Nếu bạn hiểu rõ giá trị của những món ăn ngon và tốt cho sức khỏe thì không còn gì thỏa mãn hơn việc ngắm nhìn con mình khám phá ra niềm vui ăn uống. Nhưng làm sao bạn đào tạo cho được một đứa trẻ thích trái cây hơn khoai tây chiên, sẽ không quay lưng với bông cải và cá hồi? Câu trả lời ngắn gọn là: hãy bắt đầu ngay từ bây giờ!
7. Cùng ăn và cùng đi ăn nhà hàng
Đi ăn ngoài không chỉ cho bé quen với nhiều loại thức ăn mới mà còn phát triển những kỹ năng xã hội lý thú - Ảnh: Gettyimages
Cho bé đến bên bàn ăn sẽ cho phép bé trông thấy bạn thưởng thức thức ăn. Thêm vào đó, nghiên cứu đã liên hệ được những bữa ăn đều đặn của gia đình với rất nhiều ích lợi cho con trẻ, bao gồm cả việc tự tin hơn và có kết quả học tập tốt hơn. Nếu việc ăn cùng nhau từ thứ Hai đến thứ Sáu là không thể thực hiện được thì cũng hãy thực hiện điều đó vào cuối tuần. Nếu bạn không thích nấu nướng thì có thể gọi thức ăn về nhà hay ra ngoài tiệm. Đưa trẻ sơ sinh đến nhà hàng dạy cho chúng từ sớm rằng thức ăn thật đặc biệt. Điều đó cũng có những lợi ích khác, chẳng hạn bé có thể nhận biết các món ăn từ nhiều nước khi đi ăn nhà hàng ẩm thực nước ngoài với bố mẹ, hoặc học được cách cư xử lịch thiệp khi ở nơi đông người. Bạn thấy đấy, những buổi ăn ngoài vừa nhàn cho mẹ mà lại vừa giúp bé khám phá thế giới kỳ diệu bên ngoài nhà mình nữa.
8. Hãy làm hình mẫu tốt cho con
Nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng để khuyến khích con ăn thứ gì đó thì việc bạn làm - chứ không phải điều bạn nói - mới quan trọng. Vậy nếu bạn cũng là người kén ăn thì sao? Tốt nhất là đừng gợi sự tập trung vào chuyện đó: "Nếu bạn ghét ăn rau nấu thì hãy chọn salad, thử nhúng cà chua bi vào sốt ít béo rồi ăn cho con xem. Con bạn sẽ thấy bạn đang ăn rau một cách rất vui vẻ." Ngoài ra, chuẩn bị thêm một suất rau củ khác bên cạnh món rau bạn không thích để trẻ có thể thấy là bạn vẫn đang ăn rau. Tuy nhiên, khi dùng mẹo này, hãy đồng thời chú ý đến thói quen ăn uống của chính bạn để có thể trở thành một hình mẫu tốt hơn. Nếu bạn đã tránh một loại thức ăn nào đó mà bạn không thích trong nhiều năm liền, hãy suy nghĩ lại và cho nó cơ hội thứ hai.
9. Hãy làm cho những bữa ăn trở nên hấp dẫn.
Khi đang phải đương đầu với một đứa trẻ chập chững "biết suy xét", bạn sẽ có xu hướng ép con ăn chút bông cải xanh hay thậm chí năn nỉ, hối lộ con bằng món tráng miệng. Thay vào đó, hãy khuyến khích con ăn bằng cách khiến các món ăn ấy trông ngon hơn - và cả vui nhộn hơn nữa. Hãy dọn thức ăn trong những cái bát nhiều màu sắc và dọn kèm cả nước chấm đặc biệt; làm những khuôn mặt từ chiếc bánh kếp và sandwich với rau và trái cây; thậm chí cả bánh vòng với phô mai ít béo cũng có thể trở nên vui hơn một ít nho khô làm mắt và miệng. Bên cạnh đó, hãy chế biến thức ăn ở những hình thức mà trẻ dễ cầm và ăn được. Hãy để con tự bốc ăn, điều đó khiến chúng có cảm giác được lựa chọn thức ăn cho mình bởi chúng được bốc thứ mà chúng muốn ăn trước tiên. Bé sẽ thích thú với việc ăn uống hơn.
10. Hãy thoải mái!
Đừng bao giờ so sánh việc bé của bạn không ăn thứ mà một đứa trẻ khác ăn ngon lành. Đây không phải là một cuộc thi vì khẩu vị mỗi bé là khác nhau. Việc con bạn có ăn hay không ăn bông cải xanh tối nay hay không cũng không quan trọng. Nuôi dạy một đứa trẻ ăn ngoan phải mất nhiều năm, thậm chí là một quá trình bền bỉ đến chục năm đến khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên. Đó là một quá trình mở, kéo dài liên tục. Nhưng nếu bạn luôn có thái độ đúng đắn và dọn lên bàn những món ăn đúng đắn thì cuối cùng rồi con bạn cũng sẽ ăn thôi.
Tô màu gì cho bữa ăn tối nay con nhỉ?
Mỗi màu sắc mang một giá trị dinh dưỡng riêng biệt - Ảnh: Gettyimages
Trắng (các chất oxy hóa tăng cường hệ miễn dịch): hành tây, tỏi tây, tỏi
Đỏ (các chất oxy hóa tăng cường hệ miễn dịch, vitamin C): quả ổi, cà chua, bưởi hồng, dưa hấu.
Vàng (các chất oxy hóa tốt cho thị giác): bắp, bí vàng, đậu vàng
Xanh lục (vitamin A, folate): bông cải xanh, măng tây, cải xoăn
Xanh lam/ tím (các chất chống oxy hóa tốt cho não): quả việt quất, quả mận, cà tím, nho tím đậm, cà rốt tím.
Cam (vitamin A): khoai lang, bí ngô, cà rốt, xoài.
Nguồn: Webtretho (lược dịch)