Hình thành nhân cách
   Giúp trẻ phát triển khả năng chú ý
 

Kém chú ý hiện nay là một tình trạng khá phổ biến trong giới học sinh, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này không chỉ làm giảm sút khả năng học tập mà còn có thể đưa đến những khó khăn về nhận thức và kỹ năng sống cho trẻ. Chúng ta có thể giúp các em phát triển khả năng chú ý của mình qua các biện pháp sau


Các yếu tố nâng cao sức chú ý:

Từ chú ý (attentive) có nguồn gốc từ tiếng La Tinh có nghĩa là "vươn ra" Nó gợi ý hình ảnh con ngựa xoay đôi tai hoặc con chim xoay đầu về hướng có tiếng động để nghe cho rõ hơn. Hướng chú ý tốt nhất cho một đứa trẻ là bé phải quay đầu về phía người đối diện, hay đang nói hoặc phải nhìn vào sự việc (Bài vở, hình ảnh ) có trước mắt. Sự chú ý của đôi mắt sẽ kéo theo sự tập trung hơn của đôi tai và cả những tư thế của cơ bắp.


Chúng ta chỉ có thể nâng cao khả năng chú ý khi biết vận dụng, hay huy động sự tham gia của càng nhiều giác quan càng tốt. Đây chính là "chìa khóa" để tập hợp các thông tin, hỗ trợ cho những tư duy logic liên kết các hình ảnh, âm thanh và ghi nhớ vào ký ức. Hãy giúp cho các em biết cách nghe trước, rồi nhìn, sau đó là đọc và viết hay vẽ lại những gì cần tiếp thu !


"Khi nghe người khác nói, hãy chú ý đến chính mình" lời khuyên của George Washington cho thấy, muốn có sự chú ý phải có sự tập trung không chỉ là các giác quan, mà còn là cách ngồi, và có các hành vi vô thức như nhịp chân, gõ ngón tay xuống bàn... Điều này giải thích tại sao các chương trình TV thường lôi cuốn trẻ em ( vì nó kích thích nhiều giác quan cùng một lúc ) và cũng là cơ sở để chúng ta có thể giúp trẻ học tập tốt hơn bằng những biện pháp tác động thông qua nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay, nhiều phương pháp kích thích đa giác quan đã được áp dụng chủ yếu trong việc dạy ngoại ngữ cho trẻ. Vì thế, nếu phụ huynh mong muốn cải thiện khả năng chú ý hay nâng cao khả năng học tập cho trẻ, cũng có thể áp dụng các nguyên tắc này vào việc học nói chung và một số hoạt động trong ngày, để giúp cho trẻ có được một năng lực tốt trong việc biết tập trung sự chú ý của mình. Đây là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công sau này trong việc học của trẻ.

Những nguyên tắc giúp trẻ nâng cao sức chú ý vào việc học:
1. Hãy cảm thông với trẻ: bạn có thể nhận thấy trẻ khó chịu và bực mình khi phải ngồi một chỗ mặc dù chúng cũng rất muốn tập trung ngồi chơi hoặc ngồi học một cách tử tế, đừng vội mắng chúng. Bạn nên nhớ khả năng tập trung của trẻ không cao, vì vậy đừng bắt trẻ phải ngồi học suốt 1giờ liền,mà nên chia ra ít nhất 2 -3 đợt học. Mỗi đợt kéo dài từ 15 - 20 phút, sau đó sẽ để cho trẻ nghỉ ( chơi 1 trò chơi nhỏ khoản 5 phút ) Trẻ có thể uống nước, đứng lên đi lại một chút rồi mới bắt đầu vào đợt học thứ 2 - thứ 3.

2. Giảm mọi âm thanh (nhạc, tivi...) có thể làm cho trẻ mất tập trung. Khi đến giờ bé ngồi vào bàn học hoặc làm một việc gì cần sự tập trung thì hãy tắt hay vặn nhỏ nhạc hoặc tivi đi.

