Người xưa có câu "Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư". Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý giáo dục,thực tế nên hiểu sự "cãi" ở đây theo hướng tích cực.
Các chuyên gia cho rằng, đúng là con cái cần phải hiếu lễ với cha mẹ, tuy nhiên trong nhiều hoàn cảnh thì có lẽ con cái cũng nên có tiếng nói tranh luận với cha mẹ, như vậy mới là con ngoan.
Áp đặt dễ gây phản kháng
TS Trần Thu Hương, khoa Tâm lý, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc con cái có cần nghe, làm theo lời cha mẹ hay không và nếu có thì ở mức độ nào còn tùy thuộc vào từng gia đình, vào từng hoàn cảnh giáo dục.
Có những gia đình hoàn toàn không chấp nhận việc con cái có thể "nói chuyện tay đôi" với cha mẹ, có thể tranh luận với cha mẹ về một quyết định nào đó hoặc có những gia đình mà con cái chỉ lấy ý kiến của cha mẹ để tham khảo trước khi ra quyết định của riêng mình, hay thậm chí không cần làm theo cha mẹ.
Ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu đứa trẻ cảm thấy chấp nhận và thoải mái với việc nghe theo hay không nghe theo cha mẹ thì đều không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, không ít trường hợp khi còn nhỏ, trẻ sẵn sàng nghe theo những quyết định của cha mẹ dù có cảm thấy thoải mái hay không, nhưng khi lớn lên trẻ có sự thay đổi trong tính cách. Đứa trẻ có thể không còn cảm thấy thoải mái để bị chèn ép, bị người khác áp đặt, quyết định thay mọi việc trong cuộc sống của mình. Trong trường hợp đó, phản kháng tiêu cực là điều dễ xảy ra.
TS Tâm lý Peter Segal, chuyên ngành Tâm lý học đường, Đại học Hofstra (New York, Hoa Kỳ), trong một cuộc hội thảo với các phụ huynh Việt Nam đã cho rằng, đôi khi những sự ép buộc thiếu tôn trọng này gây căng thẳng, stress cho trẻ, lâu dần sẽ dẫn đến việc trẻ luôn có thái độ chống đối, thậm chí là thù nghịch.
Cách dạy bảo hà khắc này đã làm mất tự do của trẻ, thậm chí có thể khiến trẻ phát triển lệch lạc hoặc khiếm khuyết về nhân cách. Lúc đầu có thể những đứa trẻ dễ bảo sẽ dễ dàng nghe lời và làm theo sự áp đặt của cha mẹ mà không phản đối. Hoặc khi nguyện vọng của con và cha mẹ gặp nhau, con cái sẽ dễ trưởng thành trong cuộc sống, thành đạt trong sự nghiệp.
Tuy nhiên, không ít trường hợp, khi lớn lên và có nhiều cơ hội tiếp xúc ngoài xã hội, trẻ tự nhận biết rằng sự giáo dục trong gia đình là quá hà khắc, rằng cuộc sống đa dạng hơn nhiều và mình đã không biết đến một cuộc sống nào khác ngoài việc chỉ răm rắp làm theo lời cha mẹ. Đứa trẻ trưởng thành đó sẽ dễ có những phản ứng thay đổi thái cực, phá vỡ nền tảng ban đầu và thậm chí đã có trường hợp xuôi theo chiều hướng xấu.
Rèn cho trẻ tính tự chủ
TS Mark Terjesen, khoa Tâm lý, Đại học St. John's (Hoa Kỳ) đã chia sẻ với các phụ huynh Việt Nam: "Có những giá trị mà phụ huynh coi trọng nhưng chưa chắc các con đã coi trọng, vì vậy cha mẹ đừng nên ép buộc con làm theo một cách máy móc những yêu cầu của mình".
Không ai muốn con mình có một cuộc sống bị động, luôn làm theo những chỉ dạy của người khác, bởi để hòa nhập với cuộc sống hiện đại, mỗi người đều cần có tính tự lập, tự chủ. Những đức tính đó cần được rèn luyện từ nhỏ, ngay trong môi trường gia đình. Vậy thì tại sao cha mẹ lại không muốn cho con được tự do quyết định cuộc sống của con mà lại phải răm rắp nghe theo cha mẹ?
"Một đứa trẻ dám tranh luận với cha mẹ để bảo vệ chính kiến của mình mới là đứa trẻ ngoan. Đứa trẻ đó lớn lên mới có phẩm chất của một con người hiện đại, biết tự chủ và tự quyết định cuộc sống của mình. Tuy nhiên, khi con còn nhỏ, cha mẹ cần ở bên để hướng dẫn những quyết định của con, giúp con định hướng đúng cho cuộc sống", TS Segal nhấn mạnh.
Theo afamily