Một phụ huynh hỏi: ‘Tại sao con tôi có vẻ bồn chồn và chán đồ chơi của bé?'.
Chuyên gia Dorothy Einon gợi ý câu trả lời: Có thể do đồ chơi mà bạn đưa cho bé chơi không phù hợp với giai đoạn phát triển của bé. Bé học thông qua đồ chơi và nếu một món đồ chơi là quá "cao siêu hoặc ngược lại rất đơn giản thì bé cũng có thể bỏ qua nó. Khi em bé của bạn phát triển, bé sẽ yêu thích những đồ chơi phù hợp với phạm vi phát triển các kỹ năng của chính bé.
Ví dụ, trong ba tháng đầu tiên, bé quan tâm nhất tới đồ chơi di chuyển hoặc tạo ra tiếng động. Điều này là bởi vì thị lực của bé vẫn đang phát triển. Bé có thể nhìn thấy một đối tượng đang chuyển động dễ dàng hơn là một đồ chơi đứng im. Cho đến khi thị lực của bé phát triển đầy đủ, em bé của bạn sẽ sử dụng âm thanh để giúp bé tìm thấy một đối tượng. Khi bạn chơi với bé, bạn có thể thấy rằng nếu bạn lúc lắc đầu, biểu hiện nét mặt của bạn và làm ồn thì bé sẽ tập trung vào bạn hơn.
Từ ba tháng trở đi, bé bắt đầu tiếp cận và sờ nắm đồ chơi. Kỹ năng phối hợp tay mắt phát triển đủ để bé thích thú với đồ chơi gõ và di chuyển. Sau này, bé sẽ muốn với tay lấy và giữ đồ chơi. Tại chín tháng , bé của bạn sẽ muốn vỗ nhẹ, đập và gạt đồ chơi của mình. 10 tháng, bé yêu thích được giấu và thả đồ chơi.
- Bạn có thể "áp đảo" bé với quá nhiều đồ chơi ở cùng một thời điểm. Có quá nhiều đồ chơi để lựa chọn sẽ đánh lạc hướng bé khi chơi. Trước khi bé có thể khám phá một đồ chơi, bé sẽ nhìn thấy những cái khác và nhanh chóng bị phân tâm bởi chúng. Kết quả, không thứ nào trong số đồ chơi ấy thu hút sự chú ý của bé và bé chẳng chơi được gì.
Để giúp bé háo hức, chỉ nên đưa cho bé từng món đồ chơi một. Nếu bé không quan tâm đến món đồ chơi này, hãy thử đổi cho bé sang món khác.
- Hãy nhớ rằng đôi khi đồ chơi không thể thay thế cho mẹ. Nếu em bé của bạn ngồi một mình với đồ chơi, bé sẽ bồn chồn không yên. Có thể vì bé muốn mẹ chơi với mình. Khi bé lớn hơn, bé có thể biết một mình chơi đồ chơi trong thời gian dài.
Theo Mevabe