Giáo dục mầm non
   Khó tuyển đủ giáo viên mầm non
 

Do thu nhập thấp, áp lực công việc nặng nề, nhiều giáo viên mầm non nghỉ việc trong lúc nguồn đầu vào ít ỏi, không đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.

Theo Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT, cả nước còn thiếu trên 20.000 giáo viên mầm non (GVMN) để thực hiện đề án phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi vào năm 2015. Riêng tại TPHCM, hiện thiếu hơn 2.000 giáo viên, nhiều trường đã phải đưa bảo mẫu lên thay thế.

Một tiết học ở Trường Mầm non Quốc Tế trẻ thơ (quận Tân Bình - TPHCM)

Lắm áp lực
Nhiều chuyên gia về giáo dục nhìn nhận ngoài thu nhập thấp, chính bài toán giữ người hiện nay đang nan giải nên không ít trường hợp trường đã tuyển đủ giáo viên nhưng qua một thời gian ngắn lại thiếu vì giáo viên xin nghỉ việc. Trong đó, những áp lực từ công việc cũng khiến không ít người phải "dứt áo" ra đi.

Bà Lê Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lư (quận 1), tâm sự: "Nhiều nơi bảo tôi xài sang vì trong trường cứ mỗi lớp có 2 giáo viên và 1 bảo mẫu. Năm học này, Phòng GD-ĐT chỉ hợp đồng trả lương cho 7 bảo mẫu nhưng vì có 8 lớp nên tôi xin hội phụ huynh tuyển thêm.

Mỗi người có một công việc và phận sự khác nhau. Nếu lấy người học sư phạm để lau chùi, cọ rửa nhà vệ sinh mới là xài sang. Ngành giáo dục cứ kêu gọi giảm tải cho giáo viên nhưng lại gia tăng sự thiếu thốn, một người làm công việc của nhiều người thì làm sao giảm tải được".

Một ngày làm việc của GVMN theo quy định là 7 giờ đến và 17 giờ về. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng cho biết thực tế giáo viên phải đến từ rất sớm để đón trẻ và chỉ được ra về khi trường đã hết trẻ. "Không ít giáo viên nói với tôi họ hầu như không biết đến ăn sáng là gì vì áp lực về thời gian. Giờ giải lao cũng chẳng dám chạy đi ăn vì không dám bỏ lớp, xảy ra chuyện gì thì hậu quả khôn lường"- bà Vân chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non của Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết giáo viên làm việc trong lớp đông trẻ thường bị áp lực cao, nhất là những ngày đầu tiếp nhận trẻ mới ở các lớp mầm và nhóm nhà trẻ. Bà Thanh cũng thừa nhận không ít trường, vì hiệu trưởng muốn tiết kiệm không xin thêm giáo viên cho các lớp tăng sĩ số, lại không có bảo mẫu nên giáo viên phải làm việc rất vất vả, dễ stress.

Nhiều GVMN kể chỉ cần một vết muỗi đốt trên người trẻ, có phụ huynh sẵn sàng thông cảm nhưng cũng có người bù lu bù loa lên, thậm chí hăm dọa cả cô giáo.

Tuyển trước, đào tạo sau?
Do thiếu nhiều GVMN nên trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, Sở GD-ĐT TPHCM có chủ trương tư vấn để hướng học sinh THPT theo ngành này. Tuy nhiên, chính những người trong cuộc cũng đang băn khoăn vì chủ trương khó thành hiện thực.

Bà Vân bày tỏ muốn giảm áp lực cho giáo viên, trước hết hãy giảm thời gian lao động cho họ. Thay vì 17 giờ được về thì cho giáo viên làm việc theo ca (12 giờ được về). Nếu được dư thời gian, giáo viên nào nghèo có thể đi làm thêm để tăng thu nhập, người đủ điều kiện thì học thêm để nâng cao kiến thức.

Chỉ như vậy, ngành mới giữ được giáo viên lâu dài. Để bổ sung nguồn giáo viên còn thiếu, có thể tuyển học sinh tốt nghiệp THPT, sau đó mở các lớp bồi dưỡng, vì suy cho cùng giáo dục mầm non mang tính gia đình nên chỉ cần ai yêu trẻ, yêu nghề đều có thể làm được.

