Xã hội
   Căng thẳng trường “điểm”, vùng ven
 

Thời gian tuyển sinh lớp 1 thường kéo dài một tháng, từ đầu tháng bảy đến 31/7. Với áp lực tăng dân số cơ học ở khu vực vùng ven, ngoại thành; tăng đột biến ở các trường "điểm" nội đô, việc tuyển sinh lớp 1 càng về cuối càng trở nên căng thẳng.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) - ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Phùng Huy

"Chạy" hộ khẩu
Ngày 26/7 Trường tiểu học (TH) Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 mới công bố kết quả xét duyệt danh sách HS trái tuyến, chỉ còn "trống" 40 chỗ nhưng có đến 306 đơn ngoài tuyến (trong đó 40% HS ở quận khác) xin vào học.

Không riêng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, theo ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.1, các trường "điểm" của quận luôn bị sức ép "trái tuyến" rất lớn. "Nóng" nhất ở Q.1 là Trường TH Lê Ngọc Hân, với cơ chế tự chủ tài chính, trường tuyển sinh không phân biệt địa bàn. Nếu mở "bung", tận dụng hết phòng học, trường chỉ có thể nhận 270 HS trong tổng số hơn 400 đơn nộp vào.

Điều lệ trường TH quy định số lượng HS 35 em/lớp. Dù đã hạn chế tối đa đơn trái tuyến, nhưng sĩ số ở các trường "điểm" thường "dôi" hơn 10 em/lớp so với quy định. "Số trẻ trong tuyến đã chiếm gần hết so với chỉ tiêu nhưng ngày nào cũng có PHHS "trái tuyến" đến trường xin học, đơn "trái tuyến" cao gấp hai, ba lần so với khả năng giải quyết của trường", bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường TH Lương Định Của, Q.3 cho biết.

Ở Q.Bình Thạnh, số HS vào lớp 1 năm nay không tăng, nhưng lại tăng đột biến ở những trường "điểm" như Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồng Hà. Do những trường này không đủ khả năng tiếp nhận nên Phòng GD-ĐT phải phân bổ một số em sang các trường TH ở phường lân cận. Điển hình, Trường TH Phù Đổng, P.19 phải "gánh" giùm Trường Hồng Hà (P.17) 114 em. Trường TH Lê Đình Chinh, Q.Phú Nhuận phải chia sẻ áp lực đầu cấp cho Trường chuẩn quốc gia Hồ Văn Huê trên cùng địa bàn.

Trong nhiều cách chạy vào các trường điểm, cách "đường đường chính chính" nhất là "chạy" hộ khẩu (HK). Trường Lương Định Của, Q.3 vừa phát hiện có đến năm trẻ cùng vào lớp 1 năm học 2010 - 2011 chung một HK. Năm học này, các quận đã có kế sách đối phó với sự tăng "đột biến" HS ở những trường "điểm". Tuy Phòng GD-ĐT vẫn bố trí chỗ học cho tất cả HS trên địa bàn nhưng không ưu tiên giải quyết vào trường "điểm" đối với những trường hợp mới nhập HK hoặc tạm trú.

Chờ đến hết học kỳ?
"Nóng" trong tuyển sinh vào lớp 1 không chỉ diễn ra ở các trường "điểm" mà còn lan ra các trường vùng ven, ngoại thành, trước đây luôn "mở rộng vòng tay" cho tất cả đối tượng HS. Năm nay, trẻ KT 3 - đối tượng bắt buộc các trường phải nhận trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp - muốn có một suất học cũng gian khổ vô cùng.

Điện thoại cho PV Báo Phụ Nữ, một PHHS ở Q.Bình Tân bức xúc: "Tôi đã đến Trường TH An Lạc 2, Q.Bình Tân bốn lần để hỏi mua đơn vào lớp 1 nhưng trường nói chưa có giải quyết cho HS diện KT3. Đến lần thứ tư, sốt ruột quá, tôi hỏi: "Bao giờ trường giải quyết cho con tôi có chỗ học?", ban giám hiệu trường nói: "Số HS có HK vào trường đã đủ, PHHS phải chờ xem có ai chuyển đi thì trường mới xem xét". Hỏi chờ bao lâu? Trường nói: Chờ đến tựu trường. Nếu lúc đó vẫn không có chỗ? - Chờ đến hết học kỳ (!?)". Theo vị PHHS này, không chỉ con ông mà nhiều HS KT 3 khác cũng bị đối xử phân biệt như thế. Chữ "chờ" cứ treo lơ lửng khiến PHHS không thể yên tâm làm việc. Nếu chờ đến hết học kỳ, thì đồng nghĩa với việc HS phải "thất học".

