Bệnh truyền nhiễm
   Bệnh tay, chân, miệng: Những câu hỏi thường gặp
 

Bệnh tay, chân, miệng (TCM) đang lây lan nhanh ở nhiều địa phương như Ninh Thuận, TP.HCM, Qui Nhơn, Kiên Giang và còn có thể lan ra cả các tỉnh phía Bắc... Chuyên gia y tế trả lời mọi thắc mắc của bạn đọc về bệnh này. Mời bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu thêm về bệnh này đặt câu hỏi...

Nhiễm bệnh sau bao lâu thì khởi phát triệu chứng ?

Thời gian ủ bệnh (“incubation period“) khoảng 3 đến 7 ngày. Trong bệnh TCM thì sốt là triệu chứng thường biểu hiện trước tiên.

Làm thế nào biết trẻ mắc bệnh Tay Chân Miệng (TCM)?

Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Đặc biệt, bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, bệnh do nhiễm siêu vi hoặc bệnh thủy đậu.

Trong 1 - 2 ngày sẽ xuất hiện những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bóng nước. Ở miệng có dạng vết loét, có đường kính từ 4 – 8mm, thường ở phía trong miệng, ở trên lưỡi , tại vòm miệng hoặc ở lợi răng làm trẻ nuốt đau. Với triệu chứng này, cha mẹ thường nhầm lẫn với với bệnh viêm loét miệng thông thường. Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc ở cánh tay.

Trẻ nhũ nhi có thể có ban dạng sẩn vùng mông hoặc nơi quấn tã lót.

Trong giai đoạn cấp, ngoài những dấu hiệu trên, đôi khi bệnh kèm theo triệu chứng như hạch ở cổ, hạch dưới hàm, ho, sổ mũi, tiêu chảy, buồn nôn và nôn.

Trong giai đoạn diễn tiến, khi siêu vi gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì, mê sảng hay co giật.

Trẻ có thể tử vong hoặc hồi phục sau một thời gian điều trị nhưng vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh TCM như thế nào?

Thường thì bác sĩ có thể phân biệt được TCM và tác nhân khác gây đau lỡ miệng là nhờ dựa vào tuổi của bệnh nhân, lời khai của bố mẹ bệnh nhi về các triệu chứng điển hình cùng sự hiện diện của những nốt ban và đau khi thăm khám.

Có thể, bác sĩ sẽ lấy mẫu phết họng hoặc mẫu phân của bệnh nhân gửi đến phòng xét nghiệm để nhằm xác định loại enterovirus nào là tác nhân gây bệnh. Do xét nghiệm thường mất từ 2 đến 4 tuần mới có kết quả trả lời, nên bác sĩ điều trị thường không yêu cầu làm các xét nghiệm.

Bệnh TCM có giống như bệnh Long mồm lở móng ở súc vật?

Hoàn toàn khác nhau và do những virut khác nhau gây ra. Bệnh TCM thường bị hiểu nhầm với bệnh long mồm lở móng gia súc như trâu bò, cừu, heo.

Tác nhân gây bệnh TCM ?

Là virut thuộc nhóm enteroviruses (virut đường ruột). Tác nhân thường là coxsackievirus A16; đôi khi do enterovirus 71 hoặc một loại virut khác trong nhóm enteroviruses

Nhóm virut Đường ruột (enterovirus) gồm: polioviruses, coxsackieviruses, echoviruses và các enteroviruses khác.

Bệnh TCM có nghiêm trọng không?

Thường thì không gây bệnh nghiêm trọng.

Bệnh TCM do nhiễm coxsackievirus A16 là một bệnh nhẹ, gần như tất cả bệnh nhân sẽ bình phục sau 7 – 10 ngày mà không cần dùng thuốc điều trị. Thường không gây biến chứng.

Nhiễm coxackiesvirus A16 rất hiếm khi có biến chứng gây viêm màng não do virut (viêm màng não vô khuẩn), ở những bệnh nhân có sốt, nhức đầu, cứng gáy, đau lưng cần phải nhập viện để theo dõi trong vài ngày.

