Tâm lý
   Lì xì cho con một ước mơ!
 

Nếu có công ty Tư vấn Tâm lý nào có thể 'test' được chắc chắn con bạn hợp với nghề gì, con bạn sau này sẽ trở thành ai thì chắc chắn là sẽ giàu to.


Trong một báo cáo mới đây, Hội Tâm lý - Giáo dục TP. HCM điều tra với khoảng 1.000 hộ gia đình, đã đưa ra một kết quả không mấy bất ngờ: Có đến 90% cha mẹ phát hiện sai năng khiếu, thiên hướng bẩm sinh của trẻ.


Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy có lần nói đùa: "Lúc này nếu có công ty tư vấn tâm lý nào có thể 'test' được chắc chắn con bạn hợp với nghề gì, con bạn sau này sẽ trở thành ai thì chắc chắn là sẽ giàu to.


Khi đó, tôi nghĩ yêu cầu nộp cả ngàn đô để biết được chính xác tương lai của con, chắc ba mẹ nào cũng không tiếc. Nói đùa mà thật. Bởi bậc cha mẹ nào cũng nóng lòng muốn biết tương lai của con mình sau này sẽ là ai. Bé sẽ làm nghề gì?


Biết bao nhiêu bạn đã phải học những môn không phù hợp với tính cách? Trong các trường đại học, tỷ lệ sinh viên thi đậu vào trường rồi một, hai năm sau lại thi sang trường khác đang rất cao, có trường lên tới 40%.


Cũng rất nhiều sinh viên học miệt mài 4, 5 năm đại học rồi ra làm trái nghề. Thậm chí tiếc hơn nữa là khi đi được nửa đời người uể oải mới biết mình nhầm đường... Chắc hẳn chẳng ai muốn con mình phải sống làng nhàng, mờ nhạt và mệt mỏi trong một lĩnh vực không có hứng thú.


Vậy tại sao, khi Việt Nam chưa có một trung tâm nào có thể đảm bảo tư vấn nghề nghiệp chính xác, bạn không bắt tay vào làm ngay trong Tết này. Bạn có thể lì xì cho con một món quà mà con hẳn sẽ biết ơn bạn rất nhiều, còn bạn thì không tốn một ngàn đô đâu!


Đây là bí kíp của anh Nguyễn Thành Nhân, chuyên gia của Trung tâm đào tạo tài năng trẻ Châu Á - Thái Bình Dương, người thiết kế những mô hình giáo dục kỹ năng sống rất hot như: Học kỳ quân đội, Học làm người có ích, Hi! Teacher, Rèn luyện trong lửa đỏ...


"Hãy bắt đầu từ khi con bạn còn nhỏ. Từ khi cháu vừa mới biết chữ. Ngay thời khắc giao thừa, bố mẹ hãy thật nghiêm trang, trịnh trọng tuyên bố: "Bố mẹ sẽ lì xì cho con một ước mơ.


Con thích sau này làm nghề gì? Con thích sau này sẽ trở thành ai? Hãy viết ước mơ của con vào thiệp ước đúng trong giờ phút giao thừa thiêng liêng này thì sẽ rất linh nghiệm".


Sau đó, khi con trao cho bạn ước mơ của con, bạn sẽ hiểu con mình lúc này đang muốn gì. Những ước mơ trẻ con sẽ còn ngây thơ lắm, nhưng hãy trân trọng.


Có thể con bạn thích làm ca sĩ, có thể thích làm bác sĩ, hay như con tôi, thích làm người... bán băng - đô kẹp tóc (vì nhìn sạp hàng của người đó lấp lánh, quyến rũ quá) hay như Tốt - tô - chan, cô bé bên cửa sổ, đã từng ước mơ làm người thu vé xe buýt!


Kệ! Việc quan trọng nhất bây giờ không phải là tìm hiểu hay đánh giá đúng sai. Việc quan trọng nhất của bạn là thể hiện ra cho con thấy mình trân trọng tấm thiệp ước mơ của con, cho con hiểu rằng việc này là hoàn toàn nghiêm túc.


Ảnh minh họa


Nhận được ước mơ của con, bạn hãy lắng nghe, nâng niu, và... gật gù! Sau đó, vài tuần sau, bạn có thể bắt đầu tỉ tê, phân tích cho con hiểu nghề đó thực sự là gì.


Giao thừa năm sau, bạn lại tiếp tục làm như thế. Lại đúng phút giao thừa, bạn lại cho con viết điều ước về tương lai và nghề nghiệp lên tấm thiệp.


