Xã hội hoá giáo dục, hệ thống các trường mầm non tư thục ngày càng phát triển. Bên cạnh những trường chất lượng cao (đi kèm với học phí "ngất ngưởng"), vẫn còn một số lượng lớn các trường chưa đảm bảo đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất để nuôi dưỡng trẻ, nhất là trong những ngày hè đổ lửa làm người lớn cũng oải này.
Hầu hết là nhà thuê
|
Ảnh chụp tại lớp mẫu giáo Hoa Lan, 56/112 Ngọc Khánh, Đống Đa (HN). |
Có thể nói, chỉ có một số ít trường mầm non tư thục đảm bảo được sân chơi rộng rãi, thoáng mát, có cây xanh cho trẻ như Minh Hải (phân hiệu 2), Vietkids (Q.Đống Đa), Hoa Linh (Q.Cầu Giấy), Dreamhouse (Q.Hoàn Kiếm)... còn lại đa số các trường mầm non tư thục đều không có sân chơi riêng cho trẻ. Bắt nguồn từ thực tế là phần lớn các trường mầm non tư thục đều có quy mô nhỏ (4 - 6 lớp), hầu hết phải thuê địa điểm là những ngôi nhà vốn dĩ không được xây dựng để nuôi dạy trẻ, không có thiết kế khoảng không gian nào để cho các cháu vui chơi.
Bởi thế, hầu hết những trường này chỉ có thể cố gắng thu xếp một khoảng trống nho nhỏ ngay ở cửa ra vào để bày vài con thú nhún, một hai cái cầu trượt nhỏ bằng nhựa, coi đó là "sân chơi" của các cháu. Những trường "may mắn" hơn như Thái Dương, Chích Bông, Hoa Thuỷ Tiên (Q. Đống Đa), mặc dù cũng không có sân chơi riêng nhưng do trường nằm gần sân chơi chung của khu tập thể nên các cháu còn có chỗ để chạy nhảy, đùa nghịch vào hai buổi sáng - chiều.
Tại phân hiệu 1 của Trường mầm non tư thục Minh Hải là một ngôi nhà bốn tầng tại khu tập thể Trung Tự, khi được hỏi: "Các cháu vui chơi ở đâu?" thì một cô giáo ở đây trả lời: "Các cháu chơi trong phòng, mỗi tuần có hai buổi được các cô dắt ra ngoài đi dạo". Vậy mà, các cháu ở đây cũng vẫn còn may mắn hơn nhiều cháu được gửi tại những nơi được gọi là trường mầm non mà thực chất không khác một điểm trông giữ trẻ gia đình. Trường mầm non tư thục Minh Phương (Q. Hai Bà Trưng) là một ví dụ: nằm trong một ngõ nhỏ, tầng trên của ngôi nhà được dùng làm lớp học còn tầng dưới vừa là nơi đón - trả trẻ, vừa là sân chơi, phòng ăn...
Trong độ tuổi đang phát triển cả về tâm lý và thể xác, các cháu lại không được vui chơi chạy nhảy, cả ngày bị "nhốt" trong bốn bức tường của lớp học thì liệu có đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ?
Bị "nhốt" trong cái nóng và ồn
Không chỉ thiếu sân chơi, nhiều trường còn buộc phải "kín cổng cao tường" bởi một lý do đơn giản: Nằm trong các khu phố cổ. Trường mầm non tư thục Nam Thắng, một ngôi nhà ống điển hình nằm giữa phố Hàng Thiếc, suốt ngày ầm ĩ tiếng gõ, đục, cắt... của các hộ xung quanh, phòng học của các cháu dù đã đóng kín mít vẫn không thể thoát được những tiếng ồn khủng khiếp đó. Nằm trong khu phố cổ nên trường không thể có thêm được khoảng trống nào phía bên ngoài, bởi vậy cho dù trường đã dành hẳn sảnh ở tầng một làm sân chơi và tầng 5 làm phòng thể chất, các phòng học đều được lắp điều hoà nhiệt độ, nhưng các cháu luôn phải sống trong môi trường đèn điện, hiếm khi nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Trong vai phụ huynh đến xin cho con nhập học tại Trường mầm non tư thục Minh Phương, chúng tôi tận mắt chứng kiến các cháu nhỏ vừa khua bát, vừa ồn ào ăn uống trong tầng một chật chội và cái nắng nóng 37-380C, giữa phòng chỉ có cái quạt trần, dù quay hết cỡ cũng không thể xua hết được cái nóng nực, bức bối. Các cô giáo tại đây cho biết, với mức học phí chỉ hơn 200.000 đồng/tháng thì cho dù thời tiết có bức bối đến đâu, các cháu cũng chỉ có quạt trần là phương tiện chống nóng duy nhất.
