Việc các phụ huynh đổ xô cho trẻ đi học trước khi vào lớp 1 không phải chuyện mới. Việc phụ huynh tìm đúng cô giáo sẽ dạy con mình lớp 1 để "gửi gắm" cho cô kèm cặp trước khi khai giảng (dù chỉ học vài tuần) cũng không phải chuyện mới. Nhưng đằng sau những chuyện đó là cả vấn đề cần được quan tâm.
Không học - không yên tâm
Chuyện bố mẹ cho con đi học luyện chữ, ghép vần từ khi bé đang học mẫu giáo lớn đã trở nên phổ biến. Cá biệt, có gia đình còn cho con đi học chữ khi bé mới ở lớp mẫu giáo nhỡ (4 tuổi). Tâm lý chung của các phụ huynh là lo sợ con sẽ không theo kịp chương trình trên lớp, sợ nếu không học trước, khi vào học chính thức, con sẽ không theo kịp bạn bè, bởi như chị Hương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì "cả xã hội nó thế".
Tìm đến các lớp luyện chữ đẹp, lớp dạy tiền lớp 1, chưa yên tâm, nhiều phụ huynh còn tìm đúng cô giáo lớp 1 của trường tiểu học sẽ dạy con mình để xin cho con học thêm, thậm chí họ còn tự mở lớp, mời cô giáo về dạy.
Theo quy định của Sở GDĐT Hà Nội, chương trình học hết lứa tuổi mầm non chỉ làm quen với 24 chữ cái, nhận biết từ số 1 - 10, cấm dạy thêm, học thêm cho trẻ 5 tuổi. Ông Trịnh Đức Minh - Phó phòng Giáo dục Tiểu học Sở GDĐT Hà Nội - cho biết, chủ trương của ngành giáo dục là không cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Học chữ ở tuổi mầm non chỉ tạo nền tảng bước đầu, vào lớp 1 trẻ mới thực sự được dạy theo chương trình đúng chuẩn, bởi các cô giáo mầm non không có chức năng và nhiệm vụ dạy như cô giáo lớp 1.
Quy định là như vậy, nhưng thực tế, trẻ vẫn đi học trước và các cô vẫn tiếp tục dạy cho trẻ ghép vần, tập viết trước khi năm học mới thực sự bắt đầu.
Những vấn đề đằng sau thực trạng này
Một số giáo viên lớp 1 khi được hỏi đều thẳng thắn cho biết, chương trình dạy và học của học sinh lớp 1 hiện nay là quá nặng, đặc biệt trong môn tiếng Việt. Trong 1 tiết học vần, giáo viên phải dạy và học sinh phải học cả tập đọc và tập viết. Lượng kiến thức lớn dồn trong một thời gian ngắn sẽ khiến trẻ khó tập trung và tiếp thu. Thêm vào đó, mấy năm gần đây, chương trình dạy 8 tuần trước khi vào lớp 1 không còn được tiếp tục duy trì nên trẻ không được qua giai đoạn "chuyển đổi" mà bắt buộc phải thích ứng ngay với môi trường mới. Trong khi đó, chương trình dạy chữ và số cho trẻ 5 tuổi ở trường mẫu giáo lại không đồng bộ, có nơi dạy nơi không cũng khiến "đầu vào" của trẻ có nhiều chênh lệch.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Thanh cho biết: "Không phải tất cả học sinh đều được đi học trước, vì thế sẽ tạo chênh lệch và áp lực lớn trong môi trường sư phạm giữa học sinh biết và chưa biết. Lớp có nhiều trẻ biết chữ, cô dạy đỡ vất vả hơn, tiến độ cũng nhanh hơn, nhưng trẻ chưa biết sẽ bị điểm kém, sinh tự ti, chán học, bố mẹ cũng bị áp lực liên quan...".
Đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT Hà Nội, cho biết sẽ sớm có văn bản cấm việc dạy thêm cho trẻ vào lớp 1, yêu cầu các trường làm rõ tinh thần cho giáo viên và để việc thực hiện được hiệu quả, các trường phải phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời phát hiện việc tổ chức dạy thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1 và có hình thức xử lý.
Theo Lao Động