Áp lực nặng nề nhất: Cấp trên
Trong một khảo sát mới nhất về môi trường giáo dục ở trường mầm non vừa được Khoa Giáo dục Mầm non Trường ĐH Sài Gòn thực hiện, kết quả cho thấy khi được hỏi về áp lực lao động, có tới 87% GVMN trả lời rằng họ bị áp lực nặng nề nhất là từ cấp trên (như thanh tra thiếu thiện chí, cư xử tùy tiện, không công bằng, giao nhiều công việc thiếu khoa học, thiếu tổ chức, làm mệt mỏi...).

Trong khi đó, chỉ 64% câu trả lời có bị áp lực từ trẻ. Môi trường lao động cũng rất đáng lưu ý vì theo khảo sát này chỉ có 40% là hài lòng với mối quan hệ giữa giáo viên và đồng nghiệp, nguyên nhân dẫn đến không hài lòng chính là tính ích kỷ, không chia sẻ, ganh tị, nói xấu nhau...

Theo Lao Động

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:


guest

Làm cô giáo mầm Non
Ngày gửi: 3/25/2011 7:22:19 PM

Tôi hoàn toàn đồng ý với nội dung bài viết trên, và tôi xin thay mặt toàn thể giáo viên Mầm non xin ngã nón chân thành cảm ơn phóng viên Đặng Trinh và báo Người Lao Động đã nói lên những áp lực và thiệt thòi mà giáo viên Mầm Non chúng tôi đang gánh chịu, tình cảnh giống như trên đe dưới búa, vừa chăm sóc, giáo dục trẻ, lo trẻ té ngã, đánh nhau. Rồi nơm nớp lo sợ Ban Giám hiệu kiểm tra, chỉ cần 1 sơ xuất nhỏ như để kệ đồ chơi dính bụi là cầm chắc 1 tờ biên bản. Nhiều đêm nằm suy nghĩ sao mà ấm ức, sao mà chua xót cho cái số phận của mình, người ta cũng đi làm, mình cũng đi làm, sao cái việc làm của mình nó khổ thế. Đêm về ngủ chỉ mong đừng nhận được cuộc điện thoại " mắng vốn" nào. Lương thì chẳng bằng ai, một giáo viên trẻ lấy chồng cũng là giáo viên cấp 2, đã 3 năm rồi vẫn ở nhà thuê. Muốn Giáo Viên Mầm Non gắn bó với nghề, tôi thiết nghĩ nhà nước nên quan tâm đến đời sống của giáo viên, " có thực mới vực được đạo", và vì mục tiêu " giáo dục là quốc sách hàng đầu"


guest
Cần lắm sự chia sẽ cho GVMN từ mọi phía
Ngày gửi: 3/26/2011 9:55:59 PM


Chúng tôi hàng ngày đến công sở với bao băn khoăng rằng không biết rằng liệu mình sẽ trụ lại với nghề trong bao lâu nữa với những gì hàng ngày đối mặt, chúng làn cho chúng tôi, những GVMN luôn mệt mõi vì: Chương trình dạy học luôn thay đổi liên tục, sổ kế hoạch mỗi ngày một kiểu, mỗi nơi không thống nhất nhau, quản lý mỗi người một ý thì hỏi làm sao bạn có thể tận tâm được với nghề đây. Nếu có người thân muốn thi vào ngành mầm non này thì tôi cũng khuyên rất thật tình rằng "đừng nên" khi bạn chưa biết gì về ngành đang định đi. Bởi gì sao: vì chúng tôi, những giáo viên trẻ đang cảm thấy mình đã sai lầm khi chon công việc này. Không ít người trong chúng đang chuẩn bị cho mình một ngã rẽ khác cho tương lai của mình. chúc các bạn sẽ có sự lựa chọn đúng cho con đường mình sẽ đi.



