Không uống nước sau 6 giờ chiều, không dùng nước cam, thức ăn có nhiều gia vị... Có rất nhiều quan niệm về cách ăn uống nhằm chữa trị căn bệnh đái dầm cho trẻ. Nhưng hãy lưu ý, những thay đổi (không cần thiết) trong chế độ ăn uống có thể không giúp được gì cho con bạn.
Có rất ít Bằng chứng để chứng minh việc một số loại thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây nên chứng đái dầm ở trẻ. Những sự thật dưới đây giúp bạn sáng tỏ được nhiều điều.
1. Thức ăn nhiều gia vị
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không có bằng chứng nào cho thấy các món có nhiều gia vị lại khiến trẻ đái dầm.
Quan niệm này bắt nguồn từ một sự thật là những thức ăn có nhiều gia vị được xem là có khả năng kích thích bọng đái đối với 1 số người và các bác sĩ cũng khuyên những người bị bệnh tiểu không kiểm soát nên kiêng những món có gia vị quá nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra mối quan hệ nào giữa việc tiêu thụ những món ăn có nhiều gia vị với căn bệnh "tè dầm".
2. Trái cây họ cam, quýt
Giống như gia vị, các loại trái cây như cam, chanh, bưởi... được cho là có khả năng kích thích bọng đái do hàm lượng chất chua có trong chúng. Điều này làm cho bạn phải băn khoăn mỗi khi trẻ đòi uống nước chanh hay nước cam mà chúng yêu thích. Nhưng, như đã nói ở trên, các kết quả nghiên cứu y khoa đã không chứng minh được sự liên quan giữa việc ăn các loại trái cây này với chứng bệnh đái dầm của trẻ, ngoại trừ một số trường hợp dị ứng thức ăn (làm từ các loại trái họ cam, quýt) đối với một số trẻ đã bị bệnh đái dầm.
3. Dị ứng thức ăn
Các chuyên gia vẫn chưa khẳng định được liệu việc dị ứng thức ăn có liên quan đến việc đái dầm ở một số trẻ em hay không. Vẫn còn có những bằng chứng rất hạn chế về vấn đề này. Trong 1 vài trường hợp, việc hạn chế những thực phẩm gây dị ứng lại góp phần làm thuyên giảm bệnh đái dầm.
Một cuộc nghiên cứu ở 21 trẻ bị bệnh đái dầm cho thấy, hơn một nửa trong số trẻ đã hết bệnh khi được áp dụng những khẩu phần ăn ít và hạn chế dị ứng. Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu này chỉ được thực hiện đối với 1 số ít bệnh nhi và những thử nghiệm rộng rãi hiện vẫn chưa được tiến hành.
Một số loại thức ăn có thể ảnh hưởng đến bệnh đái dầm như các sản phẩm từ sữa và những thứ có chứa màu thực phẩm nhân tạo.
4. Caffeine
Caffeine, dù ở đồ uống hay đồ ăn, đều hoạt động như là một chất lợi tiểu. Điều này cũng có nghĩa là nó kích thích bàng quang sản xuất ra nhiều nước tiểu hơn. Chính vì vậy, để tránh bị đái dầm các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân không dùng chất caffeine vào lúc chiều và tối
Cũng phải lưu ý thêm là nếu con bạn không uống cà phê không có nghĩa là chúng không tiêu thụ caffeine. Trà, côla, nước tăng lực đều chứa cafein. Caffeine còn có trong món sôcôla nóng và một số loại bánh kem sôcôla.
5. Uống nước trước khi đi ngủ
Ảnh: Internet
Việc hạn chế uống nước trước khi đi ngủ là một suy nghĩ phổ biến bởi vì điều này giúp trì hoãn sự đầy nước ở bàng quang và cho trẻ có thêm thời gian cần thiết để kịp thời thức dậy trước khi tè ra giường.
Tuy nhiên, bạn cũng phải lưu ý: uống nước không phải là cách duy nhất để trẻ cung cấp nước cho cơ thể. Một số loại thức ăn như súp, sữa chua và nhiều loại trái cây, rau xanh cũng chứa rất nhiều nước.
6. Nhận diện thức ăn gây bệnh đái dầm
Cơ thể mỗi người hoàn toàn không giống nhau, do vậy cần tìm hiểu để xác định được loại thực phẩm nào là nguyên nhân khiến con bạn đái dầm.
Các chuyên gia khuyên rằng, cần có sự ghi chép về diễn biến của chứng bệnh này, từ đó mới có cơ sở để nhận diện nguyên nhân của bệnh.
Một số trẻ khá thích thú trong việc tự theo dõi xem loại thực phẩm hay hành động nào giúp trẻ ngủ khô ráo suốt đêm. Việc để trẻ tự tìm hiểu về nguyên nhân của chứng đái dầm sẽ có lợi cho chúng ở 2 phương diện
- Giúp trẻ có cơ hội tự điều khiển chứng bệnh của mình và mang lại khả năng tự chữa trị bệnh
- Nếu trẻ phát hiện được loại thực phẩm mà chúng cho là nguyên nhân gây bệnh hoặc có thể ngăn ngừa bệnh, việc ăn và tránh ăn loại thực phẩm đó cũng có tác dụng tốt, cho dù trên thực tế đó chỉ là một ảnh hưởng về tâm lý chứ không có tác dụng chữa bệnh.
Nếu quyết định cho con mình không ăn một loại thực phẩm nào đó nhằm chữa trị chứng bệnh đái dầm, bạn cũng cần đảm bảo rằng những thay đổi trong chế độ ăn uống không phải là một hình phạt đối với căn bệnh của trẻ.
Rất nhiều trẻ mắc bệnh đái dầm, đặc biệt là những trẻ đã lớn, cảm thấy bối rối và xấu hổ. Trong khi các bậc phụ huynh luôn thấy thất vọng và giận dữ vì cứ phải lau chùi, dọn dẹp mãi. Điều này sẽ khiến trẻ lo lắng, gây ra tâm lý lo sợ và có thể là nguyên nhân khiến căn bệnh của trẻ trở nên nặng hơn.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải giúp trẻ hiểu được rằng bạn đang cố gắng giúp con chữa trị bệnh, chứ không phải là kết quả của sự trừng phạt dành cho việc tè dầm của trẻ.
Theo PN