Tác nhân EV71 có thể sẽ gây viêm màng não, nhưng cũng hiếm khi gây bệnh cảnh nặng như viêm não hoặc liệt mềm dạng polio. Viêm não do EV71 gây ra có thể dẫn tới tử vong. Những trường hợp viêm não tử vong đã xảy ra trong các vụ dịch TCM tại Malaysia năm 1997 và Đài loan năm 1998.

Bệnh TCM có lây lan không?

Có, bệnh TCM lây truyền ở mức độ trung bình.

Bệnh lây truyền từ người qua người khác do tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, miệng, nước bọt, dịch của mụn dộp hoặc phân của người nhiễm. Trong tuần lễ đầu tiên của bệnh rất dễ lây cho người khác.

TCM không lây cho súc vật và con người không bị nhiễm từ súc vật hay thú nuôi cảnh.

Ai là nhóm nguy cơ bị nhiễm TCM?

Bệnh TCM thường chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng cũng xảy ra cả ở người lớn. Mọi người đều có nguy cơ bị nhiễm, nhưng không phải ai nhiễm cũng phát bệnh.

Trẻ nhỏ, trẻ em, và thiếu niên cảm nhiễm nhiều với virut và dễ phát bệnh, bởi vì chúng có ít kháng thể và miễn dịch kém hơn so với người lớn do không có quá trình phơi nhiễm trước đó.

Sau khi nhiễm sẽ có miễn dịch đặc hiệu đối với virut gây nhiễm, nhưng vẫn có thể nhiễm lần hai với loại virut khác trong cùng nhóm enterovirus.

Nguy cơ gì xảy ra cho phụ nữ có thai khi họ có tiếp xúc với trẻ em đã nhiễm TCM?

Bởi vì nhóm enteroviruses kể cả virut gây bệnh TCM rất thường gặp, do vậy phụ nữ có thai rất dễ bị phơi nhiễm đặc biệt là trong các tháng hè thu.

Cũng giống như người lớn khác, nguy cơ nhiễm cao ở những phụ nữ mang thai nào không có kháng thể có được từ những lần phơi nhiễm trước, và những phụ nữ mang thai có tiếp xúc với trẻ nhỏ là người truyền enterovirus đầu tiên.

Hầu hết phụ nữ nhiễm enterovirus trong thai kỳ thường không phát bệnh hoặc biểu hiện bệnh nhẹ.

Mặc dù thông tin có được hiện nay chưa nhiều và chưa có bằng chứng rõ ràng là nhiễm virut khi mang thai sẽ gây hậu quả như xảy thai, chết sơ sinh hoặc dị tật bẩm sinh.

Tuy nhiên bà mẹ nhiễm có thể truyền virus cho đứa bé ngay trước khi sinh. Đứa trẻ sinh ra từ người mẹ đã có biểu hiện triệu chứng nhiễm enterovirut, trong khi sinh có khả năng rất dễ bị nhiễm bệnh. Hầu hết những trẻ sơ sinh nhiễm enterovirut này có biểu hiện bệnh nhẹ và hiếm khi phát triển thành nhiễm đa phủ tạng: gan, tim và tử vong vì nhiễm vi rut.

Nguy cơ cao xảy ra bệnh cảnh nặng cho trẻ sơ sinh vào 2 tuần lễ đầu đời.

Thực hiện vệ sinh sạch sẽ cho người phụ nữ có thai sẽ có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm khi đang mang thai và nhiễm trong khi sinh.

Bệnh TCM thường xảy ra ở đâu?

Các ca bệnh đơn lẻ và dịch TCM xảy ra trên khắp nơi trên thế giới với tần suất bệnh cao trong mùa hè và đầu mùa thu.

Thời gian gần đây các vụ dịch TCM chủ yếu do enterovirus 71 gây ra đã được báo cáo xảy ra tại các quốc gia thuộc Đông Nam Á (Malaysia, 1997; Đài loan 1998).

Điều trị như thế nào?
 
Chưa có điều trị đặc hiệu cho virut này và các loại enterovirus khác. Điều trị triệu chứng để giảm sốt, đau nhức do các vết loét gây ra, kết hợp với tăng sức đề kháng.

Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da niêm cần phải vệ sinh thân thể: cho trẻ súc miệng mỗi ngày, chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày. Cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa.

Cho ăn uống đầy đủ dưỡng chất và nhu cầu, cho trẻ uống nhiều nước như nước sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo…

Lưu ý, trẻ bị TCM không cần kiêng cữ gió và ánh sáng, không chọc vỡ bóng nước, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da. Theo dõi diễn biến các tổn thương da niêm và tình trạng chung của trẻ. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu bệnh nặng hơn như sốt cao, rối loạn tri giác, co giật, bóng nước có mủ, máu.

Có thể phòng bệnh được không?

Chưa có các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu cho nhiễm TCM và các loại Non-polio enterovirus, nhưng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bằng thực hành vệ sinh tốt.

Các biện pháp phòng bệnh là rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi thay tã, làm sạch bề mặt và các dụng cụ đã bị vấy nhiễm trước tiên bằng nước và xà phòng ,rồi sau đó là khử trùng bằng dung dịch chứa clo như chloramine.

Những người chăm sóc trẻ có thể giảm nguy cơ bị lây nhiễm khi chăm sóc trẻ bệnh TCM nếu tránh tiếp xúc gần gũi với trẻ bị bệnh TCMA (hôn, ôm, dùng chung thức ăn, chén bát…)

Phòng bệnh TCM cho trẻ ở nhà trẻ như thế nào?

Dịch TCM xảy ra ở các nhà trẻ thường vào các tháng hè thu, và luôn cùng lúc với sự gia tăng sốca bệnh tại cộng đồng.

CDC không có khuyến cáo đặc biệt nào về việc cách ly cho nghỉ học các trẻ bệnh TCM trong các chương trình chăm sóc trẻ em, trường học hoặc các nhóm trẻ.

Nếu cách ly trẻ bệnh TCM với nhóm trẻ trong những ngày đầu của bệnh thì có thể làm giảm sự lây nhiễm, tuy nhiên không ngăn chặn hoàn toàn được dịch. Có thể có làm giảm phơi nhiễm cho trẻ em khác nếu cách ly những trẻ có mụn dộp trong miệng, chảy nước mũi, lòng bàn chân, bàn tay có mụn dộp vỡ.

Cách ly người bệnh có thể không ngăn được sự xuất hiện thêm các ca bệnh vì virus có thể đã bài tiết ra từ vài tuần trước khi xuất hiện triệu chứng. Một số người (mà đa số là người lớn) bài tiết virus nhưng không có biểu hiện triệu chứng của bệnh.

Nếu dịch xảy ra tại nhà trẻ:

- Bảo đảm tất cả các trẻ em người lớn phải rửa tay sạch và thường xuyên, nhất là sau khi thay tã cho trẻ. Hình ảnh bóng nước nổi trên vùng đầu gối của trẻ bị bệnh tay chân miệng

- Rửa thật kỹ, rồi khử trùng các dụng cụ và bề mặt với dung dịch chloramines, thuốc tẩy.

Vietnamnet (Theo tài liệu của CDC/Viện Pasteur TP.HCM và tư liệu của BS CKII. Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội tổng quát 1, BV Nhi đồng 1) 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bệnh “tay, chân, miệng” và cách phòng chống (4/4)
 Bệnh sởi - Xử trí khi trẻ bị sởi (23/3)
 Làm thế nào biết trẻ bị sốt xuất huyết ? (10/3)
 Hà Nội: Trẻ em bệnh do virus tăng vọt (23/2)
 Mùa thủy đậu: Lưu ý điều gì? (18/1)
 Sốt xuất huyết nguy hiểm nhất chính là lúc hết sốt (18/7)
 Nhận biết và điều trị sốt virus ở trẻ em (20/6)
 Bệnh Rubella khác gì với bệnh sởi? (22/5)
 Viêm não Nhật Bản - bệnh nguy hiểm nhất với trẻ em (22/5)
 Nhận biết nhanh trẻ sốt xuất huyết (7/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i