Dân số cơ học tăng chóng mặt, từ 200.000 đã tăng đến 700.000 dân trong khi trường học xây không kịp khiến Q.Bình Tân gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết chỗ học cho HS. Tương tự, Q.Thủ Đức cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu trường lớp. Số HS lớp 5 lên lớp 6 chỉ có 4.000 em, trong khi trẻ vào lớp 1 theo danh sách từ các phường báo lên vào tháng tư là 4.500 em, đến tháng năm vọt lên 5.200 em, tháng sáu tăng là 6.600 em và đến đầu tháng bảy là 7.500 em. Đầu vào hơn đầu ra 3.500 em, nhưng vẫn chưa phải là số liệu cuối cùng! Nếu tính mỗi trường TH trung bình có 30 lớp, mỗi khối có sáu lớp, thì 3.500 HS sẽ cần đến 78 lớp 1, tức cần có thêm 13 ngôi trường mới, nhưng trong hai năm qua, mỗi năm Q.Thủ Đức chỉ xây được khoảng 60 phòng học (gồm cả xây trường mới và xây thêm lớp chen vào trường cũ).

Tại Q.Tân Phú, năm học 2010-2011 vào lớp 1 là 6.973 em, so với HS lớp 5 ra trường chỉ 4.800 em. Vì vậy, để giải quyết đủ chỗ cho các em vào lớp 1, các trường TH của quận phải giảm lớp bán trú ở các khối lớp và tăng sĩ số HS ở lớp 1 bình quân 47,4 HS/lớp. Ở Q.Gò Vấp, sáu năm qua không có thêm một trường TH nào được xây mới, trong khi số lượng HS tăng từ 26.946 lên 33.701 HS, nên sĩ số cũng "leo thang" từ 47 HS/lớp lên 49 HS/lớp, thậm chí nhiều trường có sĩ số vượt 50 em/lớp. Q.Gò Vấp không còn đất công để xây trường nên mỗi năm đến mùa tuyển sinh, Phòng GD-ĐT lại "nhức đầu" với việc phân bổ HS vào lớp 1.

Trong cuộc họp với Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP gần đây, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp Trương Đăng Hùng đề nghị lãnh đạo các cấp cần quan tâm đặc biệt trong đầu tư xây dựng trường lớp cho quận, nhất là ở các phường 6, 11, 12 chưa có trường TH công lập. Q.Gò Vấp đang tính đến phương án di dời xí nghiệp, nhà máy hoặc mua đất của dân, kể cả dời... nghĩa trang để có đất xây trường. "Giải pháp cho vấn đề thiếu chỗ học vẫn là dồn lớp, tăng sĩ số HS/lớp, cắt giảm và thậm chí là xóa các lớp hai buổi và bán trú tại các trường Nguyễn Văn Triết, Hoàng Diệu, Lương Thế Vinh, Bình Chiểu..." - ông Nguyễn Trọng Cường - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức cho biết. Đây cũng là "công thức chung" để giải quyết tình thế, đang được các quận áp dụng.

TP.HCM đã có 35 trường TH đạt chuẩn quốc gia và nhiều trường đang phấn đấu đạt chuẩn, nhưng với áp lực HS vô cùng lớn, chẳng những các trường "đang phấn đấu" rất khó đạt mà những trường đã đạt chuẩn như Bình Chiểu, Hoàng Diệu (Q.Thủ Đức), Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp)... cũng mất chuẩn. "Nguyên tắc đầu tiên là phải có chỗ học cho trẻ. Với áp lực dân số tăng chóng mặt, đảm bảo cho tất cả HS có chỗ học đã khó, nói chi đến việc giữ chuẩn cho các trường "điểm", các phòng GD-ĐT cho biết.

Theo PN

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Sóc Sơn - Hà Nội: Sai phạm tại một trường mầm non cần tiếp tục làm rõ (21/7)
 Cần đầu tư hơn cho thiếu nhi vui chơi, học tập (21/7)
 Đuối nước, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại VN (20/7)
 Phụ huynh ngại trường dân lập? (20/7)
 Facebook, Twitter khiến trẻ bị trầm cảm (20/7)
 QUẢNG BÌNH: Chuyển trường bán công sang công lập (20/7)
 Nuôi con học mầm non tốn hơn đại học (19/7)
 200 phòng học chờ… đập (19/7)
 Bé 3 tháng tuổi tử vong sau tiêm văcxin 5 trong 1 (19/7)
 Nhiều nơi không “mặn” với giáo dục mầm non mới (19/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i