guest

GVMN cần được quan tâm nhiều hơn
Ngày gửi: 3/28/2011 1:14:54 PM

Công việc của GVMN làm từ 7 giờ sáng đến 17 giờ hàng ngày. Nhưng lương của chúng tôi chỉ có 1700000đồng. Với những giáo viên ở quê xa, không có nhà ở phải đi thuê nhà hết 1000000dồng /tháng vậy sinh hoạt phí còn lại là bao nhiêu. Với mức giá cả leo thang ngoài thị trường hiện nay liệu có đủ đảm bảo cho cuộc sống hay không. Vả lại áp lực công việc từ cấp trên, và cả phụ huynh học sinh. Và không được xét tuyển viên chức như một số ngành khác, cũng như bị cái nhìn coi thường của một số người chưa hiểu hết về bậc học mầm non. Người ta nói mầm non chỉ đến cô cho ăn và thả cho chơi, không có học hành gì cả ( Đó là cái nhìn sai lầm) tai hại cho cả một ngành học, bậc học. Từ những thực tế trên dù là người có tâm huyết và yêu nghề đến mấy cũng nả lòng. Vậy nên các bạn trẻ nào muốn vào ngành học mầm non nên xem xét lại.
Tôi cũng mong các nhà hoạch định chính sách, các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện giúp đỡ cho GVMN ổn định về cuộc sống vật chất, cũng như tinh thần yên tâm công tác và cống hiến



guest
Tâm sự chia sẻ
Ngày gửi: 3/28/2011 2:03:20 PM


Đọc những lời viết và lời bình của các bạn mình rất thông cảm và cũng muốn tâm sự đôi điều. Mình cũng đã gắn bó vời nghề được 20 năm rùi. Chỉ cách nhau ranh giới rất nhỏ mà mình thuộc về huyện ngoại thành, 20 năm công tác có trình độ chuyện môn được đào tạo chính quy mà mình cũng như nhiều đồng nghiệp đi trước vẫn chưa có gì chắc chắn cho cả cuôc dời gắn bó với nghề nuôi dạy con trẻ. Công to việc lớn trong gia đình hầu như mình không mấy được tham gia vì không có thời gian, rồi áp lực công việc nay thanh tra mai kiểm tra, có những hôm phải đi là cả ngày chủ nhật....lương thấp nhưng đã trót rồi biết làm sao? Bởi công tác 20 năm nhưng mới được đóng bảo hiểm 9 năm, mức đóng lại thấp...chán lắm bạn ơi. Biết làm sao đây.



guest

Tâm sự
Ngày gửi: 3/30/2011 6:59:59 PM

Tôi cũng là một GVMN mới ra trường được 1 năm rồi đi dạy được mấy tháng, do áp lực công việc nhiều kèm theo lương thấp mà giá cả bên ngoài cứ tăng đều đều nên tôi phải bỏ nghề. Tôi nghĩ nhà nước cần có chính sách quan tâm đến GVMN hơn.


guest
Tâm sự GVMN
Ngày gửi: 4/4/2011 7:19:55 PM


Tôi là GVMN kính mong giảm tài công việc, sổ sách cho chúng tôi. Lương thấp, áp lực công việc nặng nề, không có thời gian nghì ngơi, lo cho gia đình, cả năm học chì biết kiềm tra, dự giờ, thanh tra chứ không biết tâm tư, nguyện vọng, nỗi khổ cũa GVMN chúng tôi. Cũng là con người với nhau, xin hãy thông cảm cho chúng tôi. Ai cũng nghĩ GVMN là sướng nhất,ai ngờ..............Sau tâm sự này chúng tôi kính mong SGD, PGD nên suy xét lai, nếu không chẳng ai dám vào nghề này cả.



guest

Mong là GVMN đừng bị áp lực nhiều vì bị đón sở, đoán đoàn.
Ngày gửi: 4/4/2011 10:14:55 PM

Tôi là 1 GVMN đã gắn bó với nghề 7 năm nhưng trong đầu tôi không khi nào không nghĩ đến chuyện mình phải kiếm công việc khác làm. GVMN rất bị áp lực khi phải đón sở giáo duc mỗi lần đón sở là các cô giáo không ăn không ngủ bỏ bê chồng con, nào là làm vệ sinh ở trường, nào là soạn giáo án cho thật kĩ, nào la làm hồ sơ quan sát, ôi toàn là những việc không tên không kể ra nổi. Làm thì nhiều mà lương thì ít không nuôi nổi 1 đứa con nữa, hoàn toàn phụ thuộc vào chông. Cứ tưởng tượng tôi lam 7 nam ma lương tính toàn bộ chỉ được 2tr7. Mong là nhà nước quan tâm nhiều hơn đến GVMN


