Có tới 48% trẻ dưới 5 tuổi ở Ấn Độ bị suy dinh dưỡng mãn tính
Với số dân hơn 1,1 tỷ người, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ nhì thế giới (chỉ sau Trung Quốc).
Bất chấp những tiến bộ kinh tế vượt trội trong hai thập niên qua, Ấn Độ vẫn còn nhiều bài toán nan giải về cuộc sống con người. Nước này hiện chiếm 20% tổng số trường hợp trẻ tử vong của thế giới. Trong số 26 triệu trẻ em sinh ra ở Ấn Độ mỗi năm có gần hai triệu em chết trước 5 tuổi. Có một nửa số trường hợp trẻ em chết đã xảy ra trong vòng một tháng sau khi sinh với các chứng bệnh phổ biến như suy dinh dưỡng, tiêu chảy và viêm phổi, những bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Có 48% trẻ dưới 5 tuổi ở Ấn Độ bị suy dinh dưỡng mãn tính và 22% trẻ sơ sinh chào đời thiếu cân. Tỷ lệ trẻ sinh thiếu cân của Ấn Độ cao gấp ba lần của Ethiopia, nước đông dân thứ nhì ở châu Phi.
Tuần này tại thành phố New York (Mỹ), các nhà lãnh đạo thế giới sẽ họp lại để đánh giá việc thực thi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) được đề ra năm 2000, bao gồm tám mục tiêu nhằm giải quyết các thách thức phát triển bức thiết nhất của hành tinh vào năm 2015. Ấn Độ cũng tham gia MDG, bao gồm MDG 4 kêu gọi mỗi nước giảm tỷ lệ tử vong trẻ em xuống 2/3 trong khoảng thời gian từ 1990 tới 2015. Ấn Độ đã có được một số tiến bộ như giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi từ 11,6% hồi năm 1990 xuống còn 6,9% vào năm 2008. Nhưng nước này vẫn còn một khoảng cách khá xa để có thể đạt được mục tiêu quốc gia là giảm tử suất trẻ sơ sinh xuống còn 3,9%.
Theo các nhà phân tích, các tiến bộ của Ấn Độ trong nỗ lực kéo giảm tử suất trẻ em khá là chậm. Người ta quy trách nhiệm cho sự giáo dục sinh sản nghèo nàn, các tập quán xã hội cổ hủ, cùng các nhân tố xã hội và chính trị khác đã khiến số trẻ em tử vong tăng cao.
Chính quyền liên bang đã tăng ngân sách cho phúc lợi trẻ em từ 700 triệu USD (tài khóa 2005 - 2006) lên 1,9 tỷ USD (tài khóa 2010 - 2011) và đang dự định nâng mức chi ngân sách cho y tế từ 1,58% GDP lên 2 - 3%.
Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là nước duy nhất trên thế giới đang đau đầu về vấn đề tử suất trẻ em. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) vừa công bố một báo cáo cho thấy ở thế giới đang phát triển, trẻ em của 20% hộ gia đình nghèo nhất có nguy cơ chết trước khi lên 7 tuổi cao hơn hai lần so với trẻ em của 20% số hộ gia đình giàu nhất. Khoảng một nửa số trường hợp trẻ tử vong dưới 5 tuổi của thế giới xảy ra ở sáu nước đông dân: Ấn Độ, Nigeria, CHDC Congo, Ethiopia, Pakistan và Trung Quốc.
Theo báo công an TPHCM