nhỏ cũng rất cần được cung cấp một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý với 4 nhóm thực phẩm chính.
- Nhóm chất bột đường (bột, cháo, cơm...) là nguồn cung cấp năng lượng chính trong khẩu phần hàng ngày của bé.
- Chất đạm (thịt, cá, đậu...) với chức năng chính là tạo hình như giúp cơ thể bé xây dựng cơ bắp, tạo kháng thể, đặc biệt là sự phát triển tế bào não và cung cấp một phần nhỏ năng lượng (14-15%).
- Chất béo vừa cung cấp năng lượng, tăng khả năng ngon miệng lại giúp trẻ hấp thu tốt các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K.
- Vitamin và khoáng chất đóng vai trò rất quan trọng với việc phát triển, tăng trưởng, điều hòa các chuyển hóa trong cơ thể của trẻ cũng như tăng cường sức đề kháng phòng chống bệnh tật. Việc thiếu hụt một trong các chất này sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng không tốt đến sự tăng trưởng và phát triển của bé cả về thể lực và trí tuệ.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ cũng là điều mà các bậc phụ huynh nên lưu ý.
Cần lựa chọn chế biến cho trẻ những loại thực phẩm tươi ngon, giàu chất dinh dưỡng và có hạn sử dụng rõ ràng (với những loại thức ăn đóng hộp).
Theo GiadinhNet