3. Ngồi cùng với trẻ: kết quả nghiên cứu cho thấy rằng một đứa bé ngồi học lâu hơn nếu có cha hoặc mẹ ngồi bên cạnh ( có thể làm một việc khác ) . Trẻ sẽ tập trung vào học lâu hơn vì bé cảm thấy yên lòng, thoải mái và dễ chịu khi có bạn ở bên cạnh với điều kiện bạn không phê bình hay lên án các hành vi kém tập trung của trẻ, mà chỉ khuyến khích trẻ.

4. Tạo góc học tập yên tĩnh: trẻ không thể tập trung nếu nơi bé ngồi học quá ồn ào hoặc bừa bãi. Tập sách phải luôn được sắp xếp gọn gàng, bút viết phải bỏ vào hộp, dẹp hết sách báo cũ...

5. Đặt mục tiêu sao cho bé có thể đạt được: đừng bao giờ nổi giận vì trẻ không thực hiện được mục tiêu mà bạn đề ra. Cơn giận của bạn sẽ làm cho trẻ thất vọng với chính bản thân mình và đánh mất dần lòng tự trọng. Bạn nên bắt đầu bằng một mục tiêu vừa phải. Hãy để trẻ giải quyết hay học các bài học dễ trước. Thiết lập khoảng thời gian thích hợp với trẻ, lúc đầu chỉ là 10 -15 phút, qua tuần sau có thể tăng lên 20 phút và vài tuần sau có thể lên đến 30 phút ( Cho một buổi học kéo dài 1 giờ )

6. Dần dần tăng thời gian trẻ cần phải tập trung cho hoạt động của mình: một khi trẻ đã đạt được sự tập trung trong khoảng thời gian bạn đề ra, hãy kéo dài thêm 30 giây nữa vào tối hôm sau. Hãy nói cho trẻ biết bạn đang làm gì và mục tiêu mới cần phải thực hiện.

7. Thời gian học và chơi phải xen kẽ với nhau: hãy để cho trẻ tự chọn chúng thích chơi trước hay sau hay giữa giờ học. Lúc trẻ chơi là lúc thư giãn và sau đó trẻ có thể tập trung tốt hơn. Cho trẻ chơi một khoảng thời gian thích hợp rồi nhắc nhở trẻ quay trở lại bàn học, tập trung làm và học cho hết bài.

8. Quan sát: có đôi khi trẻ có thể tập trung học lâu hơn thời gian bạn quy định, nếu vậy thì hãy tìm hiểu động lực nào giúp trẻ tập trung trong thời gian lâu như vậy? Trẻ thích làm bài tập này, trẻ thích ngồi học ở đây hoặc vì nguyên nhân nào khác?

9. Trao cho trẻ quyền làm chủ trong một số hoạt động: có sự khác biệt giữa giúp đỡ và trách nhiệm. Nếu bạn nghĩ đó là trách nhiệm của bạn thì trẻ sẽ phụ thuộc hẳn vào bạn. Khuyến khích trẻ tự chủ động làm mọi việc của chúng và thực hành kỹ năng tập trung.

10. Thường xuyên nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm của trẻ: Tìm hiểu xem trẻ có tập trung học trong lớp không. Chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên và cùng nhau tìm ra biện pháp tốt nhất để giúp trẻ tập trung tốt, học tốt.


Những điều gây ảnh hưởng đến sức chú ý
Khi tập cho trẻ ngồi vào bàn để bắt đầu chú ý vào việc học, chúng ta cần nhắc nhở trẻ ngồi ngay ngắn, người hơi vươn đến phía trước. Trên bàn ngoài cuốn vở, sách cần thiết cho sự tập trung thì không có những vật dụng linh tinh hay các loại sách khác, điều đó dễ khiến cho trẻ xao nhãng trong việc nhìn vào bài tập cần có sự chú ý.