guest
TÂM SƯ GVMN
Ngày gửi: 5/27/2011 9:11:45 PM


GVMN mầm non giống như một người nội trợ quần quật suốt ngày mà không hết việc, từ sáng đến chiều, tối về còn giáo án, làm sổ sách,làm đồ dùng đồ chơi từ phế liệu...Ôi sao mà tội cho các cô giáo mầm non quá! Vậy mong sao các cấp quản lý có giải pháp tạo điều kiện cho các GVMN củng được nở mặt như các ngành khác.



guest

Áp lực sĩ số, áp lực vì bị kiểm tra
Ngày gửi: 10/16/2011 6:52:02 PM

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của các bạn . Làm GVMN vì lúc đầu yêu nghề, nhưng càng ngày thì thấy quá áp lực vì quản lý không đồng nhất càng tăng. Đã có chương trình nay lại thêm Chuẩn 5 tuổi, sử dụng cái nào thì chọn 1 mà thôi, ai cũng muốn chứng tỏ mình hay, chỉ có Gv và BGH các trường là khổ, nếu để những nhà nghiên cứu đó xuống lớp dạy thử coi mệt như thế nào? Ngay cả BGH cũng cho rằng khó khăn của nhà trường là sĩ số đông mà cũng muốn GV phải làm bao nhiêu là việc theo đúng yêu cầu của loại chuẩn mà nước ngoài người ta dạy chỏ có 5 đến 7 trẻ , trong khi ở Việt nam một lớp 49 bé, cô nào yêu nghề thì gào thét ( lập lại nhiều lần )để trẻ thuộc hết những gì cô dạy, cô nào thấy không kham nổi thì buông luôn. vậy chi bằng ta gom gọn chương trình lại, dạy ít mà trẻ nhớ nhiều, sao người lớn tham quá vậy? Muốn trẻ biết nhiều , buộc cô giáo phải đưa vào chương trình rồi lấy đó để làm cơ sở kiểm tra xem đã thực hiện chưa, thực hiện lúc nào phải ghi ngày tháng vào, kiểm tra xem GV có dạy sót nội dung nào không. Thực tế , những Gv sau khi được dự giờ thanh tra toàn diện, ngồi nghe rút kinh nghiệm tiết dạy lại thêm những việc chi li, nghe mà mắt muốn nổ đom đóm từ 2 giờ chiều đến 5 giờ chiều, nghe xong và nói chắc em xin nghỉ việc. các cấp lãnh đạo có nhìn thấy áp lực mà chúng tôi phải chịu không, hay là các vị cũng vì thành tích, vì chỉ tiêu tự đặt ra , tự khen nhau những nghiên cứu trên trời,các vị phải làm GV dạy trẻ rồi giữ trẻ tại lớp mới thấy chúng tôi cực khổ từ lúc bé vào lớp đến lúc về , từ giờ này nối tiếp giờ kia, chiều về mới làm giáo án, đồ dùng dạy học. Gia đình thông cảm mới trụ được đến hôm nay, nếu chúng tôi có chồng khó chịu cũng không trụ được với nghề.


Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 'Không răn, không nạt khó mà quản trẻ mầm non' (24/3)
 Giải đáp hàng loạt các ý kiến liên quan đến chế độ nhà giáo (23/3)
 Dùng khăn buộc trẻ - một phương pháp tiêu cực' (22/3)
 Nỗi niềm trường nhiều điểm lẻ (21/3)
 Nghịch lý trường mầm non (18/3)
 Thực hiện đề án PCGDMN trẻ 5 tuổi: Không chạy theo thành tích (17/3)
 Giáo viên thu nhập 4,5 triệu đồng vẫn không đủ sống (16/3)
 Bắc Ninh phấn đấu PCGD mầm non trẻ 5 tuổi vào năm 2012 (15/3)
 Đầu tư thiết bị hướng tới mục tiêu phổ cập GDMN 5 tuổi (14/3)
 Trẻ ở trường mầm non có an toàn? (11/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i