Lần đầu đi học đa số trẻ đều căng thẳng, hoảng sợ vì bị ép vào khuôn phép và kỷ luật, tách khỏi những sinh hoạt quen thuộc. Điều này có thể ảnh hưởng đến khẩu vị và thói quen ăn uống của trẻ, dẫn đến tình trạng sụt cân, đau ốm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Cô Gái Hà Lan, cho rằng quan niệm trẻ phải ăn nhiều ở nhà để bù lại những thiếu hụt khi ăn uống ở trường là không đúng. Trẻ học bán trú sẽ ăn trưa, ăn xế tại trường. Nhiều bà mẹ cố gắng cho trẻ ăn nhiều món ngon và bổ khi ở nhà dù không biết rõ trẻ được ăn gì ở trường.
Tuy nhiên, bữa ăn quá nhiều chất bổ vào buổi tối sẽ khiến trẻ khó tiêu, khó ngủ. Ngoài ra, bị ép ăn quá nhiều, vượt quá yêu cầu của cơ thể, trẻ có nguy cơ bị béo phì. Trẻ ở tuổi tiểu học cần năng lượng để phát triển thể chất, trí não và các yêu cầu về tư duy. Do đó thay vì các bữa tối quá bổ béo, bạn nên tìm hiểu thực đơn của trẻ tại trường để giúp chúng dần thích nghi.
Bạn cần tìm hiểu trẻ không ăn được thức ăn nào và cảm nhận của bé về những món ăn đó. Trong những tuần đầu, nhiều em nhỏ chưa quen với việc tự ăn hoặc vẫn giữ thói quen ở nhà dẫn đến tình trạng ăn chậm. Với những trường hợp này, ngoài việc nhắc nhở, bạn nên cho trẻ mang theo những thức ăn nhẹ như sữa, bánh mỳ mềm, bánh flan, phô mai... Mẹ có thể khuyến khích cháu tập ăn những món ăn mới trong các bữa ăn cuối tuần ở nhà.
Bố mẹ cũng phải tạo cho bé lịch sinh hoạt tại gia đình tương tự như ở trường. Điều này giúp trẻ quen dần với nề nếp của trường. Sự hòa nhập nhanh tạo cho trẻ thói quen ăn uống tốt hơn.
Nhiều bà mẹ cho rằng chỉ cần bồi bổ tốt cho não, trẻ sẽ thông minh. Điều này không đúng. Để trẻ học tốt, điều quan trọng nhất là phải giúp trẻ cảm thấy hứng thú cùng lịch học hợp lý. Trẻ phải được tận hưởng những niềm vui trẻ thơ thay vì lịch học dày đặc. Ngoài ra, bạn cần cho trẻ tiếp xúc với các hình thức vui chơi thông minh để tăng cường khả năng học hỏi.
Trong những năm đầu đời, não của bé hoạt động rất mạnh vì vậy sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể để lại những hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển trí tuệ của bé. Những dưỡng chất tốt cho não như DHA, choline và các vitamin có nhiều trong cá, rau xanh, và sữa. Chất béo từ cá, dầu cá, sữa sẽ tốt cho hoạt động trí não là mỡ động vật. Các bà mẹ không nên cho bé ăn não lợn hàng ngày.
Bên cạnh đó, những trò chơi vận động giúp tăng khả năng phối hợp cơ thể, tiêu thụ năng lượng, mở rộng trí tưởng tượng của trẻ. Trẻ thường xuyên nhận được đủ năng lượng, chất dinh dưỡng cùng vận động hợp lý sẽ hấp thụ tốt dưỡng chất.
Các bậc phụ huynh nên duy trì tốt việc cung cấp thường xuyên thực phẩm cần thiết cho sự phát triển của trẻ như protein (cá, sữa...), chất béo (thịt, sữa, cá...), carbohydrate (bánh mì, khoai tây...), vitamin và khoáng chất (cà rốt, gan, trứng, muối i-ốt...). Sữa có cả vai trò thức uống và nguồn dinh dưỡng cung cấp chất đạm, vitamin, chất khoáng, chất xơ. Bên cạnh đó, việc nắm vững các kiến thức dinh dưỡng cũng như sự quan tâm thích hợp của bố mẹ và thầy cô sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, hình thành tính độc lập, tinh thần trách nhiệm và khả năng chăm sóc bản thân.
(Theo Vnexpress)