Một chỗ ngồi học mà ồn ào với tiếng nhạc từ cassette, tiếng quảng cáo từ TV, tiếng người nhà nói chuyện, cười đùa hay cả tiếng xe cộ ngoài phố chắc chắn không phải là một môi trường tốt cho sự tập trung chú ý của trẻ. Ngoài ra chúng ta cũng nên biết rằng khả năng tập trung của trẻ thường khó mà kéo dài quá 30 phút. Vì vậy, trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút thôi, chúng ta nên cho trẻ nghỉ ngơi một chút trước khi tiếp tục việc học (Tập viết - vẽ ) hay trò chuyện (Tập đọc), và sau thời gian nghỉ ngơi độ 10 phút, chúng ta sẽ thay đổi cách dạy, như lúc nãy tập viết, thì bây giờ làm toán ... Trong một buổi học, ít nhất là phải có 3 hoạt động khác nhau : Viết ( tập đọc và tập viết chính tả) - làm toán - chơi quan sát ( Quan sát để nâng cao khả năng chú ý và tư duy logic ).

Để nâng cao sức chú ý của trẻ, chúng ta nên lồng ghép vào trong các hoạt động học tập một vài trò chơi như :
Quan sát và ghi nhớ nhanh: Cho trẻ xem qua trong 5 phút một cái khay trong đó có chứa 5 vật khác nhau ( ví dụ: Bút chì, gôm, chìa khóa, muỗng, kéo ...) sau đó lấy một tờ giấy hay một cái khăn đậy lại, bảo trẻ kể tên những vật mà trẻ vừa thấy.

Thử xem là gì: Bỏ 5 - 7 vật vào trong một cái túi xách, cho trẻ thò tay vào trong sờ các vật trên và nói tên vật mình vừa sờ được . Tùy theo khả năng để tăng độ khó qua hình dáng các vật.


Xem thiếu ai: Cho trẻ nhìn lên kệ đồ chơi có xếp 5 - 7 món đồ chơi khác nhau. Sau đó cho trẻ chơi một trò chơi vui khác, hay quay đi và dấu bớt một vật. Trong 3 phút trẻ phải gọi tên được vật vừa mới biến mất.

Tìm xem có bao nhiêu: vẽ trên trang giấy 3 loại hình : Hình tròn, hình tam giác và hình vuông với 3 màu khác nhau nhưng đan xen vào nhau - mỗi loại hình có độ 5 - 10 hình ( với yêu cầu trẻ biết đếm đến 10) sau đó yêu cầu trẻ tìm ra có bao nhiêu hình tròn, hình tam giác và hình chữ nhật ( số các hình này khác nhau ).

Khi đưa trẻ đi chơi ngoài công viên, khu nghỉ mát... ta cũng nên khuyến khích và nâng cao khả năng chú ý của trẻ trong việc quan sát thiên nhiên chung quanh. Tất cả những hoạt động này vừa giúp cho trẻ tăng khả năng chú ý, vừa giúp thêm cho trẻ một số vốn từ ngữ cần thiết và đặc biệt là gieo vào trong lòng trẻ lòng yêu mến thiên nhiên và tôn trọng môi trường xung quanh.

CÁC BÀI TẬP GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG TƯ DUY LOGIC
Bài tập 1
Phân biệt về mức độ to/nhỏ - về vị trí trên/dưới, trước/sau, trong/ngoài của các vật :

Dụng cụ:
Các hình to - nhỏ ( Hình con voi - con chuột / hình cái tủ - cái ghế ) -
Các hình chỉ vị trí ( Cuốn vở đặt trên bàn - Cái ly ở dưới gầm bàn - Cái ghế trước cái tủ ...)
Tiến hành:
Cho trẻ nhìn và yêu cầu trẻ chỉ ra các yếu tố ( Con gì to hơn ? ) Các vị trí trước sau trên dưới
Đây là bài tập dễ - có thể nâng độ khó lên bằng việc so sánh từ 3 - 5 hình với yêu cầu : Con vật nào to nhất , con vật nào nhỏ nhất- Cái gì ở trước nhất, cái gì ở sau cùng ...