Mặc dù không hoàn chỉnh nhưng các trường tư này vẫn được khá đông phụ huynh gửi gắm con em, một phần vì không xin được vào các trường công lập, mặt khác, quan trọng hơn, đó là các trường này bắt đầu nhận trông giữ trẻ từ rất nhỏ, hầu hết đều dưới 2 tuổi, thậm chí trẻ 12 tháng trường cũng vẫn nhận. Bên cạnh đó, những trường này còn trông trẻ muộn, có thể đến 6-7 giờ tối, điều mà các trường công lập không bao giờ chấp nhận. Các trường mầm non tư thục mới vẫn đang tiếp tục ra đời, vẫn tiếp tục "điệp khúc" thiếu sân chơi, cơ sở vật chất không thật sự hoàn chỉnh... và phụ huynh vẫn phải tiếp tục chấp nhận! Lê Nguyễn
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Trưởng phòng GD mầm non, Sở GDĐT Hà Nội - cho biết: Hiện toàn thành phố có 345 trường mầm non, trong đó có 49 trường tư thục đã được cấp phép. Để được phép mở một trường mầm non tư thục, đối tượng phải làm đủ thủ tục theo yêu cầu, sau đó đến Phòng GD mầm non để được tư vấn, cán bộ Phòng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá địa điểm, điều kiện cơ sở vật chất, nếu đủ điều kiện mở 3 nhóm lớp sẽ được phép mở trường, nếu không đủ 3 nhóm lớp thì được phép mở nhóm lớp.
Sau khi có kiểm tra, đánh giá của Phòng GD mầm non, UBND quận sẽ ra quyết định thành lập trường và UBND phường ra quyết định mở nhóm lớp.
Mặc dù Bộ GDĐT đã có quy định cụ thể về điều kiện tối thiểu để mở trường, nhóm lớp nhưng trên thực tế, do áp lực là nhu cầu của người dân, đặc biệt là những người dân lao động ngoại tỉnh không có hộ khẩu thành phố, nên đã xuất hiện nhiều nhóm lớp, trường mầm non tư thục không đủ điều kiện. |
Phụ huynh: Trăm mối lo
|
Một lớp của Trường Mẫu giáo tư thục Hoa Lan (HN). |
* Chị Ngọc Hải (có con học lớp mẫu giáo tư thục Hoa Lan, 56/112 Ngọc Khánh, Q.Đống Đa): Hè đến, sụt cân. Do điều kiện công việc rất bận nên tôi gửi cháu ở lớp mẫu giáo gần nhà. Từ đầu hè tới giờ trời nắng nóng liên tục, cháu nhà tôi thường lười ăn nên trong thời tiết này chuyện ăn uống càng kém, bị sụt cân. Thương con, hai vợ chồng cũng định cho cháu chuyển sang trường khác ở xa có điều kiện tốt hơn, thế nhưng do công việc phải đi từ sáng đến 7-8 giờ tối, chuyện đưa đón không đảm bảo được thuận tiện nên vẫn phải "kiên trì".
* Anh Phạm Tuấn (có con học lớp mẫu giáo Hướng Dương - số 102/5 Huỳnh Thúc Kháng, Q.Đống Đa): Dễ bị nhiễm khuẩn qua đường hô hấp. Tôi mới cho cháu chuyển về lớp mẫu giáo Hướng Dương được gần 1 tháng vì lớp có lắp máy điều hoà nhiệt độ (ĐHNĐ). Còn trường trước kia cháu học lại dùng loại quạt làm mát bằng hơi nước đá, sức khoẻ của cháu nhà tôi yếu nên hay bị ho. Thực ra học phí 2 nơi cũng không chênh lệch bao nhiêu, chỉ 50 nghìn. Tôi sẵn sàng đóng thêm số tiền như vậy để con mình có điều kiện tốt hơn. Mà tôi thấy nhiều trường tư thục hiện nay thường sử dụng quạt làm lạnh bằng hơi nước đá, điều này báo chí cũng cảnh báo nhiều vì ở môi trường đông người dễ gây nhiễm khuẩn qua đường hô hấp.
