Thiếu trường lớp, chương trình không đồng bộ trong khi trình độ giáo viên lại nhiều yếu kém, việc đào tạo giáo viên mầm non nhiều bất cập, chế độ cho người dạy quá thấp...
Quá tải
Theo PGS.TS Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, việc quy mô không đáp ứng nổi nhu cầu là bức xúc lớn nhất của giáo dục mầm non hiện nay. Cụ thể, năm học 2010-2011, chỉ có 21,5% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học. Ở khu vực đông dân cư ngay trong thành phố, thị xã, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở giáo dục mầm non cho các bậc cha mẹ có thu nhập trung bình, thu nhập thấp còn rất thiếu. "Thực trạng này hầu như bị thả nổi và chưa có được giải pháp tháo gỡ," bà Tuyết nói.
Nêu ví dụ cụ thể ở ngay Hà Nội, theo bà Tuyết, việc quy hoạch các khu dân cư đã không gắn với xây dựng các trường mầm non. Có nơi xây trường nhưng lại giao cho tư nhân xây dựng và thu học phí tới hàng trăm USD, ngoài khả năng chi trả của người dân, dẫn đến tình trạng trường thừa chỗ nhưng trẻ vẫn không có nơi để học, người dân phải khổ sở kiếm chỗ cho con ở trường công. Trường công vì thế trở nên quá tải.
Đây cũng là bức xúc của đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Theo Hội này, dù những năm qua, giáo dục mầm non đã được đầu tư phát triển nhiều hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bức xúc. Cơ sở trường lớp không đáp ứng được nhu cầu của trẻ, sĩ số lớp trên mức quy định. Thành phố Hà Nội đến cuối năm học 2010-2011 còn có 6 phường thiếu trường mầm non công lập (thuộc hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng). Đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ dưới 2 tuổi để cha mẹ tham gia lao động sản xuất là bức xúc lớn nhất, là nguyên nhân của tình trạng các cha mẹ buộc phải gửi con ở nhà trẻ tự phát không đảm bảo an toàn.
Bà Đặng Thị Sáu, Phó Chánh văn phòng Hội Khuyến học Hà Nội lại đưa ra một vấn đề cũng không kém phần nan giải là trẻ dưới 12 tháng tuổi gần như không có nổi một chỗ học trường công nào tại Hà Nội. Trong khi đó, nhu cầu gửi con của người dân ở lứa tuổi này rất lớn. Để đi làm, họ phải nhờ người nhà, thuê người giúp việc hoặc gửi nhà dân. "Đây là một hạn chế lớn của giáo dục mầm non. Chúng ta đã bỏ qua thời kỳ vàng của trẻ. Một số trẻ chậm nói, chậm phát triển, đó là hậu quả của việc thiếu môi trường giao tiếp, thiếu môi trường học tập cho trẻ," bà Sáu nhận định.
Báo động chất lượng giáo viên
Theo PGS.TS Lê Thị Ánh Tuyết, mặc dù đã có trên 70% số cơ sở giáo dục mầm non trên toàn quốc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới song nhiều giáo viên, kể cả giáo viên ở các khoa đào tạo sư phạm mầm non chưa hiểu thấu đáo về bản chất cái mới, cái ưu việt của chương trình, còn lúng túng khi thực hiện, cách hiểu máy móc. Nhiều giáo viên vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của phương pháp cũ, nặng về diễn giải, ít tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động, trải nghiệm. Giáo viên thiếu khả năng quan sát và đánh giá trẻ theo yêu cầu của chương trình mới.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cho rằng, đa số giáo viên còn nhiều lúng túng trong xây dựng kế hoạch giảng dạy.
Lý giải vấn đề này, bà Tuyết cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là do việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên mầm non để thực hiện chương trình mới còn hạn chế. Ở giáo dục phổ thông, nếu đổi sách giáo khoa thì giáo viên sẽ được tập huấn theo sách. Nhưng ở bậc mầm non không có sách giáo khoa nên việc tập huấn, bồi dưỡng chưa hiệu quả.
Cũng chia sẻ về việc này, PGS.TS Lã Thị Bắc Lý, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non của Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, vài năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng được thành lập ồ ạt nên giảng viên cũng không được tinh lọc. Thậm chí có trường khoa giáo dục mầm non vừa thành lập, bản thân giáo viên không có chút kiến thức nào nhưng vẫn chiêu sinh. Chất lượng giảng viên vì thế không đảm bảo, dẫn đến hiệu quả đào tạo thấp, sinh viên ra trường kém về chuyên môn nghiệp vụ.
Trong khi chất lượng giáo viên được đào tạo bài bản vẫn còn phải xem xét lại thì các bảo mẫu không chút trình độ ở các cơ sở mầm non tư thục, tự phát còn đáng lo ngại hơn nữa. Hàng loạt những tai nạn thương tâm của các bé là nạn nhân của tình trạng này như ở Bình Dương, Đồng Nai...
Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, tại Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên khu vực ngoài công lập vẫn con thiếu, hiện phải sử dụng hơn 1.500 bảo mẫu thay thế giáo viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập.
Bên cạnh các vấn đề trên, hàng loạt những bất cập khác của giáo dục mầm non cũng được các đại biểu đưa ra như việc chế độ lương cho giáo viên quá thấp, việc ký hợp đồng khó khăn, vấn đề chênh lệch về số lượng và chất lượng đào tạo giữa các vùng miền.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Tiến, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì chính sách cho giáo dục mầm non là một chủ đề lớn. Chính sách đã có nhiều nhưng có chính sách chưa kịp thời, chưa đồng bộ, trong khi giáo dục mầm non đang khó khăn ở nhiều mặt. Vì thế, một hội thảo không nên nói quá rộng, như thế sẽ khó tìm được giải pháp hiệu quả nào. "Có thể chỉ lựa chọn, rà soát một vài chính sách về vấn đề cụ thể để thảo luận," ông Tiến nói./.
Theo Vietnam