Bài tập 2
Phân biệt được bên phải, bên trái phía trước phía sau với vị trí của chính mình
Dụng cụ:
Các tấm ảnh chụp hình trẻ với một số vật dụng xung quanh - Có thể tiến hành ngay khi trẻ ngồi học.
Tiến hành :
Cho trẻ ngồi trên ghế và hỏi : Cái tủ ( trong phòng ) ở phía nào của con ?
Cho trẻ xem hình và hỏi : Bên phải con ( trong hình ) là cái gì ?

Bài tập 3
Phân loại từng nhóm
Dụng cụ :
Hình nhiều vật dụng trong nhà - hình các con thú ( gia cầm, thú hoang, loại sống trong rừng, loại sống dưới biển ..)
Tiến hành :
Yêu cầu trẻ chỉ ra các vật có cùng một nhóm (Các đồ dùng làm bếp, các đồ dùng trong phòng tắm, các vật dụng làm bằng gỗ hay kim loại, nhựa ... )

Bài tập 4
Đoán ra kết cục của một câu chuyện
Đọc hay kể cho trẻ nghe một câu chuyện đơn giản - yêu cầu trẻ đưa ra kết cục .

Bài tập 5
Thực hiện liên tiếp 3 mệnh lệnh một lúc.
Yêu cầu Trẻ nhớ và thực hiện cùng một lúc theo trình tự trước sau 3 yêu cầu liên tiếp (Vídụ: Con cởi áo khoác ra, rồi vào bếp rửa tay xong mang cho mẹ cái ly )

Bài tập 6
Xếp các bức tranh theo đúng thứ tự thời gian
Dụng cụ:
Các bức tranh diễn tả các giai đoạn : Mùa : Xuân - Hạ - Thu - Đông, các câu chuyện với các hoạt động trước sau
Yêu cầu :
Trẻ nhìn các bức ảnh diễn tả các thời điểm khác nhau và sắp xếp chúng theo đúng trình tự thời gian .

BÀI TẬP GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG QUAN SÁT - GHI NHỚ

Yêu cầu Trẻ phát hiện ra sự thay đổi các xếp đặt các vật dụng trong nhà (sau khi kê dọn lại) hay các món đồ chơi trên kệ đồ chơi của trẻ ( thêm vào và bớt đi vài món )
Yêu cầu Trẻ xem và nhận ra sự khác biệt giữa các bức tranh cùng chủ đề nhưng có sự thay đổi về nội dung (Tranh vẽ một cái cây vào mùa Xuân, mùa Hè, mùa Thu và mùa Đông với đặc điểm khác nhau ) hay tìm ra được ít nhất là 3 - 5 điểm khác nhau giữa hai bức tranh trông có vẻ như giống hệt nhau ?


Cho trẻ nghe và yêu cầu trẻ phân biệt được 2 loại âm thanh khác nhau (gõ muỗng lên cái ly gỗ và gõ lên cái ly bằng kim loại )


Yêu cầu Trẻ phân biệt được các sắc độ trong một bức hình : Phân biệt giữa màu hồng và màu đỏ, màu vàng và mầu vàng chanh...


Yêu cầu trẻ nghe một câu chuyện ngắn và sau đó nhắc lại nội dung theo đúng trình tự những gì mình nghe được ? Không cần đúng từ, chỉ cần đúng ý.


Tuỳ theo khả năng thực hiện mà bạn có thể nâng lên các yêu cầu có nội dung tương tự nhưng khó hơn.


Cv.TL Lê Khanh

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Giá trị của sở thích (28/9)
 Ứng xử nơi công cộng (30/8)
 Tập cho bé dạn dĩ tự tin (30/8)
 Tao niềm vui: Dạy con biết hạnh phúc (30/8)
 Giúp bé tự tin khám phá (30/8)
 Giúp bé thích nghi với cuộc sống (30/8)
 Dạy con khiêm tốn (23/4)
 Dạy trẻ tự tin (4/4)
 Dạy cho trẻ về giá trị của tiền (4/4)
 Làm thế nào để dạy trẻ mẫu giáo nhận biết Thời gian (1/4)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i