"Bố về đi, con muốn ở lại chơi với cô và các bạn". Nói xong, cậu học trò nhìn cô giáo như muốn "cầu cứu". Không "cứu" học trò trong tình huống này bởi đã hết giờ học nhưng cô giáo nhẹ nhàng nói vài câu thì cậu bé mới chịu theo bố ra về...
Đưa tay lau những giọt mồ hôi trên trán, cô Hoàng Ngọc Kim Mai, giáo viên Trường Mầm non Quận (Q.11), cho biết điều khiến cô vui nhất là thấy học trò của mình tỏ ra yêu bạn, yêu lớp, mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
1. Có thể nói, giáo viên mầm non chính là những người "khai trí", đặt viên gạch đầu tiên trong việc dạy người, dạy nhân cách cho trẻ em. Bởi ở lứa tuổi này, các em được ví như tờ giấy trắng tinh khôi. Ngây thơ, trong sáng, rất đáng yêu song cũng không kém phần nghịch ngợm. Thế nên, "Ngày đầu nhận lớp, niềm háo hức chưa kịp tan thì tôi đã muốn... bỏ về bởi không biết phải xoay xở ra sao với 40 cô cậu nhỏ đứng quanh mình. Trong lúc chưa dứt câu với em này thì bên kia, một học trò khác đã ơi ới gọi "cô ơi!" khiến tôi... chóng mặt", cô giáo Kim Mai mở đầu bằng một câu nói vui. Để rồi, từng ngày qua đối diện với những đôi mắt trong veo, vài ba câu hỏi ngô nghê của học trò đã trở thành động lực, tình yêu lớn lao giúp cô hiểu rằng, đây chính là mái nhà thứ hai và các em là những mầm xanh mà cô có bổn phận chăm sóc. Gắn bó với lứa tuổi này còn bởi cô Mai không thể nào quên những tâm sự dễ thương của học trò. Kiểu như: "Hôm qua bố mẹ cãi nhau, xong rồi bố chở hai mẹ con đi ăn", hay: "Hông hiểu sao mẹ không mua đồ chơi cho con"... Thậm chí có học trò vì giận bố mẹ đã... giận lây cô giáo đến nỗi không thèm nói chuyện, khiến cô cũng nhiều đêm mất ngủ.
2. Ở Trường Mầm non Quận (Q.11), cô Kim Mai được ví như một chuyên gia về sáng kiến kinh nghiệm khi liên tục đưa ra những sáng tạo mới mẻ cho hoạt động học và chơi của trẻ. Điển hình là sáng kiến tái sử dụng nguyên vật liệu phế thải thành những món đồ chơi ngộ nghĩnh, hữu ích. Đó là các lõi chỉ, ống hút được cô đục đẽo cẩn thận, sau đó trang trí thành một cây xanh hoặc biến hũ sữa chua thành những chú rối con xinh xắn. Hay như các góc chơi, góc học tập, cô Kim Mai cũng luôn tìm tòi, trăn trở làm sao để bài trí không những phù hợp với chủ đề mà còn tạo hứng thú cho học sinh. Kể về sự ra đời của các ý tưởng, cô Kim Mai chia sẻ, chính bởi sự khác nhau về sở thích, tính cách của học trò đã tạo cho cô nhiều cảm hứng để làm thêm các loại đồ chơi và thay đổi cách thể hiện. Điều đặc biệt là bao giờ cô cũng khéo léo, biến học trò thành những cộng sự đắc lực của mình. Thông qua đó truyền tải bài học về sự hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ, lòng khoan dung, biết yêu thương cũng như dạy cho các em cách nhìn nhận, quan sát.
Cách đây không lâu, thành phố phát động cuộc thi "Giáo án văn học làm quen chữ viết", biết rằng thật khó để các học trò ba tuổi của mình tiếp thu được con chữ nhưng cô giáo Kim Mai cũng... đánh liều thử sức. Để rồi, trong các trò chơi hoặc trong giờ kể chuyện, cô đều lồng ghép những chữ cái và các con số để học trò làm quen, thậm chí cô tổ chức trò chơi bằng cách đưa ra các chữ cái, con số giống nhau, sau đó trộn lẫn để các em tự tìm và sắp xếp. Nhờ phương pháp này, nhiều học trò của cô đã biết đọc và đếm số thứ tự, còn cô giáo thì đạt giải ba trong cuộc thi này.
"Đuổi" theo các em, từ một người không chút am tường về vi tính, thật bất ngờ khi cô Kim Mai còn trở thành một chuyên viên vi tính khi tự thiết kế những câu chuyện kể thông qua màn hình đầy sống động, có cả âm thanh và hình ảnh chuyển động, do cô tự tìm tòi minh họa. Cô Kim Mai cho biết để làm được điều ấy, với cô mỗi ngày là mỗi trăn trở, suy nghĩ và tích lũy kiến thức nhằm mang đến sự hứng thú cho các em. Đơn cử như tiết kể chuyện "Ba chú heo con". Muốn thoát khỏi sự sáo mòn, quen thuộc của các câu chuyện cổ tích, sau nhiều đêm suy nghĩ, cô Kim Mai đã sáng tác nên câu chuyện xây nhà của ba anh em heo con. Theo đó, chú heo anh biết lo xa, chăm chỉ nên dựng được một căn nhà vững chãi, còn hai chú heo em vì lười biếng nên chỉ làm được một căn nhà tạm bợ. Một ngày kia, có con sói đến thổi bay căn nhà tạm bợ, lúc này, hai chú heo em mới nhận ra sự tắc trách của mình. Câu chuyện kể này sau đó đạt giải nhất cuộc thi "Đố em" do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức bởi thông qua đó, bài học chuyển tải là giúp các em tập tính kiên nhẫn, chịu khó khi làm việc.
3. Chính nhờ chịu khó tìm tòi, đào sâu nghiên cứu trong quá trình giảng dạy, cô Kim Mai được nhà trường đánh giá là giáo viên thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non mới, liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và thành phố, được Bộ GD-ĐT trao bằng khen (năm 2006) do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... Cô Trương Thị Việt Liên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Quận (Q.11) - nhận xét: "Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm TP.HCM năm 1985, đến nay, cô Kim Mai đã có 26 năm công tác tại trường. Nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ thì thật khó để một giáo viên trụ lâu trong nghề với đồng lương ít ỏi như vậy. Không dừng lại đó, cô Kim Mai còn là giáo viên có nhiều cống hiến, sáng tạo nhất trong hoạt động học và chơi của trẻ, đạt được mục tiêu là giúp trẻ hiểu biết thế giới xung quanh và ngày càng tự tin, mạnh dạn".
Bên cạnh vai trò người phụ nữ xã hội, cô Kim Mai còn được biết đến là người vợ đảm đang, chỉn chu và là người con dâu hiếu thảo. Hầu như thời gian đều dành hết cho học trò nên ngày nào, cô cũng tranh thủ dậy thật sớm lo cơm nước cho gia đình, không quên hỏi han sức khỏe của bố mẹ chồng trước khi cởi tạm một bổn phận để khoác lên một trách nhiệm mới. "Thấy bố mẹ chồng đều đã lớn tuổi, cần một người bên cạnh nên nhiều lúc tôi cũng áy náy lắm. Thế nhưng tôi rất may mắn bởi luôn nhận được sự cảm thông, lời động viên của mọi người. Tôi nhớ mãi những đêm không chỉ chồng con mà bố mẹ đều cùng thức để suy nghĩ, sáng tạo ra những món đồ chơi, câu chuyện mới dành tặng học trò", cô Kim Mai cho hay.
Theo Báo Giáo Dục