Năm sau nữa, lại tiếp tục viết.
Giao thừa năm nữa, con bạn lại viết nữa.
Chắc hẳn từ lần thứ 2, thứ 3 trở đi, ước mơ của con đã hình thành khá nghiêm túc. Và bây giờ mới là việc của bạn. Nếu ước mơ nào của con lặp đi, lặp lại nhiều lần qua nhiều năm, có nghĩa là con bạn thực sự thích công việc đó rồi đấy.


Hãy cho con tiếp xúc thực sự với nghề đó. Ví dụ con thích làm bác sĩ. Bắt đầu bằng việc mua sách về các tấm gương bác sĩ giỏi về nhà cho con xem, cả những sách văn học có viết về nghề đó, ví dụ tiểu thuyết: "Đèn không hắt bóng", phim "Blu trắng"... Rồi bạn tranh thủ tìm mọi cơ hội cho con vào thăm bệnh viện.


Nếu bạn có người quen làm nghề đó thì càng tốt, cho bé kết thân với bác sĩ, có thể cho bé theo chân bác sĩ vào phòng làm việc, và nếu bé lớn hơn, có thể cho bé phụ việc lặt vặt ở phòng khám của bác sĩ...


Việc cho bé tiếp xúc là rất quan trọng. Bởi vì có bé nhìn thấy bác sĩ khám cho mình vài lần và mình hết bệnh thì khá thần tượng, nhưng khi vào bệnh viện ngửi mùi cồn lại muốn ói, và nhìn thấy máu me thì té xỉu.


Sau khi đã cho con thâm nhập thực tế, những giao thừa sau đó, bạn vẫn tiếp tục cho con viết ước mơ. Nếu con vẫn thực sự thích nghề đó, thì chúc mừng bạn!


Nếu sau khi tiếp xúc với nghề, với những người làm trong nghề đó, mà con lại không thích nữa, thì bạn phải tìm hiểu nguyên nhân, và có thể phân tích cho con, kiên nhẫn đợi con hiểu, để con có thể vẫn tiếp tục chọn nghề đó, hoặc chọn lại nghề nghiệp khác.


Đơn giản nhưng khá dài hơi, năm này qua năm khác.
Tuy nhiên, nhiều bé, vì ít được tiếp xúc với các nghề trong xã hội, các bé chỉ biết được những nghề của bố mẹ, nghề cô giáo khi đi học, nghề bác sĩ khi đi khám bệnh, rồi nghề bán hàng khi đi mua hàng.


Có nhiều nghề các bé chưa từng biết hoặc nghe qua. Vì vậy, song song với việc lì xì cho con một ước mơ, bạn phải nạp vào đầu con một cơ số ước mơ để con chọn lựa, con có một ngân hàng nghề dồi dào, thì con sẽ càng dễ chọn những nghề phù hợp với mình hơn.


Một người bạn của tôi rất quan tâm tới việc hướng nghiệp cho con. Từ nhỏ anh ấy đã hay dẫn con đi chơi cùng, tiếp xúc với nhiều bạn bè mình, vốn theo nhiều ngành khác nhau.


Lần nào anh cũng giới thiệu: "Đây là chú Tính, chú ấy làm kế toán. Công việc của chú ấy là...". Rồi anh tranh thủ cho con quan sát, cảm nhận. Bé sẽ có nhận xét về nghề và người làm nghề đó. Và rồi con sẽ chọn.


Chắc chắn việc hướng nghiệp chính xác cho con là không đơn giản. Thực sự phải đầu tư thời gian. Nhưng tôi nghĩ là đúng. Đầu tư thời gian cho con, tôi nghĩ bạn sẽ không bị lỗ đâu!


Theo Lửa ấm

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bạn đã biết cách nhìn nhận khả năng con cái? (22/1)
 Dạy bé nhớ mặt chữ (21/1)
 Dạy con biết cảm ơn trong ngày Tết (19/1)
 Dung hòa giữa mẹ và con gái (19/1)
 Hiểm họa rình rập khi trẻ dùng internet (19/1)
 Dạy trẻ cách tư duy nhiều mặt (18/1)
 Lựa lời nói chuyện giới tính với trẻ (18/1)
 Tá hỏa vì con bỗng nhiên “đầu gấu” (18/1)
 4 tuyệt chiêu nuôi dạy con một (17/1)
 Giúp trẻ nhận biết "mặt trái" (17/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i