* Chị Hồng Minh (có con học tại trường mầm non Dream House, 3/30, Lý Nam Đế, Q.Hoàn Kiếm): Không tin tưởng vào cô giáo. Trước kia tôi cũng gửi cháu ở lớp mẫu giáo tư thục điều kiện bình thường, lớp có 5 cháu với hai cái quạt bàn thổi thốc cả ngày, trình độ nghiệp vụ của người trông không cao. Dù "quảng cáo" tốt nghiệp trường Cao đẳng Nhà trẻ - Mẫu giáo Trung ương nhưng thực ra lại là một cô gái làm nông nghiệp chuyển nghề. Một mình cô ấy trông 5 cháu như thế tôi không tin tưởng.
* Cô giáo Thu Trà (hiện đang dạy tại một lớp mẫu giáo tư thục trong làng Ngọc Hà, Q.Ba Đình): Không thể tăng học phí. Lớp của chúng tôi chỉ có 8 cháu, học phí là 250 nghìn đồng/tháng. Vậy nếu lắp máy điều hoà nhiệt độ để chạy ròng rã cả ngày thì chắc chắn sẽ phải bù lỗ. Còn như tăng thêm học phí thì nhiều gia đình sẽ không có khả năng đóng. Mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau, hầu hết các cháu gửi ở đây có bố mẹ là người lao động điều kiện kinh tế khó khăn, và điều quan trọng là bố mẹ các cháu thấy rằng điều kiện lớp học như vậy hợp lý nên vẫn yên tâm gửi.
Luyện thi vào lớp bét
Với các lĩnh vực khác tôi không dám nói, riêng với trường mầm non (cả nhà trẻ, mẫu giáo) tôi đảm bảo "quốc doanh" hơn hẳn "dân doanh". Từ ngày có kinh tế thị trường, ngoài hệ thống mầm non dân lập nông thôn, ở các đô thị xuất hiện nhiều nhà trẻ, trường mầm non tư thục. Cái gì đã tốt chả cần khen cũng vẫn tốt.
Ở đây chỉ xin nói rằng có rất nhiều cơ sở mầm non tư nhân mới chỉ ở trình độ... nhóm trẻ. Tôi không tin các "nhóm trẻ" này lại có đủ chương trình giáo dục các em nhỏ đầy đủ về thể chất, trí tuệ, lối sống như ở trường mầm non "quốc doanh". Trước hết là không có nhóm nào có đủ diện tích mở trường. Nhiều nhóm chỉ là một căn hộ gia đình, không có sân chơi và các phòng cho bé sinh hoạt.
Tất cả đều ở trong một phòng đa năng: Ăn, ngủ, chơi lung tung, có hát hò tí chút và tất nhiên cũng là chỗ để ị bô. Những ngày nắng nóng các cháu được nằm đất, hưởng quạt chế độ "tuốc năng", đứa nào cũng sâm sấp mồ hôi, làm gì có tiêu chuẩn máy lạnh và gió trời. Mùa đông thì đương nhiên mặc áo ấm đi ngủ, có đứa bố mẹ đóng cho con nhiều quá, nằm tròn như củ khoai lang. Trong điều kiện "quốc doanh" còn nhiều chuyện cần nói thì "dân doanh" cũng không thể cầu toàn được. Người ta "phục vụ nhân dân" ăn tiền như thế cũng là tốt lắm rồi.
Có điều cần nói hệ thống "tiền học đường" với hệ thống giáo dục phổ thông là một quá trình thống nhất, giai đoạn này chuẩn bị cho giai đoạn kia. Các bé "tiền học đường" ở "dân doanh" khi chuyển sang phổ thông cơ sở sẽ có "lỗ hổng kiến thức", có khi phải học "dự bị cấp I" hoặc phải "luyện thi vào lớp bét" cũng nên (!?)
Trần Chinh Đức |
Lao Động